“Cơm lành canh ngọt” vẫn xung khắc ?
Cuộc hôn nhân của chúng em sắp bước sang năm thứ 4. Thời gian đầu, vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc, nhưng dần dần hôn nhân bắt đầu có vết rạn. Chẳng hiểu sao, càng chung sống, chúng em càng nhận thấy đối phương bộc lộ nhiều khuyết điểm. Cứ mỗi lần nhìn thấy khuyết điểm của bạn đời, vợ chồng em lại rơi vào tình trạng… chán nhau.
Em luôn cảm thấy mệt mỏi và chán nản với anh chồng lười biếng, luộm thuộm, ít khi chia sẻ việc nhà với vợ, quan tâm đến bạn bè nhiều hơn vợ con... Anh ấy cũng nhiều lần chì chiết em, bảo chán ngấy cô vợ vụng chăm con, hay cằn nhằn, nói nhiều, không khéo "nịnh" bố mẹ chồng… Cứ mỗi lần nói ra khuyết điểm của nhau, mỗi người lại cảm thấy chán nản không còn tha thiết với nhau nữa. Nhiều lần, sau khi cãi nhau bởi những khuyết điểm đó, em ôm con ngủ một phòng, còn anh ấy cũng ngon giấc ở phòng khác. Trong bữa cơm, cả hai đều im lặng ăn cho xong, không ai trao đổi gì với nhau. Dù vậy, chẳng ai thấy khuyết điểm của mình là lớn, và cho rằng đó là "mặt trái" bình thường mà ai cũng có.
Ngoài những lúc cãi vã, chán nản khi nhìn thấy khuyết điểm của nhau, vợ chồng em vẫn "cơm lành canh ngọt". Tuy nhiên, tình trạng vợ chồng thỉnh thoảng cảm thấy chán nhau cứ tái diễn nhiều lần khiến cuộc sống hôn nhân của chúng em ngột ngạt. Thương con nên cả hai không nghĩ đến chuyện ly hôn. Theo Tâm Giao, chúng em phải làm thế nào để không còn thấy chán nhau mỗi lần nhìn thấy khuyết điểm ở mỗi người?
Lekieuan@yahoo.com
Không ai sinh ra trên đời này hoàn hảo tuyệt đối. Mỗi người đều có thế mạnh và hạn chế riêng. Theo đó, thế mạnh trở thành những ưu điểm, hạn chế biến thành khuyết điểm. Người thông minh sẽ biết cách để phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế của mình. Người vụng về lại khiến khuyết điểm của mình lộ ra nhiều hơn ưu điểm. Đó là lý do chúng ta luôn cần phải học hỏi những kỹ năng để làm thế nào phát huy được thế mạnh của mình nhiều hơn, và biết cách để người khác chấp nhận hạn chế của mình một cách thấp nhất. Đây cũng là yếu tố giúp chúng ta thành công trong cuộc sống gia đình, lẫn sự nghiệp.
Nếu hai bạn xác định thương con, không ly hôn, vẫn muốn giữ hạnh phúc gia đình, thì phải biết tự điều chỉnh, khắc phục khuyết điểm của bản thân. Đồng thời, cả hai phải học cách giúp bạn đời khắc phục hạn chế, tìm cách sống chung với những khuyết điểm đó nếu nó nhỏ so với những ưu điểm của bạn đời mình.
Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng chán nhau của vợ chồng bạn cứ lặp lại nhiều lần khiến cuộc sống ngột ngạt, chính là "chẳng ai thấy khuyết điểm của mình là lớn và cho rằng đó là "mặt trái" bình thường mà ai cũng có". Việc không thừa nhận khuyết điểm của mình, cho nó là bình thường nên không ai sửa đổi. Cứ thế, khuyết điểm ấy dần dần lớn hơn trong mắt mỗi người. Bạn hãy cứ thử sửa đổi những khuyết điểm mà chồng chỉ ra, rồi cũng yêu cầu anh ấy khắc phục như mình. Mỗi người hãy điều chỉnh lại bản thân một chút nếu đó là vấn đề xuất phát từ mình. Trường hợp, khuyết điểm của mỗi người lại xuất phát từ cách nhìn nhận không đúng, hoặc chưa đúng của đối phương, hoặc từ người khác mà chưa đánh giá hết bản chất khuyết điểm đó thì cần có sự phân tích trở lại.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu cảm giác chán nhau, các bạn cần nhìn vào ưu điểm của nhau nhiều hơn khuyết điểm của vợ/chồng mình. Nếu anh ấy lười biếng việc nhà, luộm thuộm cách ăn cách sống nhưng yêu vợ thương con hết lòng, chăm chỉ làm việc để cuộc sống vợ con không cực khổ…thì khuyết điểm đó vẫn chấp nhận được, và bạn phải biết cách để anh ấy biết chia sẻ việc nhà với vợ, giúp anh ấy sống gọn gàng hơn. Ngược lại, anh ấy cũng vậy. Nếu khắc phục được những điều nói trên, các bạn sẽ không còn cảm thấy chán nhau mỗi lần thấy khuyết điểm của đối phương.
Tâm Giao