Con bất hiếu đòi quyền thừa kế

Nguyễn Huyền
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ai cũng nghĩ bà Tý về sớm với tổ tiên ngày nào là cuộc đời bà được giải thoát ngày đó. Bởi bao nhiêu năm, mang tiếng là có đủ con trai, con gái nhưng cuộc đời bà chưa có một ngày được yên vui hưởng phước. Ấy thế mà đến lúc mồ đã xanh cỏ, bà Tý vẫn không được yên nghỉ.

Đứa con trai bất hiếu

Năm 22 tuổi, bà lấy chồng, sinh được hai mụn con, một trai một gái. Bấy giờ, nhà nghèo, chồng ốm đau liên miên nên chuyện lo cho con cái học hành bà không kham nổi. Đứa con gái bỏ học nửa chừng để chạy chợ đỡ mẹ lo thuốc thang cho cha và lấy tiền cho đứa em trai út ăn học. Dù khó khăn nhưng ông bà cũng cố gắng tạo cho đứa con trai được bằng bạn bằng bè, hi vọng nó sẽ ăn học nên người đỡ đần cho bố mẹ lúc tuổi già đau yếu.

Nhưng niềm mong mỏi ấy chưa thành hiện thực thì đứa con trai hết lần này đến lần khác mang hoạ về cho ông bà. Vì được cưng chiều, Phúc không chịu học hành, đua bạn đua bè ăn chơi lêu lổng, cờ bạc nợ nần như chúa chổm. Chưa kịp học hết lớp 10, Phúc bị đuổi học, ở nhà lang thang với đám bạn xấu. Nhiều lần không có tiền ăn chơi, Phúc về đánh chị gái đòi tiền, mắng chửi cả cha mẹ. Phần ốm đau bệnh tật, phần đau buồn về đứa con trai hỗn láo, người chồng qua đời để lại gánh nặng cho bà Tý.

18 tuổi, đứa con gái xin lấy chồng để thoát khỏi thằng em suốt ngày đánh đập chỉ để trấn lột tiền ăn chơi. Một mình bà ở lại chống chọi với thằng con trai có lớn mà không có khôn.

Con bất hiếu đòi quyền thừa kế  - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Ở nhà không có tiền ăn chơi, Phúc bỏ nhà theo đám bạn vào Nam "làm ăn". Phúc đi tháng trước thì tháng sau bà nhận được tin con trai mình bị công an bắt vì tội trộm cắp. Sau hai năm thụ án tù, Phúc trở về tiếp tục “ăn không ngồi rồi” bắt mẹ già phục dịch mình. Nhiều lần không có tiền ăn chơi, Phúc đuổi đánh cả mẹ. Làng xã biết nhưng chẳng ai dám can thiệp vì sợ thằng đi tù cùng đường.

Tuổi cao, bà Tý vẫn phải chạy chợ kiếm tiền cho đứa con trai sức dài vai rộng. Thiếu thốn, đói khổ nhưng bà vẫn không thể cậy nhờ đứa con gái lấy chồng gần đấy. Bởi "nó cũng chạy ăn từng bữa, đẻ thì năm một sòn sòn". Con gái thương mẹ, con rể cũng quan tâm nhưng tất cả đều như muối bỏ biển khi bên bà Tý có đứa con trai chỉ biết ăn và phá.

Được một thời gian, Phúc dắt về một cô gái bảo là “vợ”. Về hôm trước, hôm sau Phúc đòi mẹ ở cắt đất chia nhà để ở riêng. Bà Tý đồng ý cắt hết đất vườn cho Phúc chỉ trừ lại đúng ba gian nhà để lấy chỗ ở và chốn thờ chồng. Sống riêng chưa được hai tháng, vợ chồng Phúc bán hết số đất bà cho lấy tiền rồi đưa vào Nam sinh sống. Đi năm trước, năm sau Phúc lại quay ra Hà Nội đòi mẹ bán nốt chỗ nhà đang ở để lấy tiền buôn bán.

Biết đứa con trai bất hiếu, bà Tý không đồng ý. Bà quyết giữ bằng được ba gian nhà để có chỗ hương khói cho tổ tiên và chồng. Không được như ý muốn, Phúc hết lần này đến lần khác hành hạ người mẹ tội nghiệp. Cô con gái thương mẹ muốn đón bà về sống cùng để tránh đứa em trai trời đánh. Nhưng bà cụ Tý không chịu, phần không muốn làm con gái khó xử với nhà chồng, phần phải ở lại để giữ đất giữ nhà.

Nghe lời mọi người để tránh Phúc làm càn bán nốt chỗ hương khói tổ tiển, bà Tý lên UBND xã làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất thuộc tài sản riêng của mình. Quả nhiên, Phúc nhiều lần gọi khách đến bán đất bán nhà nhưng không được. Bị dồn vào bước đường cùng, Phúc trút giận lên bà Tý. Không ít lần người con trai bất hiếu bị chính quyền gọi lên nhắc nhở, cánh cáo về hành vi bạo hành mẹ già, nhưng sau đó đâu lại vào đấy.

Mẹ già trao tài sản hương hỏa cho con gái

Ngày bà Tý mất, ai cũng nghĩ cuộc đời bà từ đây sẽ được giải thoát. Thế nhưng không ngờ, tờ di chúc bà trao cho cô con gái lúc hấp hối lại một lần nữa khiến cho bà vẫn không thể an giấc ngàn thu. Trong tờ di chúc, bà cụ Tý không để lại mảnh đất cùng ngôi ba gian cho Phúc vì sợ đứa con trai hư hỏng sẽ bán đi tiêu hết, tổ tiên và vợ chồng bà sẽ không có chỗ hương khói. Do đó bà để lại toàn bộ cho cô con gái hy vọng vợ chồng cô sẽ chăm sóc, giữ gìn làm chỗ thờ cúng lâu dài sau này.

Bà Tý mất được 100 ngày thì Phúc về tuyên bố bán nhà. Chị Hường (con gái bà Tý) không đồng ý với em trai. Phúc doạ dẫm bảo chị gái lấy chồng không có quyền ngăn cản. Sợ thằng em trai nói là làm, chị đưa di chúc của mẹ ra. Phúc gạt phăng tờ di chúc bảo rằng không có chuyện con trai đang sống sờ sờ mà con gái đã đi lấy chồng lại về hưởng gia sản, rồi thờ cúng bố mẹ ông bà tổ tiên thay con trai. Mặc kệ chị gái đưa ra lý do gì, Phúc vẫn gọi người bán nhà. Biết chị Hường có trong tay giấy tờ pháp lý nên những người tìm đến mua đều bỏ cuộc.

Con bất hiếu đòi quyền thừa kế  - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Thấy bán nhà không xong, Phúc viết đơn kiện ra Toà đòi chia tài sản. Phiên Toà được mở, Phúc một hai cho rằng mình cũng là con của bà Tý, và còn là con trai duy nhất trong gia đình nên có quyền hưởng tài sản bố mẹ để lại. Tờ di chúc được bà cụ Tý lập trong tình trạng minh mẫn nay bị Phúc và vị luật sư Phúc thuê bảo vệ quyền lợi của mình cho rằng chị Hường đã lợi dụng lúc bà cụ Tý không còn sáng suốt để lập di chúc hòng cướp đến tài sản của bố mẹ để lại.

Phúc cũng nhấn mạnh trước Toà, mảnh đất và ngôi nhà ấy trước kia không có giá trị mấy nhưng từ khi có con đường của khu công nghiệp chạy qua trước mặt nó trở thành tiền tỷ. Do đó vợ chồng chị gái đã nổi lòng tham muốn chiếm đoạt hết gia tài đó mới bịa chuyện di chúc, vì xưa nay bà cụ Tý không biết chữ.

Đau đớn trước lời bịa chuyện và vu khống của đứa em trai hết tình hết nghĩa, người chị gái cho biết nếu không vì muốn giữ chỗ hương khói cho ông bà tổ tiên và cha mẹ thì chị không bao giờ muốn tranh giành với em trai mình. Nhưng vì biết rõ gia tài ấy trao vào tay em mình ngày nào là ngày ấy ông bà tổ tiên sẽ mất chỗ hương khói ấy nên chị mới quyết ra Toà giữ bằng được mảnh đất và ngôi nhà bố mẹ để lại. Vì lẽ đó nên phiên toà trở thành một "chiến trường" để hai chị em ruột biến thành kẻ thù không đội trời chung.

Kết thúc phiên Toà sơ thẩm, Phúc bị xử thua, bởi bản di chúc bà Tý để lại có hiệu lực trước pháp luật. Tuy nhiên, Phúc vẫn không tâm phục khẩu phục với kết quả ấy. Anh ta cho biết sẽ theo kiện đến cùng trong phiên Toà phúc thẩm với lý do tất cả con cái đều có quyền hưởng tài sản như nhau; và không có lý do nào có thể làm mất quyền lợi ấy.

Những người trong cuộc tham dự phiên Toà hôm ấy cũng có thể phán đoán được kết quả cuối cùng của câu chuyện đau lòng này. Chỉ tiếc rằng, đứa con trai bất hiếu vẫn không ngộ ra được “chân lý” của pháp luật. Đó là dù pháp luật công nhận con cái quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, nhưng con cái cũng có thể bị pháp luật tước quyền đó nếu như bất hiếu, ngược đãi cha mẹ, không được cha mẹ thừa nhận quyền thừa kế trong những bản di chúc hợp pháp họ để lại.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những sai lầm khi nuôi dạy con

Những sai lầm khi nuôi dạy con

(PNTĐ) - Cha mẹ nào cũng hết mực yêu thương, chăm sóc con cái. Nhưng không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm, cập nhật thường xuyên kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con… Dưới đây là những sai lầm phổ biến cha mẹ thường mắc phải khi nuôi dạy con.
Học làm... ông

Học làm... ông

(PNTĐ) - Mải sửa cái khóa cửa bị hỏng, nếu bà không nhắc thì ông cũng quên luôn giờ đón cháu. Thế là ông vội dắt xe máy ra đường và phóng đi.
“Cấm vận” con riêng của chồng

“Cấm vận” con riêng của chồng

(PNTĐ) - Cho rằng con riêng là “cầu nối” giữa chồng mình và vợ cũ nên từ lúc về chung một nhà, Hoài “cấm vận”, không cho con riêng của chồng đi lại, quan hệ hay liên lạc với mẹ nó. Cứ thế, mỗi lần người mẹ muốn thăm con cũng chật vật, gian nan.
Điều ước

Điều ước

(PNTĐ) - Hôm đó, zalo của bà báo tin sinh nhật người đồng nghiệp cũ. Bà và ông ấy làm việc với nhau gần 30 năm, sau đó, về hưu cùng dịp. Lại có thêm cả chục năm sinh hoạt hưu trí với nhau. Rồi bà chuyển vào Nam giúp con gái trông cháu ngoại nên ít gặp ông hơn.
Lòng tốt được đền đáp

Lòng tốt được đền đáp

(PNTĐ) - Chị Hoà ngỡ ngàng và cảm kích trước sự giúp đỡ của người bạn. Mọi bức xúc trong chị bỗng chốc tan biến, chị nhận ra rằng lòng tốt và sự nhiệt tình của chồng mình đã được đền đáp một cách không ngờ tới.