Con chung có quyền hưởng thừa kế tài sản nhiều hơn con riêng?
(Ảnh: minh họa)
Tôi là con riêng của bố tôi. Do trước đây, mẹ tôi và bố tôi có quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân. Dù là con riêng nhưng bố tôi vẫn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi tôi cho đến khi trưởng thành. Nay bố tôi bị bệnh hiểm nghèo, không sống được bao lâu nên đã lập di chúc chia thừa kế. Theo di chúc, tôi được chia thừa kế ít hơn con riêng rất nhiều. Các con chung của bố tôi giải thích là họ có quyền được hưởng thừa kế tài sản của bố tôi nhiều hơn, bởi vì họ là con chung, còn tôi được chia ít do là con riêng. Tôi muốn hỏi Quý báo, có phải là con chung thì có quyền được hưởng tài sản thừa kế nhiều hơn con chung hay không? Pháp luật quy định về quyền thừa hưởng tài sản của con chung và con riêng như thế nào? Ngoài hình thức chia thừa kế theo di chúc, còn hình thức chia thừa kế nào khác không?
Nguyendinhdung98@gmail.com
Trả lời:
Theo Điều 624, Bộ Luật Dân sự năm 2015, di chúc là thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi đã chết. Theo đó, Điều 626 cũng quy định người lập di chúc có quyền sau đâu: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Như vậy, bố bạn có quyền phân chia tài sản cho con chung và con riêng theo ý mình. Đây là ý nguyện của bố bạn chứ không phải dựa vào tiêu chí “con chung thì có quyền được hưởng nhiều hơn, còn con riêng thì phải chịu nhận phần ít hơn” giống như các con chung của bố bạn nói.
Về vấn đề thừa kế tài sản, pháp luật cũng quy định con chung và con riêng có quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng như nhau. Nếu như bố bạn không có di chúc để lại, việc phân chia tài sản thừa kế của bố bạn sẽ được chia theo hình thức thừa kế theo pháp luật. Theo đó, Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chế.
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, nếu như bố bạn không để lại di chúc, thì thừa kế theo pháp luật, bạn thuộc hàng thứ nhất và được hưởng tài sản thừa kế ngang bằng với các con chung.
Báo Phụ nữ Thủ đô