Con trưởng thành, cha mẹ về quê dưỡng già

Chia sẻ

Dựng vợ gả chồng xong cho hai đứa con, ông bà đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt. Thay vì sống chung với vợ chồng con trai ở thành phố, họ sẽ bán nhà về quê mua đất tự lập cuộc sống khi về già.

Hai ông bà cùng quê, thời trẻ ra thành phố học đại học rồi lập nghiệp, lập thân. Thời đó, quê nghèo, trụ lại thành phố là mơ ước của những người trẻ thoát ly như ông bà. Khi nhập được hộ khẩu ở thành phố, ông bà không còn nghĩ đến chuyện về quê sống ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông còn khẳng định trong gia phả của họ tộc sau này sẽ có chi họ Hoàng ở Hà Nội, và gốc chi từ gia đình ông bà. Vì vậy, căn nhà ông bà tâm huyết xây dựng nên sẽ là nơi thờ phụng chi tộc và là nơi sống đến cuối đời cùng con cháu.

Mấy chục năm làm ăn, bôn ba sinh sống ở thành phố. Đến khi con cái trưởng thành, dựng vợ gả chồng xong, ông bà bỗng thay đổi quan niệm sống. Ngày ông về hưu cũng là lúc ông bà lo xong chuyện cưới hỏi cho con trai và con gái. Ai nhìn vào cũng bảo, từ đây, ông bà được thảnh thơi an hưởng tuổi già bên con cháu. Họ sống chung cùng vợ chồng con trai, nhanh thì một năm nữa sẽ lên chức ông bà nội, ngoại. Có thời gian, ông bà sẽ giúp các con chăm sóc cháu, tuổi già vui vầy bên cháu nội, cháu ngoại thì hạnh phúc còn gì bằng.

Con trưởng thành, cha mẹ về quê dưỡng già - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Vậy nhưng, một ngày, ông bà gọi các con về họp gia đình rồi thông báo: Bố mẹ tính sẽ bán căn nhà mặt phố này lấy tiền mua cho vợ chồng anh Thành một căn hộ để sống riêng, cho em Yến một khoản để làm vốn. Số tiền còn lại, bố mẹ về quê mua mảnh đất, xây ngôi nhà nhỏ sống già ở đó. Tuổi già, bố mẹ muốn vui thú điền viên, các con hãy ủng hộ nhé!

Cả con trai lẫn con gái ông bà đều ngạc nhiên, tuổi già cần con cháu bên cạnh, ông bà về quê xa xôi cách trở bất tiện cho cả hai bên. Nhất là con cái không yên tâm khi bố mẹ đau ốm không cận kề chăm sóc, đi về thì bất tiện. Vậy nên, các con phản đối kịch liệt ý định về quê sống của ông bà. Nhưng ý họ đã quyết, con cái đành thuận theo.

Hàng xóm và người thân nghe tin ông bà bán nhà ở phố về quê sống già một mình đều tỏ vẻ ái ngại. Người ta nói già cậy con, đến tuổi này rồi, ông bà còn tính chuyện sống ở quê làm gì cho khổ mình, khổ con. Cũng có người nói ông bà già rồi nên trái tính trở nết, cuộc sống bất hòa với con cái nên mới tính đến chuyện sống riêng. Lại có người thuận theo, ừ thì sống riêng với con cái nhưng nên sống gần không nên sống xa như vậy. Khi khỏe mạnh chẳng sao, nhưng khi ốm đau già yếu, bất tiện, khó khăn trăm bề. Mặc ai nói gì, ông bà chỉ cười bảo muốn tự lập cuộc sống của mình, không đặt nặng trách nhiệm phụng dưỡng tuổi già cho con cháu.

Sau khi bán nhà và tìm mua cho vợ chồng con trai căn hộ để ổn định cuộc sống, ông bà về quê mua lại mảnh đất ngày xưa của bố mẹ để lại đã bị họ bán đi cách đây hơn chục năm. Ngày đó, ông bà nghĩ chẳng về quê sống nên giữ đất làm gì, bố mẹ già rồi đón ra phố phụng dưỡng đến khi trăm tuổi. Nhưng, ông bà chưa kịp đón bố mẹ ra phố sống cùng thì họ đổ bệnh lần lượt mất đi.

Ngoài số tiền mua đất xây nhà ở quê, ông bà còn dành một khoản để lo ốm đau tuổi già. Họ không muốn đặt gánh nặng lên con cháu khi cuộc sống của chúng còn nặng gánh lo cho gia đình riêng của mình. Ngày chia tay con cháu về quê sống già, lòng ông bà chợt thanh thản đến lạ. Cha mẹ sinh con ra nhưng chúng có cuộc đời của chúng, chẳng nên ràng buộc với quan niệm sinh để lo cho tuổi già của mình. Nếu con cái có hiếu, chúng sẽ quan tâm cha mẹ bằng nhiều cách không phải cứ sống bên cạnh mới là hiếu thuận.

Ngôi nhà nhỏ dựng lại trên nền đất cũ của cha mẹ ngày xưa, ông bà như được sống lại những ngày tuổi thơ ở đó. Quê hương chẳng bao giờ rũ bỏ những người đi xa trở về. Hàng xóm ngày xưa không còn nhưng con cháu họ được ông bà, cha mẹ kể lại “gia phả” của làng nên người trẻ vẫn biết ông bà là ai. Thỉnh thoảng, họ sang nhà ông bà chơi, uống nước chè xanh, kể lại câu chuyện của ông bà, cha mẹ họ với ông bà cụ bên này. Tình làng nghĩa xóm cứ thể nảy nở và thắt chặt thêm.

Quê cha đất tổ, dù đi muôn phương nhưng đến già, con người ta lại giống như chiếc lá rơi về cội. Với người già, tìm về quê cha đất tổ, hiếu thuận cuối đời với tổ tiên lại là niềm vui trong cuộc sống, và giữ lại cái gốc nguồn cội cho con cháu sau này.

KHÁNH VÂN

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.