Đánh mất hạnh phúc

M.Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.

Nằm mãi thấy đau lưng, ông dậy bật điện rồi ngồi nhìn quanh căn phòng trọ nhỏ bé bừa bộn ngổn ngang đồ đạc, quần áo. Mấy cái bát, cái nồi nấu ăn từ trưa vẫn chưa rửa. Bóng ông in lên tường càng khiến cho không gian thêm cảm giác cô quạnh. 

Vài tiếng con tắc kè lại kêu lên như thấu hiểu tâm trạng của ông bây giờ. Ông nhớ, ông tiếc nuối và cả ân hận. Thế nhưng, giờ đây sự hối hận đó đã quá muộn màng với một người bước qua tuổi 63 như ông. Ngày ấy, ông An và vợ đến với nhau bằng tình yêu tự nguyện. Sau gần 2 năm qua lại tìm hiểu, cả hai quyết định về chung một nhà trong sự chúc phúc của hai bên gia đình.

Ông đã từng có một gia đình đầy đủ với một ngôi nhà, người vợ và hai đứa con nếp tẻ. Năm tháng trôi đi, cuộc hôn nhân của ông đã được hơn 20 năm dù bát đũa có lúc xô. Những năm đầu, cuộc sống còn nhiều khó khăn, con còn nhỏ, cả hai vợ chồng ông phải làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập. Vợ ông nhận may gia công quần áo, còn ông tranh thủ chạy xe ôm. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng căn nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Rồi con cái ông lần lượt đứa vào đại học năm 3, đứa chuẩn bị vào đại học.

Đánh mất hạnh phúc - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngỡ hạnh phúc cứ êm đềm như thế, nhưng mọi việc trở nên đảo lộn khi ở cơ quan vợ ông có sự thay đổi nhân sự. Trưởng phòng hành chính bên đó nghỉ hưu, vợ ông vốn là người có năng lực nên được lãnh đạo cất nhắc vào vị trí thay thế.

Từ đó, công việc của bà bận rộn hơn, thời gian bà dành cho gia đình cũng không còn được như trước. Con cái lớn, mỗi đứa một thế giới riêng. Ông cũng đã có tuổi, không còn chạy xe ôm nữa nên nhiều hôm đi làm về nhìn căn nhà vắng tanh mà thấy chạnh lòng. Trước đây, cứ tan làm là vợ ông lại về cùng ông lo cơm nước. Giờ công việc đó tự nhiên phó mặc cả cho ông.

Về nhà buổi chiều một mình lo bữa cơm mà thức ăn mua sẵn nhiều hơn thức ăn tự chế biến. Cả nhà chẳng mấy khi được đông đủ ăn cơm bởi các thành viên luôn “lệch múi giờ”.

Con lớn đứa đi làm thêm ngoài giờ học, đứa đi học thêm để chuẩn bị thi đại học. Còn vợ ông hôm nào không tiếp khách thì đi tập thể dục, không thì đi giao lưu với bạn bè đến tối mịt mới về.

Chán rồi cũng thành quen. Ông ít khi nấu cơm cho cả nhà nữa. Trong nhà mạnh ai nấy ăn. Vậy là bữa cơm kết nối các thành viên trong gia đình bị đứt gãy. Bản thân ông nếu hôm nào không đi nhậu với bạn bè thì lúc làm gói mì tôm, khi thì làm bát cơm nguội cắm lại cho qua bữa.

Rồi trong những lần đi nhậu cùng bạn bè, ông quen cô phục vụ quán và cô ấy ngày càng bám riết lấy ông. Cô ta chỉ hơn con gái đầu của ông chưa đến chục tuổi. Thấy ông làm việc trong nhà nước, cô ta ngưỡng mộ lắm. Chiều nào ông cùng bạn bè vào quán là cô ta phục vụ nhiệt tình.

Ông lâu ngày không có người quan tâm nên dễ say lòng. Có hôm ông uống cho đến say mới về nhà, vật xuống giường chìm nhanh vào giấc ngủ. Gia đình như một cỗ máy không có người chăm sóc ngày càng bệ rạc.

Đánh mất hạnh phúc - ảnh 2
Ảnh minh họa

Còn ông giờ đã mang tâm trạng cô đơn đặt vào những ly bia. Bạn bè ông còn trêu chọc gán ghép ông và cô ta. Mà lúc ấy, ông như người chết đuối, vớ được cô ta như cái phao. Vốn đã chán gia đình, quan hệ vợ chồng lâu ngày rệu rạo, tình cảm như nguội lạnh.

Vậy là những dịp vợ ông đi công tác, ông đến ở lại với cô ta trong phòng trọ. Cô ta săn sóc chiều chuộng ông làm cho ông quên đi gia đình, vợ con, càng ngày càng lún sâu vào mối quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng ấy mà không sao dứt ra được.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra. Vợ ông ban đầu không tin ông cặp kè với cô gái trẻ chỉ hơn con mình vài tuổi, song nghe đồn thổi mãi bà cũng đã thuê người theo dõi và bắt quả tang ông tại nhà trọ cùng cô ta. Bà làm ầm ĩ khu trọ làm cho ông và cô ta xấu hổ không có chỗ chui.

Không chịu nổi sự khinh rẻ của vợ và sự xa cách của 2 con, cuối cùng ông đặt cuộc đời vào một canh bạc khi quyết định chia tay với người vợ và 2 đứa con để chính thức sống chung với cô ta, bỏ qua hết thảy mọi lời can gián của bạn bè, người thân.

Sau khi ra tòa ly hôn, vợ ông giữ căn nhà và đưa cho ông một số tiền nhỏ. Ông dọn đến phòng trọ của cô ta và bắt đầu cuộc sống chung công khai với cô ta. Vốn khéo miệng, cô ta ngon ngọt xui ông đưa hết tiền cho mình giữ bảo để phòng thân và tích góp thêm mua nhà. Tin tưởng ông giao hết tiền để cô ta giữ, bản thân ông cũng lên kế hoạch tìm mua căn nhà nhỏ để ở ổn định.

Đánh mất hạnh phúc - ảnh 3
Ảnh minh họa

Hai năm sau, khi ông cầm quyết định nghỉ hưu cũng là lúc ông tìm được căn nhà giá cả hợp lý nên ông bảo cô đưa tiền để đặt cọc thì cô ta ỉ ôi khóc lóc nói với ông rằng đã lỡ làm mất do tin người hùn vốn làm ăn không may bị lừa.  Cô ta quỳ xuống xin ông tha thứ, hứa cố gắng làm lụng kiếm tiền trả cho ông. Xuôi tai, vậy là ông lại tiếp tục chấp nhận ở lại với cô ta trong căn nhà trọ.

Từ khi ông nghỉ hưu, lương bổng thấp không đáp ứng đủ cho cô ta vậy là bộ mặt thật của cô ta ngày càng rõ. Hàng tháng, lương hưu của ông đều bị cô ta tước sạch sẽ, thậm chí cô ta còn đá thúng đụng nia, mặt nặng mày nhẹ những khi không có tiền. Rồi cô ta lấy cớ đi làm thêm để thêm thu nhập nên đi sớm về khuya. Cơm nước cũng bỏ mặc ông tự lo.

Thế là sau hơn hai năm xa vợ con, ông lại sống một cuộc sống tạm bợ, vất vả mà lẽ ra không phải dành cho một người đầu hai thứ tóc như ông.

Giờ đây ông đã quá mệt mỏi. Đầu hai thứ tóc mà chẳng có một chốn để nương thân, suốt ngày như bị giam lỏng trong căn phòng trọ ẩm ướt ngột ngạt. Muốn đi đây đi đó thì không có tiền, mà thật ra ông cũng xấu hổ khi xưa không nghe lời khuyên nên chẳng dám tìm đến bạn bè.

Ông thấy sợ phải nhìn thấy những ánh mắt thương hại. Sống co mình lâu ngày ông sinh ra bị chứng mất ngủ triền miên và rơi vào trạng thái trầm uất. Ông thấy nhớ vợ, nhớ con. Ông ân hận, song sự hối hận đó đã quá muộn màng khi ông đánh mất hạnh phúc chỉ vì phút giây không giữ được mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.