Dâu trưởng giỏi kiếm tiền, không cần giỏi nội trợ?

Chia sẻ

Chúng tôi hiện đang sống cùng vợ chồng con trai trưởng. Xét về tổng thể, tôi hài lòng với con dâu từ điều kiện gia đình, đến hình thức, trình độ học vấn và sự thành đạt trong xã hội. Con dâu tôi hiện đang là Trưởng phòng kinh doanh của một tập đoàn nước ngoài có chi nhánh ở Việt Nam, rất giỏi trong vấn đề làm kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, có một điều khiến tôi mà con dâu luôn mâu thuẫn hàng ngày đó là quan điểm không cần giỏi nội trợ, trong khi tôi luôn cho rằng đã là phụ nữ trong gia đình thì vấn đề này phải giỏi giang. Đó là chưa kể, con dâu tôi còn đảm nhiệm vai trò dâu trưởng thì vấn đề nội trợ còn phải giỏi giang hơn. Bữa cơm hàng ngày, hôm nào tôi đi chợ nấu nướng cho thì còn tươm tất, hôm nào con dâu vào bếp thì cơm nhão, canh mặn, hoặc phải dùng đồ ăn sẵn ship từ quán ăn, nhà hàng bên ngoài về.

 Tôi đã phê bình con dâu nhiều lần nhưng con vẫn giữ quan điểm: Biết kiếm tiền thì không cần phải giỏi nội trợ và đòi thuê giúp việc để nấu ăn thay mình. Tôi không muốn con dâu dùng tiền để giải quyết mọi vấn đề, mà muốn con giữ lửa ấm hạnh phúc gia đình từ căn bếp, bữa cơm. Đây là vai trò của người phụ nữ từ ngàn xưa đến nay. Làm thế nào để con dâu tôi hiểu được điều này và thay đổi quan điểm?

Nguyễn Thị Bích (Thanh Xuân, Hà Nội)

 Quan niệm phụ nữ phải giỏi nội trợ, là người giữ lửa hạnh phúc gia đình từ căn bếp, bữa cơm là không sai, nhưng nó lại không hoàn toàn đúng trong bối cảnh sống thời hiện đại- khi mà người phụ nữ không còn ở nhà để lo mỗi việc nội trợ, mà bước ra xã hội làm việc, kiếm tiền bình đẳng như đàn ông. Do đó nếu chúng ta vẫn giữ quan niệm phụ nữ phải giỏi việc nội trợ và giỏi kiếm tiền là đang vô hình đặt lên vai họ gánh nặng kép, tạo nên sự bất bình đẳng trong gia đình. Ngày nay, trách nhiệm giữ lửa hạnh phúc gia đình được phân đều cho cả hai giới. Nếu như trước đây “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” thì bây giờ đàn ông và phụ nữ đều cùng “xây nhà và xây tổ ấm”.

 Người phụ nữ hiện đại giữ lửa gia đình được khuyến khích bằng các tiêu chí thông minh, thay vì sự ôm đồm, quán xuyến hết tất cả mọi việc, không có sự chia sẻ lại giữa các thành viên trong gia đình. Người phụ nữ thông minh sẽ đo chất lượng bữa cơm gia đình thông qua không khí vui vẻ, tâm trạng hứng khởi của các thành viên. Dù những món ăn trong bữa cơm được họ mua sẵn bên ngoài, hay do người giúp việc nấu. Trong khi người phụ nữ ôm đồm sẽ tự đi chợ, nấu nướng nhưng lại bằng tâm trạng mệt mỏi, cáu giận bởi vừa trải qua một ngày làm việc quá áp lực ở cơ quan. Họ đem tâm trạng đó vào những bữa cơm quát con, giận chồng, đá thúng đụng nia với bố mẹ chồng, khiến không khí gia đình nặng nề. Người phụ nữ thông minh biết kiếm tiền và dùng nó để sử dụng các dịch vụ gia đình, hỗ trợ bản thân làm tốt hơn các công việc đó. Dù sử dụng dịch vụ làm thay nhưng họ không hẳn tách rời vai trò của mình trong đó, vẫn biết cách quản lý, kiểm soát mọi việc trong tầm tay.

Vì thế, trong vấn đề của bạn, hãy nhìn nhận đánh giá vai trò giữ lửa hạnh phúc của con dâu trên phương diện đảm bảo sự kết nối tình cảm của các thành viên trong gia đình, quan tâm giáo dục con cái, giải quyết các công việc nhà êm đẹp. Còn việc lựa chọn phương pháp nào để hoàn thành công việc đó cho tốt, bạn hãy để cho con dâu quyết định. Ngày nay, vai trò dâu trưởng trong gia đình được ví như người chỉ huy trong dàn nhạc, biết phân công công việc cho mọi thành viên một cách hợp lý, tạo sự kết nối để tất cả cùng phối hợp nhịp nhàng, mang lại hiệu quả tốt nhất, thay vì là người phải trực tiếp làm hết tất cả mọi việc như trước đây. Do đó, bạn không quá lo lắng về vấn đề dâu trưởng không hoàn thành trách nhiệm của mình nếu như không giỏi về nội trợ.

Tâm Giao

 

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.