Đẩy lùi nỗi sợ sinh con ở phụ nữ trẻ

Bài và ảnh: Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện nay, nhiều phụ nữ trẻ không muốn sinh con hoặc chỉ sinh ít con khiến tỷ suất sinh ở Việt Nam hiện đang ở mức thấp tại một số tỉnh, thành phố. Theo các chuyên gia, hơn bao giờ hết, người phụ nữ rất cần sự chia sẻ của cộng đồng, gia đình, đặc biệt là người chồng để đẩy lùi... nỗi sợ ấy.

Đẩy lùi nỗi sợ sinh con ở phụ nữ trẻ - ảnh 1
Chênh lệch mức sinh giữa các vùng đang là thách thức lớn của công tác dân số. Ảnh minh họa.

Ngại sinh vì thấy vất vả

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, gia đình đóng vai trò quan trọng trong văn hóa của người Việt. Gặp nhau, mọi người thường bắt đầu bằng các câu hỏi về gia đình như: “Bao giờ kết hôn?”; nếu kết hôn rồi thì hỏi “bao giờ sinh con?”; nếu đã sinh một con thì quan tâm tới việc “bao giờ sinh con thứ 2?”… Thế nhưng, thời gian gần đây, một xu hướng đang được ghi nhận ở Việt Nam là nhiều người trẻ chọn lối sống độc thân, không muốn kết hôn hoặc kết hôn muộn. Sau khi kết hôn thì... ngại sinh con. 

Theo Cục Dân số, Bộ Y tế, số liệu ước tính cho thấy tổng tỷ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ). Nếu mức sinh tiếp tục giảm, theo dự báo của Liên hợp quốc, năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An hiện nay. 

GS.TS Phan Thị Kim, Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho biết: “Năm 2023, dân số Việt Nam là 100,3 triệu người. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện là 73,7 tuổi; tỷ lệ sinh/1 phụ nữ của Việt Nam hiện là 1,7-2. Đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh chỉ có 0,9, tương đương với nhiều quốc gia ở châu Á cũng đang có tỷ lệ sinh thấp khiến Chính phủ phải có biện pháp khuyến khích sinh đẻ như Singapore: 0,9; Hàn Quốc: 0,7; Nhật Bản: 0,6”. 

TS Phan Thị Kim phân tích một số nguyên nhân dẫn tới  giảm dân số trẻ là do thanh niên hiện nay lựa chọn cuộc sống độc thân hoặc là do kết hôn muộn (tại TP Hồ Chí Minh, tuổi kết hôn trung bình là 29,3, tăng hơn 3 tuổi so với tuổi kết hôn chung của cả nước). Các gia đình trẻ sau khi kết hôn lựa chọn sinh con muộn và sinh một con. Bên cạnh đó, áp lực việc làm tăng, mức chi tiêu cho bản thân trong thời hiện tại cũng tăng cao; chi phí để nuôi con trong bối cảnh xã hội hiện đại nhiều cạnh tranh lớn. Nhiều thanh niên sợ trách nhiệm gánh vác gia đình, lo lắng trong việc không đủ tài chính trong việc sinh con và nuôi dạy con.

 Ngoài ra, có một nguyên nhân là một số bạn trẻ, trong đó có bạn gái thấy rằng kết hôn, sinh con có nhiều áp lực và sẽ cản trở, gây khó khăn trong việc phấn đấu về sự nghiệp. Thực tế có nhiều phụ nữ sau khi lập gia đình, có con đã rơi vào tình trạng lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, quay cuồng từ sáng tới tối không còn thời gian cho bản thân và sự nghiệp.
Những người trẻ nghĩ gì?
Theo TS Phan Thị Kim, để có thể giải tỏa lo lắng cho các bạn trẻ, về mặt xã hội, cần có chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh con như cải thiện an sinh xã hội và thu nhập cho người lao động; duy trì chế độ nghỉ chăm con ốm đau đối với cả vợ và chồng; cung cấp đầy đủ hệ thống trường mẫu giáo, cấp 1 tại khu dân cư; cung cấp dịch vụ cung cấp thực phẩm, chế biến thực phẩm, bố trí điểm giặt là công cộng gần khu dân cư nhằm giảm gánh nặng thời gian nội trợ cho phụ nữ. Việc được nhận hỗ trợ để có điều kiện nghỉ ngơi, giải phóng sức lao động là rất tốt cho phụ nữ.

Chị Khương Như Quỳnh, hiện là nữ Giám đốc quốc gia của Tập đoàn công nghệ toàn cầu Trade Intelligence Global và Giám đốc vận hành Alo base. Trẻ tuổi, năng động, công việc hiện chiếm khá nhiều quỹ thời gian trong ngày của chị. Kết hôn năm 25 tuổi, chị Quỳnh chia sẻ: “Sẽ là không công bằng khi đòi hỏi người phụ nữ phải vừa thành đạt trong sự nghiệp, khi về nhà lại phải hoàn thành hết mọi công việc. Tuy nhiên, người phụ nữ cũng không nên “khoán” hết việc chăm sóc gia đình cho người ngoài. Vì vậy, hai vợ chồng mình chọn giải pháp thuê người giúp việc theo giờ để hỗ trợ làm một số công việc trong nhà. Còn lại, mình vẫn có thể tự tay làm một số việc cho gia đình, chăm sóc các con, thực hiện nhiệm vụ dâu con với nhà chồng với sự giúp đỡ của chồng. Nhờ vậy, mình không cảm thấy bị áp lực và việc lập gia đình, có con là gánh nặng”.

Chị Quỳnh mong muốn, trong xã hội hiện đại, người phụ nữ sẽ luôn nhận được sự chia sẻ, thông cảm của xã hội, người chồng và các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, ngược lại, người phụ nữ cũng cần biết cách cân bằng giữa công việc và thiên chức làm vợ, mẹ. Bản thân chị Quỳnh sẽ không chọn giải pháp tránh lấy chồng, không sinh con chỉ vì sợ áp lực.

Jenny Nguyễn, Chủ tịch Học viện kinh doanh AZ, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân trẻ khởi nghiệp Y&C chia sẻ, cô lớn lên với hình ảnh những nàng dâu phải gồng gánh rất nhiều trách nhiệm với gia đình. Như mẹ chồng của cô, thường dậy từ 4h sáng để đun nước pha trà, nấu ăn cho chồng con. Vì vậy, khi có thêm Jenny, mẹ chồng cô cũng mong con dâu sẽ tiếp nối truyền thống mà bà đã được truyền lại từ mẹ chồng mình. Nhưng những người trẻ thuộc thế hệ @ như Jenny lại không chọn cách này. Cô kể, ngay từ khi mới kết hôn, cô và chồng đã có một “bản thỏa thuận” sống chung, đó là mỗi người đều có trách nhiệm với gia đình và việc nhà, chăm con không phải là của riêng phụ nữ. 

Từ góc nhìn của người trẻ, Jenny bày tỏ quan điểm, phụ nữ cần biết yêu thương bản thân chứ không phải gánh hết các nghĩa vụ do người khác áp lên và cả đời phải sống trong mệt mỏi, vất vả, bất hạnh. Và nếu người phụ nữ biết tự giải phóng và được những người xung quanh hậu thuẫn, thấu  hiểu thì câu chuyện họ “sợ sinh con”, “ngại kết hôn” sẽ có thể được tháo gỡ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.