Để tài sản thừa kế cho con: Nên hay không ?

Chia sẻ

Cha mẹ có tài sản hãy dùng toàn bộ phục vụ cho cuộc sống bản thân trước, thay vì tích cóp làm "của thừa kế" để lại cho con sau này. Bởi tài sản thừa kế là mầm mống bất hạnh của cả cha mẹ lẫn con cái, khi vật chất được đặt lên hàng đầu.

Đó là bài học mà tôi nhận ra sau hơn 2 năm "tháp tùng" bà chị ruột ở tuổi xế chiều đến các phiên tòa kiện đòi tài sản thừa kế giữa chị tôi và mấy đứa con của chị. Chị gái tôi lấy chồng năm 20 tuổi, đến năm 32 tuổi có 3 con trai, 1 con gái. Anh chị tôi không chỉ tảo tần làm ăn để nuôi con cái ăn học trưởng thành, mà còn lăn lộn tính cơ ngơi sau này cho chúng. "Ít ra con trai cũng phải lo cho chúng mỗi đứa mấy chục mét đất để ở khi lấy vợ, con gái có chút hồi môn lấy vốn làm ăn khi lấy chồng"- đó là tâm nguyện và là mục đích phấn đấu của họ.

Để tài sản thừa kế cho con: Nên hay không ? - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Bởi lo tính như thế nên quanh năm suốt tháng họ tiết kiệm, không dám chi tiêu cho bản thân. Làm được đồng nào là gửi tiết kiệm, ốm đau cũng chẳng dám chi dùng số tiền đó. Số tiền họ dành dụm được đều đổ vào mua đất. Sau nhiều lần mua đi bán lại, cuối cùng họ cũng tậu được mảnh đất 1.000m2. Ngày xưa đất quê, giá trị không nhiều, nhưng anh chị tôi toại nguyện vì đã có của để dành cho các con sau này dựng vợ gả chồng đều có của ăn, của để. Thế nhưng, các cháu tôi lớn lên, chẳng đứa nào ở lại quê sinh sống. Ba đứa con trai, đứa nào cũng ra phố lập nghiệp, lấy vợ, rồi bám trụ mưu sinh ở thành phố. Đất bố mẹ dành dụm mua cho ở quê, dù rộng rãi nhưng chẳng đứa nào về ở.

Năm anh rể tôi mắc bệnh ung thư qua đời cũng là lúc mảnh đất ở quê của anh chị tôi “hóa vàng” khi có dự án xây dựng khu du lịch sinh thái gần đó. Trước khi mất, anh rể tôi “di chúc miệng”, bảo mảnh đất ấy là của thừa kế bố mẹ để lại cho con cái, nhưng không nói rõ cho cụ thể cho con nào, mỗi đứa bao nhiêu. Anh tôi mất được một tháng thì cuộc đại chiến "chia thừa kế" diễn ra. Mấy đứa con bảo với mẹ bán mảnh đất hương hỏa chị tôi đang ở cùng với ngôi nhà xây trên đất để chia thừa kế cho con, cháu. Chúng "hứa", sau khi bán đất, bán nhà, sẽ có trách nhiệm nuôi dưỡng bà. Nghĩ mình cuối đời nhờ cả vào con cái, tài sản trước sau cũng chia cả cho con, chị tôi bèn đồng ý ký giấy bán đất. Số tiền bán đất được mấy đứa con thỏa thuận chia làm 4 phần rưỡi. Mỗi đứa con được 1 phần, của chị tôi 1 phần, còn nửa phần cho em gái đã lấy chồng. Chị tôi ở với đứa con nào thì đứa ấy được nhận phần tài sản của chị tôi và có trách nhiệm chăm sóc mẹ đến hết đời.

Sau khi thống nhất, chị tôi về ở với vợ chồng con trưởng. Phần tài sản của chị tôi được vợ chồng con trưởng dùng mua một mảnh đất mặt đường diện tích 40m2 rồi làm cửa hàng cho thuê. Thế nhưng, bà về sống với con trưởng chưa được bao lâu thì sang nhà con thứ ở, bởi không hòa hợp được với dâu trưởng. Sau khi đón mẹ về bên nhà mình, vợ chồng con thứ sang nhà anh trưởng đòi phần tài sản của mẹ. Họ cho rằng, bây giờ mẹ ở với mình thì đương nhiên phần tài sản đó là của mình. Tuy nhiên, vợ chồng con trưởng không đồng ý, lấy lý do số tài sản đó hiện đã thuộc quyền sở hữu của mình.

Vợ chồng con trai thứ không chịu, bắt mẹ phải kiện vợ chồng anh trưởng đòi lại tài sản. Và rồi, bằng mọi cách, con trai thứ ép mẹ ký giấy ủy quyền cho mình kiện đòi lại tài sản. Con trai thứ còn kéo con trai út và em gái về phe mình để đứng đơn kiện lại anh trưởng. Họ cho rằng nếu sau này chị tôi mất đi, phần tài sản thừa đó sẽ được chia đều cho 4 người con, chứ không phải một mình anh cả chiếm hết. Vụ án kiện đòi tài sản thừa kế giữa mấy đứa con của chị tôi được tòa án đưa ra xét xử. Cuối đời, chị tôi bất đắc dĩ trở thành "nhân chứng" theo từ phiên tòa sơ thẩm đến phúc thẩm trong vụ kiện tranh giành tài sản của mấy đứa con. Đến nay, vụ án vẫn chưa có hồi kết vì những đứa con của bà liên tục kháng án. Nhìn cảnh chúng sát phạt nhau vì tài sản chốn công đường, chị tôi như đứt từng khúc ruột. Nhiều lần, bà bảo với tôi giá như họ không để lại số tài sản đó thì sẽ không có cảnh tình thân tương tàn như hôm nay.

Không chỉ có vậy, tuổi già cộng với suy nghĩ nhiều về chuyện kiện tụng của các con, chị tôi ốm đau liên tục. Bấy giờ trách nhiệm lo viện phí, tiền thuốc thang cho bà lại được mấy đứa con đùn đẩy. Chúng cho rằng hiện nay ai cầm tài sản thì phải lo cho mẹ. Và khi chưa đòi lại được tài sản đó thì số tiền chăm mẹ được chúng ghi lại, sau này đòi được sẽ khấu trừ vào đó.

Gần hai năm tháp tùng chị tôi ra tòa hầu kiện, lại chứng kiến cảnh ghi sổ tiền thuốc, viện phí chăm sóc mẹ của mấy đứa cháu, tôi thấm thía hậu quả tàn khốc của việc để lại thừa kế cho con cái sau này. Vì vậy, ngay bây giờ tôi bàn với vợ không nghĩ đến việc góp của để dành làm thừa kế cho con cái. Tiền làm được bao nhiêu, sau khi nuôi con cái trưởng thành, chúng tôi sẽ chi tiêu cho bản thân. Về già, chúng tôi bán nhà mang tiền vào nhà dưỡng lão sống, thuê dịch vụ chăm sóc. Số tiền còn lại không dùng hết, chúng tôi sẽ quyên góp làm từ thiện. Và, cha mẹ hãy từ bỏ dần quan niệm tích "của để dành" để cuối đời làm của thừa kế cho cái.

“Câu chuyện của tác giả Trần Văn Kiên đang đặt ra một vấn đề trong cuộc sống gia đình hiện đại ngày nay. Đó là cha mẹ nên hay không nên để lại tài sản thừa kế cho con? Nếu cho con thừa kế tài sản thì làm thế nào để tài sản thừa kế không phải là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc chiến giành tài sản của các con. Nếu chọn cách mang hết tài sản cuối đời vào nhà dưỡng lão để không tạo gánh nặng cho con cháu, và tránh được thảm cảnh tranh giành tài sản thừa kế… có phải là ý hay và hợp tình không?

Mời bạn đọc thảo luận về vấn đề này để có cái nhìn toàn diện, thấu đáo hơn. Mọi ý kiến thảo luận xin gửi về chuyên mục Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng, Cầu Giấy. Điện thoại: 0243.7350555 hoặc email: baophunuthudo@gmail.com”

 TRẦN VĂN KIÊN ( Đống Đa, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.