Gian nan đằng sau sự tự do

Chia sẻ

Sống riêng để được tự do, tránh va chạm với gia đình chồng, không phải vất vả làm dâu là mong muốn của các cặp vợ chồng trẻ sau khi kết hôn. Thế nhưng, đằng sau sự tự do ấy là nỗi gian nan không hề nhỏ, khi nhiều cặp vợ chồng chưa có kinh nghiệm, kỹ năng trong tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái.

1 Tại buổi hòa giải lần thứ nhất trước khi phiên tòa ly hôn diễn ra, cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Thu Yến và Bùi Quang Vinh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không ngừng “kể tội” những thói hư tật xấu của nhau. Ngồi ở hàng ghế phía sau, hai bà mẹ (mẹ vợ và mẹ chồng) cùng thở dài thườn thượt. Họ không ngờ những mâu thuẫn, khúc mắc “trẻ con” này lại khiến đôi vợ chồng mới sống với nhau chưa đầy 3 năm cùng ký vào đơn ly hôn, phá bỏ mái ấm gia đình với đứa con trai chưa đầy một tuổi.

Yến và Vinh cùng tuổi, học chung đại học, ra trường đi làm được hai năm thì cưới. Không muốn sống chung va chạm với bố mẹ chồng, đôi vợ chồng trẻ đòi ra ở riêng. Gia đình hai bên dồn góp kinh tế mua cho họ một căn hộ chung cư để an cư lập nghiệp. Những tưởng được sống tự lập, vợ chồng chí thú làm ăn xây dựng hạnh phúc gia đình thì hôn nhân sẽ trọn vẹn. Ai ngờ, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ luôn rơi vào cảnh cãi vã, giận hờn nhau liên tục. Mâu thuẫn xảy ra hàng ngày tích tiểu thành đại, khiến cả hai quyết định ly hôn.

Ngồi bên dưới, bà mẹ chồng vừa buồn cười, vừa bực bội nghe con dâu tía lia kể tội của chồng với tổ hòa giải: Đêm ngủ anh ấy không chịu mắc màn cho vợ con, hết giờ làm thì đi đá bóng bỏ mặc vợ con, ngày nghỉ thì ngủ nướng đến tận trưa, ăn bẩn, ở bẩn, quần áo chẳng bao giờ chịu giặt giũ, phơi phóng giúp vợ, thậm chí còn ganh ăn ganh uống với cả con, tiền kiếm được ít, tiêu thì nhiều… Trước khi cưới vợ, con trai bà có những thói quen này, cứ nghĩ con trai sống buông tuồng, cẩu thả một chút cũng không sao. Ai ngờ khi lấy vợ, nó lại trở thành nguyên nhân khiến vợ chồng mâu thuẫn, dằn hắt lẫn nhau…

Ngồi bên cạnh, bà mẹ vợ cũng dở khóc, dở cười khi nghe con rể “đấu tố” lại vợ rằng: Làm vợ mà cô ấy chẳng biết hoạch định chi tiêu trong gia đình, tiền chồng mang về bao nhiêu cũng hết, thậm chí tiền bạc, vàng cưới bố mẹ hai bên cho đều mang ra tiêu hết, khiến gia đình lúc nào cũng rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần.

Rồi thì, làm mẹ mà đến con cũng không biết dỗ, làm vợ mà chẳng bao giờ biết là ủi cho chồng cái quần cái áo, tỵ nạnh chồng chuyện chăm con mỗi ngày, phụ nữ mà công việc nội trợ vừa vụng, vừa lười… Trước khi lấy chồng, con gái bà là “tiểu thư” được cưng chiều chẳng biết công việc bếp núc, nội trợ. Cứ nghĩ lấy chồng rồi được nhà chồng kèm cặp dạy bảo thêm, nó sẽ trưởng thành trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Ai ngờ…

Sau một hồi nghe tòa phân tích, hòa giải, đơn ly hôn đã được rút lại, nhưng họ ra về với nỗi ấm ức chưa thật hết. Khi đôi vợ chồng trẻ lên xe về trước, hai bà thông gia nấn ná với nhau ở sân tòa án. Bà mẹ chồng bảo: “Giá như chúng nó không ra ở riêng mà sống chung với gia đình để chúng tôi nhắc nhở, hòa giải thì chắc không đến nỗi”. Đồng tình, bà mẹ vợ bàn tính với thông gia sắp tới làm thế nào để hai vợ chồng trẻ về sống chung với gia đình chồng để còn kèm cặp, chỉ bảo. Nếu không, hạnh phúc của đôi trẻ khó mà giữ.

Khi sống tự lập, vợ chồng thường mâu thuẫn vì thiếu kỹ năng sống  	Ảnh minh họaKhi sống tự lập, vợ chồng thường mâu thuẫn vì thiếu kỹ năng sống   Ảnh minh họa

2 Lấy chồng được sống riêng thay vì sống chung với nhà chồng là niềm mơ ước của nhiều nàng dâu thời hiện đại. Thậm chí, không ít cô gái còn lấy việc sống riêng làm điều kiện kết hôn. Sống riêng đồng nghĩa với việc không phải làm dâu hàng ngày, tránh cảnh đụng chạm mẹ chồng, nàng dâu, được sống tự do thoải mái không lệ thuộc vào khuôn phép nhà chồng, được nuôi con theo ý mình… Thế nhưng, đằng sau cuộc sống ‘thiên đường” ấy, hạnh phúc lại không được như họ mong muốn.

Nguyễn Hoài Thu (nhân viên phát triển phần mềm máy tính, Hà Đông, Hà Nội) kể về nỗi “đoạn trường” sống riêng của hai vợ chồng trước đây. Từng du học ở Anh ba năm, cô quan niệm lấy chồng phải sống riêng, bởi sự khác biệt trong cách sống, sinh hoạt, chi tiêu của con cái không giống như bố mẹ. Điều đó sẽ dẫn đến những mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày khiến cả hai bên đều mệt mỏi. Đây cũng là điều kiện Hoài Thu đưa ra cho người yêu khi họ bàn tính đến chuyện kết hôn.

Thu kể những ngày đầu sống riêng quả là “thiên đường”. Hai vợ chồng tự do sống theo ý mình mà không bị ai can thiệp. Thế nhưng sau một năm, cái giá của sự tự do cũng dần lộ diện. Khi ra ngoài sống riêng, chồng Thu xem cô vừa là vợ, vừa là “người mẹ thứ hai” chăm lo mọi thứ cho mình.

Việc kiếm tiền, anh vẫn giữ thói quen như hồi còn sống chung với gia đình, giữ lại một nửa lương để chi tiêu riêng, không cần biết vợ chi tiêu thiếu đủ thế nào. Thu bận việc, cơm nước không nấu, anh ra ngoài ăn, nếu không thì ghé về nhà mẹ ăn ké.

Khi đứa con ra đời, mọi thứ mới thêm khó khăn bội phần. Chăm sóc con cái, tiền bạc chi tiêu trong gia đình trở thành vấn đề lớn hàng ngày của hai vợ chồng. Mâu thuẫn nảy sinh, cùng với cái tôi của mỗi người quá lớn, cuộc sống hôn nhân rơi vào địa ngục với cảnh bạo lực diễn ra hàng ngày. Hậu quả là, hai vợ chồng cùng ký vào đơn ly hôn.

Bố mẹ chồng cô tìm cách cứu vãn hạnh phúc các con bằng việc đưa họ về sống chung. Thu bảo khi về sống chung, mâu thuẫn của hai vợ chồng vẫn xảy ra nhưng khác với trước là nó không “leo thang” mà được hóa giải bởi bố mẹ và ông bà của chồng. Trước mặt người lớn, vợ chồng Thu cãi vã mấy cũng phải ngồi lại nghe bố mẹ, ông bà phân tích, khuyên giải thay vì bỏ đi, hay sử dụng bạo lực để trấn át đối phương.

Việc chăm sóc con cái, ngoài sự hỗ trợ của bố mẹ, họ được chỉ bảo thêm nhiều kiến thức. Chuyện chi tiêu, hạch toán cũng được hướng dẫn căn cơ sao cho đủ. Từ khi về sống chung với nhà chồng, Thu học được cách trở thành mẹ đảm, vợ hiền, dâu thảo; còn chồng cô cũng trưởng thành hơn nhiều trong vai trò làm chồng, làm cha, làm rể nhờ sự chỉ dẫn của người lớn trong nhà. Hôn nhân theo đó hạnh phúc hơn.

Kinh nghiệm tổ chức cuộc sống gia đình, đối nhân xử thế trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái, họ hàng của thế hệ cha mẹ, ông bà rất cần cho các cặp vợ chồng trẻ khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Khi sống chung, vợ chồng trẻ sẽ được tiếp nhận những bài học giá trị từ bố mẹ, ông bà hàng ngày, từ đó tạo nền móng vững chắc để xây dựng hôn nhân bền vững.

THU VÂN

Tin cùng chuyên mục

Đưa con thuyền gia đình neo bờ hạnh phúc

Đưa con thuyền gia đình neo bờ hạnh phúc

(PNTĐ) -Xã hội hiện đại, nhiều gia đình không còn là bến đỗ bình yên của các thành viên. Tuy nhiên, vẫn còn đó những “tổ ấm” đúng nghĩa, luôn đầy ắp tiếng cười và ngập tràn hạnh phúc… Bởi, trong “tổ ấm” ấy là những trái tim yêu thương, luôn biết đồng cảm, sẻ chia, chung lưng đấu cật để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, neo con thuyền gia đình tới bến bờ hạnh phúc…
Chuyện tình của những người lính nơi biên cương, hải đảo

Chuyện tình của những người lính nơi biên cương, hải đảo

(PNTĐ) - Đóng quân xa nhà, làm sao để cân bằng nhu cầu tình cảm gia đình và nghĩa vụ với Tổ quốc là điều không đơn giản. Những chiến sĩ biên phòng nơi điểm cuối cực Nam Tổ quốc chỉ mong người vợ, người bạn gái của mình hai chữ “thấu hiểu” để giúp các anh làm tròn trách nhiệm của một người lính.
Hạnh phúc vì tìm thấy nhau trong đời

Hạnh phúc vì tìm thấy nhau trong đời

(PNTĐ) -“Mỗi khi mình bận bán hàng thì chồng và mẹ chồng lo chuyện cơm nước, chăm sóc các con. Còn lúc làm bánh, chồng mình ở bên giúp mình nấu thạch, nấu sữa, rửa khuôb; rồi có khi ngồi cùng cả buổi chỉ để trò chuyện cho mình làm bánh… đỡ buồn”. Hạnh phúc của chị Nguyễn Thị Thu Hà chằng cần “đao to búa lớn” mà rất giản dị như thế.
Tạm giữ bảo mẫu nghi bạo hành trẻ mới sinh

Tạm giữ bảo mẫu nghi bạo hành trẻ mới sinh

(PNTĐ) -Trước sự việc bảo mẫu nghi bạo hành trẻ 1 tháng tuổi xảy ra tại chung cư HH2C Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, sáng ngày 1/6/2023, bà Nguyễn Lệ Hằng, Chủ tịch  Hội LHPN quận Hoàng Mai cho biết: Quận Hội đã chỉ đạo Hội LHPN phường Hoàng Liệt vào cuộc nắm bắt tình hình, thăm hỏi gia đình cháu bé.
Vị thành niên “tự tin là chính mình“

Vị thành niên “tự tin là chính mình“

(PNTĐ) -Dự án “Tự tin là chính mình” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2023, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng để các em tuổi vị thành niên tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS). Khi triển khai, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.