Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4:
Gian nan tạo việc làm cho người tự kỷ
(PNTĐ) - Với những gia đình có con mắc hội chứng tự kỷ, một nỗi lo thường trực luôn là: “Làm gì để con có thể tự lập, tự sinh tồn khi cha mẹ về già, rồi qua đời không thể đồng hành cùng con?”. Trong bối cảnh công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho người tự kỷ còn nhiều hạn chế, nhiều cha mẹ đã phải mày mò tìm đường, tạo môi trường để con học hỏi kỹ năng, tự tạo việc làm...

Mẹ và con cùng lập nghiệp
Mỗi sáng, chị Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Chủ tịch CLB Gia đình người tự kỷ Hà Nội lại cùng con trai Nguyễn Trung Hiếu, chàng trai 25 tuổi mắc hội chứng tự kỷ lên kịch bản, quay clip cho kênh Tiktok của hai mẹ con. Chỉ với những clip ngắn vài chục giây ghi lại cuộc sống thường ngày, những tình huống hài hước của Trung Hiếu, kênh Tiktok đã trở nên viral trên mạng, sau đó được nhiều nhãn hàng ký hợp đồng quảng cáo. Nhờ đó, Trung Hiếu đã có thêm một khoản thu nhập thụ động đều đặn.
Nguyễn Trung Hiếu còn có thể biểu diễn vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi 6 loại nhạc cụ là organ, piano, saxophone, guitar, sáo trúc, trống điện tử. Hiếu cũng có thể kiếm tiền từ các sản phẩm tự đan móc bằng len. Hiện nay, Hiếu còn được một siêu thị tư nhân nhận làm việc 2 giờ một ngày có trả thù lao với những công việc đơn giản như xếp hàng, kiểm hàng, tính tiền cho khách...
Nguyễn Trung Hiếu là ví dụ điển hình nhưng cũng rất hiếm của một người mắc hội chứng tự kỷ đang bước đầu có thể tự lao động kiếm tiền, dù số tiền đó còn rất khiêm tốn. Thế nhưng, với chị Nguyễn Thị Mai Anh, người đã bỏ hết sự nghiệp riêng để toàn tâm toàn ý với con suốt 25 năm qua, hành trình tự lập, tự sinh tồn của Hiếu vẫn còn rất gian nan.
Chị Mai Anh cho biết: Bất kỳ cha mẹ nào có con tự kỷ cũng đau đáu nỗi lo khi còn cha mẹ thì con còn nơi để nương tựa nhưng, khi mình mất đi rồi, con sẽ sống thế nào? Trừ những nhóm người tự kỷ nặng, không có nhận thức và khả năng tự lập phải sống phục thuộc suốt đời, nhóm người tự kỷ nhẹ, có khả năng giao tiếp, ngôn ngữ, có thể kiểm soát hành vi đều có khả năng tự lập nếu được hướng nghiệp, tạo nghề.
Nằm tại đường Mai Anh Tuấn, Ba Đình, Hà Nội, có một cơ sở kinh doanh đặc biệt, được vận hành bởi những người tự kỷ. Nơi đây vô cùng đặc biệt, bởi nó không chỉ là một địa điểm cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một nhà hàng - thư viện - siêu thị, mà còn trở thành mái nhà thứ 2 cho các bạn trẻ mắc bệnh tự kỷ mang tên “Hạnh phúc”. Vietnam's Autism Projects (VAPs) là một dự án tiên phong tại Việt Nam, được sáng lập bởi anh Nguyễn Đức Trung, với mục tiêu tạo ra mô hình sinh kế hỗ trợ người tự kỷ. Dự án không chỉ mang lại cơ hội việc làm, mà còn giúp người tự kỷ hòa nhập cộng đồng và khẳng định giá trị bản thân.
Trong suốt 8 năm hoạt động, Công ty đã đón tiếp khoảng 10.000 khách đến trải nghiệm. Dù số lượng không quá lớn nhưng đối với người tự kỷ, đây là con số họ chưa từng nghĩ tới. Nhờ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, các bạn dần cởi bỏ những mặc cảm để đón nhận thế giới bên ngoài hơn.
VAPs là dự án kinh doanh có lợi nhuận nhằm tạo việc làm bền vững cho người tự kỷ. Lương của các nhân viên được tính theo sản phẩm nên ai cũng được “làm thật, ăn thật”. Số lượng nhân viên anh Trung từng đào tạo khoảng 22 người, bây giờ trụ lại còn 10 người. Với mong muốn mô hình này thành công, anh chấp nhận phải “cầm tay chỉ việc”, dạy từng nhân sự với thời gian khoảng từ 9 tháng đến 1 năm. Hàng ngày, mỗi bạn trẻ mắc tự kỷ sẽ có 8 giờ ở trung tâm, 16 giờ còn lại cần có gia đình ở bên. Với anh Trung, đó là yếu tố “kiềng ba chân” (gia đình - xã hội - tổ chức) để đem đến những giá trị tích cực cho cộng đồng người tự kỷ.
Hướng nghiệp trẻ tự kỷ: Hành trình gian nan!
Theo Tổng cục Thống kê, số người mắc rối loạn tự kỷ ở Việt Nam đang có xu hướng tăng với khoảng 1 triệu người (trong tổng số 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên); trẻ tự kỷ chiếm khoảng 1% số trẻ được sinh ra hằng năm. Thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là dạng khuyết tật có tỷ lệ cao nhất trong trường học, trẻ tự kỷ chiếm 30% số trẻ khuyết tật học đường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số liệu chưa đầy đủ bởi còn rất nhiều trẻ rối loạn tự kỷ dù đã đến tuổi đi học nhưng không thể tới trường. Trong khi đó, chưa có chương trình giáo dục riêng biệt, thiếu hụt nguồn giáo viên có chuyên môn, kỹ năng chuyên biệt để phục vụ chương trình giáo dục và đào tạo cho người tự kỷ. Chính vì vậy, hiện nay người tự kỷ ở độ tuổi trưởng thành gần như không có cơ hội việc làm.

Tương tự, theo ghi nhận hiện nay có nhiều mô hình dạy và tạo nghề cho trẻ tự kỷ ra đời, nhưng gần như đều là cơ sở tư nhân do chính các cha mẹ của người tự kỷ mở, tự quản lý, điều hành hoặc do một số giáo viên tự kỷ thành lập. Chỉ trừ một số rất ít như Trung tâm hỗ trợ hòa nhập Hand in hand đã tạo dựng được thương hiệu riêng với các loại bánh do người tự kỷ làm ra được thị trường đón nhận. Nhiều trung tâm hoạt động rất khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm. Vì thế, người tự kỷ không có nhiều môi trường để được tạo nghề, hướng nghiệp. Trường hợp của chàng trai tự kỷ Trung Hiếu là vô cùng may mắn, chủ siêu thị tư nhân cũng đồng cảm với người khuyết tật.
Chị Mai Anh cho biết, đa phần các cha mẹ đều đang phải tự loay hoay tìm đường, tạo môi trường để dạy nghề và thực hành nghề cho con. Còn nhớ cách đây hơn 15 năm, khi Trung Hiếu mới chỉ hơn 10 tuổi, chị Mai Anh và một nhóm các bà mẹ đã có sáng kiến mở một quán cafe của người tự kỷ để tạo môi trường rèn luyện cho con. Khách bình thường không có, các mẹ phải đóng vai là khách hàng và tạo ra các tình huống để dạy các con. Song quán chỉ mở trong một thời gian ngắn rồi đóng cửa. Đến nay, nhiều trẻ tự kỷ ngày đó đã trở thành những chàng trai, cô gái trên 20, 30 tuổi.
Theo chị Mai Anh, sau mỗi thành công của một đứa trẻ tự kỷ, là không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của các bậc làm cha, mẹ. Nhiều gia đình, người mẹ hoặc bố phải chấp nhận từ bỏ sự nghiệp để dốc toàn lực tìm đường tạo nghề, hướng nghiệp cho con và gánh nặng kinh tế đổ dồn lên người còn lại. Một số gia đình, bố mẹ vẫn đi làm thì lại đối mặt với vấn đề khủng hoảng tài chính khi phải thuê người dạy và hướng nghiệp con. “Có nhiều cha mẹ chỉ sau mấy năm mà xơ xác, phờ phạc”- chị Mai Anh kể.
Còn với anh Trung, để có thể mở một trung tâm cho người tự kỷ là cả một nỗ lực lớn. Trước khi đến với cộng đồng người tự kỷ, anh Nguyễn Đức Trung từng hoạt động trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, du lịch, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu. Trong một lần tiếp xúc với người tự kỷ, anh nhận thấy tại Việt Nam, các mô hình hỗ trợ giáo dục trẻ tự kỷ khá phổ biến nhưng lại thiếu môi trường giúp họ phát triển kỹ năng lao động khi trưởng thành. Điều này đặt ra vấn đề: Người tự kỷ sau khi lớn lên sẽ làm gì? Họ có cơ hội nào để sống độc lập và cống hiến cho xã hội? Với những trăn trở đó, từ năm 2013-2015, anh vừa nghiên cứu, vừa đầu tư thử nghiệm để tránh rủi ro. Đến năm 2017, VAPs chính thức đi vào hoạt động với mô hình đào tạo việc làm cho người tự kỷ.
Hiện nay, anh Trung đang tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế với nhiều hình thức kinh doanh khác như homestay, triển lãm, giặt là, rửa xe... để trẻ tự kỷ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề mà các em mong muốn. Anh hy vọng mô hình kinh tế này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước, tạo cơ hội cho người tự kỷ có môi trường làm việc và phát triển bản thân.
Theo anh Trung, người tự kỷ không có khả năng nhạy bén và linh hoạt như người bình thường song xét ở một khía cạnh khác, đây lại là điểm mạnh bởi họ luôn tư duy theo kiểu rập khuôn. Đơn cử trong quá trình làm việc, người tự kỷ luôn hành động theo đúng quy trình tuần tự và đầy đủ, không bỏ qua bước nào. Những nhân viên tại VAPs được anh Trung tự hào khen ngợi rằng họ rất trung thực, không bao giờ cả thèm chóng chán.
Hướng nghiệp, tạo nghề cho người tự kỷ để họ có thể tự lập, tự sinh tồn là rất quan trọng, sẽ giúp giảm gánh nặng cho bản thân người tự kỷ, gia đình và cộng đồng. Các cha mẹ có con tự kỷ thuộc nhóm nhẹ rất mong sẽ có thêm những cơ sở của Nhà nước hướng nghiệp cho người khuyết tật nói chung. Bên cạnh đó, cần có chính sách để các doanh nghiệp dành một tỷ lệ nhất định tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc để họ có cơ hội hòa nhập xã hội... Đổi lại, các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ thuế hay tạo các điều kiện ưu tiên khác...