Giữ chút gì... rất Tết

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

(PNTĐ) -Kinh tế của đất nước ngày càng phát triển, kéo theo nhiều thay đổi đến ngỡ ngàng trong mọi ngõ ngách của đời sống tâm lý con người như thói quen, nếp sinh hoạt, cách thức tổ chức lễ hội, sự kiện trọng đại. Việc đón Tết ra sao cũng là chủ đề được bàn bạc, trao đổi, thậm chí tranh cãi gay gắt, nhất là những khi Tết đến Xuân về. Trong tâm khảm của mỗi người vẫn bồi hồi khi nhắc đến Tết, để rồi lại thảng thốt tìm cách níu giữ những hương vị truyền thống Tết.

Giữ chút gì... rất Tết - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hàng nghìn năm, Tết được gắn với chữ ăn, tạo thành “ăn Tết”. Mỗi khi gặp nhau vào dịp trước, trong, và sau Tết, người ta hỏi nhau “Năm nay nhà bác ăn Tết có to không?”. To hay nhỏ được đánh giá bằng số bánh chưng đã gói, số thịt, gà, giò, gạo nếp gia đình đã chuẩn bị và sử dụng.

Rồi những năm đói khát qua đi, con người ta không quá nặng về chữ “ăn” nữa, người ta nghĩ đến “chơi Tết” - Tết là đi chơi. Người ta khoe nhau “Tết này vợ chồng em cho các cháu vào Phú Quốc”, “Cả nhà tớ đi Hàn Quốc đón Xuân”... 

Gần đây, cái sự ăn, sự chơi cũng đã bão hòa, vì nhiều gia đình có điều kiện đi đây đi đó nhiều lần trong năm, người ta nghĩ đến hai chữ “nghỉ Tết”, tức là ngày Tết là thời gian nghỉ ngơi, cũng chỉ là cái “Chủ nhật kéo dài”. Thế là Tết bắt đầu chán, bắt đầu nhạt, câu “vui như Tết” cũng giảm dần ý nghĩa. Người lớn thì ăn, ngủ, nghỉ, trẻ thì nghịch điện thoại, chơi games!

Vậy muốn “vui như Tết”, “Tết hết chán”, chính mỗi chúng ta cần phải làm điều gì đó để “giữ lấy nếp nhà, giữ Tết cho ta”. Không nhất thiết phải khư khư giữ mọi nền nếp cũ. Làm như thế không cần thiết và cũng không làm được. Không cần phải khôi phục lại truyền thống mua sắm nhiều thực phẩm, bánh kẹo, gói nhiều bánh chưng, làm cỗ cúng tổ tiên ngày ba bữa, ba mâm. Không thể bắt phụ nữ phải ở trong bếp xào nấu, ninh măng, cuốn chả, làm nộm, thái nấm, đồ xôi… cả ngày đến khuya. Không cần phải khách nào đến cũng bắt ăn, bắt uống, chúc tụng rườm rà, nói những lời khách sáo, hay chạy hết từ đền nọ, đến phủ kia trong mấy ngày Tết, để rồi “nghỉ Tết mà mệt hơn đi làm”.

Nhưng có một số điều nó là hồn cốt, là ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết thì chúng ta phải cố gắng giữ, nếu không muốn biến “Tết cổ truyền dân tộc” thành kỳ nghỉ đầu tiên trong năm!

Hãy cố gắng giữ Tết, mỗi gia đình cố giữ nếp nhà trong ngày Tết để chúng ta lấy lại năng lượng tinh thần, để bắt đầu một năm mới với những cảm xúc mới mẻ.

Đó là đừng quên chữ Tết của Việt Nam thường gắn với chữ “đoàn viên”, “sum họp”. Không chỉ riêng người Việt Nam, người Trung Quốc, người Đài Loan, người Hàn Quốc cũng vậy, cứ đến gần Tết là cả đất nước rùng rình trong một cuộc di cư khổng lồ. Dù đi đâu, làm đâu, người còn trẻ, còn khỏe, cũng đều mong ước “về nhà ăn Tết”, “về quê đón Tết”.

Những câu nói: “Đi để trở về”, “Có muôn nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để về - đó là về nhà, về với gia đình” thật sự có ý nghĩa. Nhiều người làm ăn, sinh sống ở nước ngoài, cũng chịu khó tiết kiệm tiền bạc, để hai hay ba năm lại về nước ăn Tết một lần, nếu lâu không về, trong lòng như thấy thiếu chút gì đó khó nói thành lời. Con cái đi làm ăn xa, nhất là khi đã có gia đình riêng, có con cái rồi, vẫn mong muốn đưa nhau về ăn Tết với cha mẹ. 

Giữ chút gì... rất Tết - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có một bộ phận gia đình trẻ, cả năm sinh sống cùng bố mẹ, họ chọn cách “đi xa ăn Tết”, cũng được, nhưng nhớ phải tùy hoàn cảnh kinh tế, được sự “hài lòng” của cha mẹ và cha mẹ còn đang khỏe mạnh. Nếu cha mẹ già, sức yếu, cuộc sống khó khăn, mong con cái quây quần trong mấy ngày Tết mà con cháu quyết tâm “dứt áo ra đi” là quá vô tâm, là ích kỷ.

Dân gian có câu “vô vật bất linh thiêng”, nghĩa là không có vật phẩm, đồ ăn, đồ thờ cúng (nói chung là vật chất) sẽ không còn có ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết nữa. Các gia đình ngày nay có thể đặt mua thịt cừu xông khói của Thổ Nhĩ Kỳ, cánh ngỗng muối của Nga hay ăn món trứng cá hồi của Ý, nhưng nếu không có bánh chưng, mâm ngũ quả, không có hộp mứt Tết, đĩa xôi gấc, không có con gà, trước là thắp hương tổ tiên, sau là con cháu thụ lộc thì Tết sẽ không ra Tết.

Nhà bạn có giàn hoa giấy cực đẹp hay có cả vườn hành tây, nhưng nếu thiếu cây quất, cành đào, lọ hoa đặc trưng ngày Tết thì vẫn chưa có không khí Tết đúng nghĩa. 

Nói đến Tết, nhất là ở Hà Nội hay vùng Bắc bộ, không thể không kể đến nồi canh măng, canh bóng (bì lợn). Thôi thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, cố gắng sắm sửa những thứ tối thiểu để cho có hương vị Tết truyền thống, còn lại các bạn có thể liên hoan chân gà nướng, ăn bê thui, canh cá, lẩu ếch… thì tùy!

Chúc Tết là nét đẹp văn hóa cần duy trì, gìn giữ, phát triển. Chúng ta cố gắng gặp gỡ trực tiếp những người thân yêu để nói lời chúc. Ông bà, cha mẹ, con cái ở cùng một nhà, ngày nào cũng ra vào gặp nhau, nhưng vào giờ khắc Giao thừa, hay sáng sớm mồng Một, con cháu đến bên ông bà, cha mẹ nói lời chúc Tết và nhận lời chúc Tết và tiền mừng tuổi của người lớn hơn. Những lời chúc Tết ý nghĩa, sâu sắc, đúng với từng cảnh, từng người, có tác dụng ấm lòng người nhận và làm cho mối quan hệ ấm áp hơn.

Tết cổ truyền dân tộc là những “ngày nghỉ mang màu sắc văn hóa, tâm linh”, không phải là “holidays của phương Tây”, nên dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm, thậm chí có lúc còn có ý kiến “bỏ Tết”, nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển. Cả hai xu hướng, bỏ Tết và quay lại “Tết như xưa” đều không phù hợp. Hãy cố gắng giữ Tết, mỗi gia đình cố giữ nếp nhà trong ngày Tết để chúng ta lấy lại năng lượng tinh thần, để bắt đầu một năm mới với những cảm xúc mới mẻ. 

Có ý kiến cho rằng người Nhật đã bỏ Tết ta, ăn Tết Tây vì họ là những người hiện đại, đất nước có nền kinh tế phát triển, sao ta cứ giữ. Thế nhưng, chúng ta đừng quên, người Nhật không bỏ Tết Nhật, họ chỉ nghỉ Tết trùng với dịp Tết dương lịch, nhưng đón Tết thì “đậm đà bản sắc Nhật, hồn cốt Nhật”, cũng giống như ngôi chùa thiêng, có di dời đi chỗ khác, nó vẫn giữ được sự thiêng liêng, tôn kính vốn có của nó! 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.