Hạnh phúc bên vườn bưởi Diễn

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Những ngày này, vợ chồng bà Vũ Thị Xuân Thu (từng là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ 1 phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) lại chuẩn bị đón vụ bưởi Tết. Nhiều năm qua, nhờ vợ chồng đồng lòng, kinh tế gia đình ổn định, hạnh phúc của ông bà càng thêm êm ấm.

Hạnh phúc bên vườn bưởi Diễn - ảnh 1
Vợ chồng bà Thu - ông Ngọc Ảnh: NVCC

Mỗi ngày, cứ khoảng 6 giờ sáng là ông Hồ Thanh Ngọc (SN 1958) - chồng bà Thu lại bắt đầu một ngày mới với vườn bưởi. Đầu tiên, ông sẽ đi chấm hoa - thụ phấn cho cây bưởi rồi đợi bà Thu đưa các cháu đến trường về cùng ông chăm bón cho những cây bưởi đã gắn bó hơn 30 năm với gia đình.

Bí quyết chăm bón bưởi của hai vợ chồng nằm ở việc cắt tỉa và bón phân cho cây. “Lúc mới làm, còn chưa biết nhiều kiến thức nên cứ mặc kệ tự nhiên cho cây lớn, dẫn đến không đậu được nhiều quả. Sau này, làm đi làm lại, rồi rút kinh nghiệm thì dần mới thấy thành quả. Bưởi nhà tôi được bón bằng tro rơm, rạ và đậu tương, ngô đã ngâm lên men. Việc bón phân cho bưởi không được ồ ạt mà phải cho bưởi ăn dần, chia làm các thời kì như trước thời điểm ra hoa, sau khi đậu quả và bón thúc ra sao. Bơm nước cho cây cũng phải đúng thời điểm, bơm đẫm thì cây mới bật mầm, bật hoa chuẩn nhất, lúc đó hoa to, dễ đậu quả”. 

Nhà nông bây giờ khác xưa nhiều, không phải một nắng hai sương, mà đưa cây cối vào “khuôn khổ”, chăm bón theo khoa học. Nhưng để có những giây phút quy củ ấy, vợ chồng bà Thu cũng từng trải qua rất nhiều khó khăn.

Cuối những năm 80, vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, bà Thu xin nghỉ công việc nhà nước để đi xuất khẩu lao động. Về nước đúng lúc quê hương đang có chương trình chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, lại sẵn có cây bưởi Diễn đã trở thành thương hiệu của địa phương, nên hai vợ chồng quyết định làm. Nhưng để hưởng thành quả của cây bưởi, dễ cũng phải bảy đến chục năm. Trong lúc ấy buộc phải lấy ngắn nuôi dài. Thế là bà Thu xoay đủ nghề, từ mượn ruộng để cấy thuê lấy gạo ăn, nhập bưởi về bán, rồi trồng xen kẽ các loại rau, cây ăn quả ngắn ngày trong vườn bưởi. “Vốn chỉ nghĩ là có được thu nhập kịp thời nuôi các con ăn học, thế mà giờ khu vườn mùa nào thức nấy. Hoa quả quanh năm, còn rau thì luôn xanh tốt phục vụ các con, các cháu”- bà Thu chia sẻ.

Hơn 30 năm thăng trầm cùng cây bưởi, bà Thu trải lòng, có những lúc khó khăn cùng cực thật đấy, nhưng hạnh phúc nhất là vợ chồng luôn đồng lòng, chung lưng đấu cật. Khi mùa bưởi đầu tiên có lợi nhuận, hay những lúc giá quả bưởi lên cao ngất ngưởng, bưởi Diễn vừa đắt vừa hiếm thì họ cùng vui. “Từng có thời điểm vào những năm 2000, gia đình kiếm được cả mấy chục triệu đồng cho một vụ bưởi. Quý lắm chứ, làm nông đơn thuần thì biết khi nào mới được thế!”. Nhưng cũng có khi thời tiết thất thường, mưa nhiều khiến bưởi không được ngọt, nắng quá bưởi cũng rám, không đủ độ ngon, rồi những trận mưa to làm rụng đến hàng trăm quả bưởi. Những lần ấy, bà Thu lo đến rầu cả người, ông Ngọc lại ở bên, động viên rồi cùng vợ cố gắng. “Ông ấy đi bộ đội, mải mê với công tác, phụ vợ cũng không được nhiều nhưng nếu mang việc gì ra bàn tính thì đều ủng hộ vợ. Rảnh rỗi, được về với vợ con là ông đều ra vườn, thấy vợ làm gì là học theo”- bà Thu kể.

Cho đến bây giờ, ông Ngọc vẫn miệt mài làm “trợ lý đắc lực” cho vợ. Tất cả vốn liếng về nghề trồng bưởi ông có, đều là học được từ vợ. “Tôi còn phải học bà ấy cái tính biết sắp xếp công việc, vừa lo được việc nhà, vừa đảm nhiệm được nhiệm vụ địa phương giao cho” - ông nói. 

Nhờ có ông giúp, bà Thu cũng yên tâm tham gia công tác xã hội. Chị em phụ nữ Chi hội 1 đã quá quen với hình ảnh bà Thu vừa xắn quần, xắn áo, chân đi ủng, tay mang găng soi từng quả bưởi, thì “phút mốt” đã nghiêm chỉnh quần áo tham gia công tác phụ nữ rồi tổ dân phố. “Cũng chính một tay bà ấy nuôi các con nên người, giờ vẫn toàn tâm toàn ý lo cho các cháu nội, ngoại”- ông Ngọc tự hào về người bạn đời của mình.

Hiện nay, vợ chồng bà Thu - ông Ngọc có khoảng 50 cây bưởi Diễn, mỗi cây cho khoảng 100 - 200 quả. Đã khẳng định được thương hiệu không hề lẫn trong thủ phủ bưởi Diễn, khách đến mua bưởi nhà ông bà đa phần là khách quen và phải đặt trước cả tháng trời, thậm chí từ năm trước. Từ độ giáp Tết trở đi, vợ chồng bà Thu sẽ tất bật hẳn, vừa trẩy quả cho vụ Tết, vừa lo chăm bón cho một mùa bưởi mới. Như mọi năm, ông bà đều sẽ không thuê thêm người làm, mà cứ hai vợ chồng lúi húi quanh những quả bưởi từ sáng tới tối. Và vẫn là những nụ cười thường trực trên môi, bởi “chẳng còn gì hạnh phúc hơn, quả bưởi đã cho gia đình chúng tôi quá nhiều!”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.