Hạnh phúc vì tìm thấy nhau trong đời

TRÂM ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) -“Mỗi khi mình bận bán hàng thì chồng và mẹ chồng lo chuyện cơm nước, chăm sóc các con. Còn lúc làm bánh, chồng mình ở bên giúp mình nấu thạch, nấu sữa, rửa khuôb; rồi có khi ngồi cùng cả buổi chỉ để trò chuyện cho mình làm bánh… đỡ buồn”. Hạnh phúc của chị Nguyễn Thị Thu Hà chằng cần “đao to búa lớn” mà rất giản dị như thế.

Trong căn nhà ấm áp và luôn thơm nồng hương bánh của hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà Thu (SN 1986) và anh Nguyễn Thế Hậu (SN 1977, trú tại quận, Hà Đông, Hà Nội), tiếng cười và sự quan tâm lẫn nhau luôn thường trực. Họ là cặp vợ chồng khuyết tật, chồng còn bị nặng hơn vợ (chị Thu bị khuyết tật vận động do sốt bại liệt lúc nhỏ còn anh Hậu bị co cứng nửa người bên trái) nhưng trong thâm tâm, cả hai vợ chồng chưa khi nào thôi lạc quan về cuộc sống. Hiện tại, họ có hai con nhỏ, chị Thu mở một tiệm bánh online bán các loại bánh thạch rau câu cùng các đồ nghề làm bánh, còn anh Hậu phụ giúp vợ.

Họ quen nhau qua một số diễn đàn, hội nhóm dành cho người khuyết tật. “Chỉ dừng lại ở quen thôi nhưng không hiểu sao, vài năm sau anh ấy “mò” được facebook mình. Kết bạn, nói chuyện rồi anh tán tỉnh mình, sau đó hai người gặp nhau. Lúc đến nơi, nhìn anh ấy già chứ, lại đen, mình định quay về, không bước vào. Nhưng nghĩ tội, mình cũng là người khuyết tật, nếu không thích nhau thì cũng nên nói một lời, bỏ về như vậy người ta sẽ tổn thương”- chị Thu kể lại nhân duyên của hai vợ chồng.

Hạnh phúc vì tìm thấy nhau trong đời - ảnh 1
Gia đình hạnh phúc của chị Thu – anh Hậu (ảnh: NVCC)

Có lẽ ông Trời đã “trói” cả hai vào với nhau, vì theo chị Thu, càng nói chuyện, chị càng thấy anh Hậu tâm lý. Bình thường, khi nói chuyện, giọng anh bị ngọng nên mọi người thấy khó nghe, thế mà chị Thu hiểu hết, “nhiều khi mình còn phiên dịch cho người nhà anh ấy nữa”. Vậy là họ đến với nhau, khi anh Hậu vừa giải nghệ khỏi Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao dành cho người khuyết tật Hà Nội. Biết tin này, không ít người lo lắng, liệu họ có sống tốt được không vì người lành lặn, giữ tổ ấm gia đình đôi khi còn khó. Nhưng, cả hai tự tin cho rằng, mình có đủ khả năng để xây hạnh phúc.

Song, khi có con đầu lòng, hai vợ chồng gặp một số khó khăn. Lúc ấy, công ty nơi chị Thu làm bị giải thể, chị đi xin việc ở các công ty khác đều bị từ chối vì không dành cho người khuyết tật. “Mình còn nhớ, đồng tiền duy nhất anh nhận được là 700 nghìn tiền trợ cấp khuyết tật/tháng (họ trả theo quý). Rồi mình tập kinh doanh online, bán đủ thứ, gom đơn rồi đi xe buýt đi lấy hàng, giao hàng, cứ cái gì ra tiền dù lãi chỉ 2-3 nghìn đồng. Những tháng đầu tiên, lãi được vài chục mà mình mừng rớt nước mắt, hai vợ chông khuyết tật lại động viên nhau cố gắng” – chị Thu kể.

Và ngay cả trong lúc khó khăn nhất, cũng chưa bao giờ họ ân hận khi “tìm thấy nhau”. Thay vi than thở, họ động viên nhau nhìn về phía trước và tự tin khi có nhau trong đời.

Duyên đến vào một ngày chị Thu nhìn thấy chiếc bánh thạch 3D từ một người khách và chị bị cuốn vào nó. “Mình quyết định xin đi học, thầy giáo thương chỉ lấy 250 nghìn đồng. học được cả ngày luôn. Nhưng rồi vướng vào con nhỏ nên việc học và bán bánh bị gián đoạn. Mãi tới khi con thứ hai lớn, mình mới quyết định trở lại với đam mê”. Chị Thu lao vào luyện, tìm lớp học rồi bán những chiếc bánh đầu tiên sau khi trở lại. Tiền bán bánh, chị không dùng đến mà để dành đi học, rồi quyết tâm mở một tiệm bánh, bán online mang tên hai đứa con như bây giờ - Tiệm bánh Ken Gin.

Hạnh phúc vì tìm thấy nhau trong đời - ảnh 2
Những chiếc bánh thạch xinh xắn chị Hà Thu bán cho khách

Anh Hậu khi thấy vợ tập làm bánh cũng đồng tình lắm. “Mình thấy vợ vui là mình ủng hộ”, anh nói. Anh là thế, chỉ cần được nhìn thấy chị đi theo con đường mà chị mong muốn là anh sẽ đồng hành. Hạnh phúc hơn, là cả gia đình chồng chị Thu cũng ủng hộ chị theo đuổi đam mê này. “Mẹ chồng mình từng làm tổ trưởng tổ dân phố nên bà có quan điểm rất hiện đại và tôn trọng các con, còn các anh, chị, em của chồng mình lúc nào cũng quan tâm, hỗ trợ hai vợ chồng”- chị Thu cho biết.

Bánh thạch rau câu 3D vẫn còn là loại bánh mới và chưa được thật sự nhiều người ưa chuộng. 2 năm qua, ngoài bán bánh thạch để duy trì đam mê, chị Thu bán thêm các loại bánh “hot” trên thị trường, rồi bán dụng cụ làm bánh, làm video hướng dẫn cách làm các loại bánh… để thu hút khách hàng. “Thế mà cũng nhiều lúc chán vì cả ngày chẳng có đơn hàng nào. Nhưng chồng mình lại động viên, bán hàng phải có lúc nọ lúc kia chứ, coi như em có ngày nghỉ ngơi. Anh ấy luôn lạc quan như thế”.

Cặp vợ chồng khuyết tật ấy học hỏi nhau nhiều điều từ sự lạc quan tích cực ấy. Với chị Thu, có chồng, con hiểu chuyện, gia đình chồng bao bọc, che chở, yêu thương để mình được sống với đam mê đã là một may mắn quá lớn rồi. Còn với anh Hậu, anh “nể” vợ vì luôn dám làm, theo đuổi mục tiêu đến cùng, dù chưa biết thành công hay thất bại thì vẫn phải thử, phải làm bằng được.

 “Nếu bỏ cuộc, chắc mình cũng chẳng được gặp chồng mình bây giờ”- chị Thu nói. Hai vợ chồng tuy khuyết tật, nhưng ở bên nhau, họ lại cộng thành một bức tranh hạnh phúc hoàn hảo, tròn đầy. Có nhiều bạn bè, người quen lành lặn của hai vợ chồng, lắm lúc nhìn thấy còn nói vui là thèm có được hạnh phúc của họ.

Lượng đơn bánh chưa nhiều, có tháng chẳng bán được cái nào nhưng không vì thế hai vợ chồng họ buồn. “Mình lại làm biếu tặng, cũng là cách nhiều người biết tới bánh của mình hơn”- chị Thu tâm sự. Cả nhà đã quá quen với việc “luyện đơn” của chị Thu, ngày ngày đi học rồi về là lao vào làm bánh, tới nỗi anh Hậu còn đùa: “Để anh mắc màn ở bếp cho em ngủ nhé. Em ôm bếp còn nhiều hơn ôm chồng”.

Giờ đây, mỗi buổi sáng, chị Thu đưa các con đi học, rồi đi chợ mua thức ăn cho cả nhà. Xong xuôi, chị sẽ dành thời gian cho đam mê làm bánh. Có đơn, hai vợ chồng lại cùng nhau làm. “Nhiều lúc bán mỗi thứ lãi vài đồng cũng là niềm vui. Vợ chồng mình luôn động viên nhau, tích tiểu thành đại, và hơn cả là dù mình có làm gì, dù mình quanh quẩn ở bếp nhiều hơn bên anh, mình chỉ toàn chụp ảnh bánh chứ ít khi chụp ảnh cùng anh, thì anh cũng luôn ở phía sau”- chị tâm sự.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.