Học phí cho sự trưởng thành

Thái Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Thôi thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Mình mà căng lên là hỏng, có khi còn đẩy con tới chỗ mắc sai lầm lớn hơn”.

Đó là suy nghĩ của chị khi đột nhiên nghe con gái thú nhận trót vay tiền bên ngoài. Tệ hại hơn, con còn dám bỏ học suốt mấy tháng qua trong khi ngày nào cũng dắt xe ra ngoài đường. Nó khiến chị lầm tưởng là con vẫn đang đi học. Chị không thể tưởng tượng đứa con gái mà chị vẫn tin tưởng lại có thể mắc lỗi như vậy.

Chị phải cố gắng nuốt giận vào trong và nhắc mình bình tĩnh trở lại. Chị hỏi con ngọn nguồn sự việc, rằng vì sao con lại vay tiền trong khi chị đâu để con thiếu thốn. Chị cho con tiền đóng học phí, tiền tiêu vặt hàng tháng, cơm ăn ba bữa mẹ nuôi. Con gái chị vừa khóc, vừa nói trót hùn vốn với bạn để kinh doanh mỹ phẩm online. Sợ chị không đồng ý, con âm thầm vay tiền rồi nghĩ tiền kiếm được sẽ đủ để trả nợ dần. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên việc kinh doanh thất bại. Từ khoản vay 50 triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con, con bắt đầu thiếu nợ. Cho tới khi không còn cách nào khác, nó mới vội vã cầu cứu chị.

Học phí cho sự trưởng thành - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị rất hiểu tính cách của con mình. Từ nhỏ, con đã muốn chứng tỏ mình là người giỏi giang. Sau khi vào đại học, con cho rằng mình đã lớn nên có thể tự khởi nghiệp mà không cần tìm kiếm lời khuyên từ mẹ. Tuy nhiên, thế giới trong mắt của một cô con gái mới 20 tuổi không phải lúc nào cũng đẹp đẽ, trời yên biển lặng như thế giới thật.

- Mẹ cho con tiền trả nợ người ta, sau đó, con sẽ đi làm kiếm tiền để trả nợ mẹ. Con bây giờ đã sẵn sàng đi làm kiếm tiền. Con không muốn học đại học nữa-con gái chị quả quyết nói.

- Vậy con tính sẽ làm gì để trả nợ cho mẹ? chị hỏi

- Con đi phục vụ ở quán cafe. Con đã được mấy quán cafe nhận con rồi. Họ bảo con nhanh nhẹn, đủ điều kiện để trúng tuyển.

Chị rất hiểu việc đi làm kiếm tiền thời buổi này không dễ dàng, nhưng chắc chắn, nếu ngăn cản con sẽ không nghe lời của chị. Chị cũng có thể giúp con thoát ra ngay khỏi các rắc rối nhưng nếu làm vậy, con sẽ không thấm thía sai lầm mà mình đã mắc phải. Vì vậy, chị chọn cách đồng ý với giải pháp của con. Tuy nhiên, chị đưa ra điều kiện, tạm thời, thay vì bỏ học, con sẽ viết đơn xin bảo lưu 1 năm ở trường đại học để đi làm kiếm tiền trả nợ. Sau đó, con sẽ tiếp tục cân nhắc về việc có đi học nữa hay không.

Thỏa thuận được hai mẹ con thống nhất. Chị chấp nhận bỏ ra khoản tiền lớn để con giải quyết món nợ. Còn con chị bắt đầu đi làm ở quán cafe với mức thù lao 15.000 đồng/giờ. Mỗi ngày con chị kiếm được 150.000 đồng cho 10 tiếng phục vụ ở quán. Một hai ngày đầu tiên trôi qua trót lọt, con rất phấn khởi vì đã có thể tự làm ra tiền. Nhưng rồi sau 1 tháng, con bắt đầu đuối sức dần. Trở về nhà sau giờ làm, con đổ vật ra giường rồi ngủ một mạch tới sáng, nhiều hôm bỏ cả ăn cơm tối. Chị thương và xót con song vẫn tỏ ra bình thản. Chị tin, con đang bắt đầu nhận được những bài học quý.

Quả nhiên, trong ngày cuối tuần được nghỉ làm ấy, con bỗng thủ thỉ với chị:

- Giờ con mới thấy việc được mẹ nuôi đi học thật là sung sướng mà con lại không biết tận hưởng. Con cứ tưởng học vất vả nhưng làm việc như thế này còn vất hơn nhiều. Con bị mệt mẹ ạ.

- Con chẳng còn lựa chọn nào khác vì khoản nợ với mẹ vẫn còn. Con đã sai thì phải chấp nhận sửa sai thôi, chị trả lời con.

Sau 6 tháng làm việc cật lực, con chị mới gom góp được một phần tiền để trả nợ cho chị. Tuy nhiên, con đã tự đề nghị chị sau khi trả nợ xong, chị cho con nghỉ làm để đi học trở lại.

- Con sẽ học đại học và học thật giỏi để sau này có cơ hội kiếm được việc làm với mức lương được nhận tốt hơn công việc hiện tại, con gái chị chia sẻ.

Chị nghe con nói vậy, rất vui vì con đã tự biết giác ngộ. Lúc này, chị mới đưa lại cho con toàn bộ số tiền mà con làm được để trả nợ chị và nói:

- Mẹ đã trả nợ xong cho con. Mẹ thấy, con làm việc như vậy suốt mấy tháng qua cũng là đủ rồi. Số tiền con đưa, mẹ cho lại cho con và đồng ý cho con nghỉ làm. Trước mắt còn mấy tháng nữa mới vào năm học mới, con nên tranh thủ thời gian này đăng ký học thêm ngoại ngữ hay các kỹ năng nào mà con thấy cần. Con vẫn có thể tiếp tục đi làm để trải nghiệm nếu con sắp xếp được và không bị quá sức. Điều mẹ muốn nói là từ nay con hãy suy nghĩ kỹ trước khi làm một điều gì đó vì không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội để sửa sai.

Con gái chị khe khẽ gật đầu. Một khoản tiền lớn mất đi, nhưng chị không thấy tiếc vì đó là học phí cho sự trưởng thành của con.

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.