Góp ý Luật Phòng chống Bạo lực gia đình (sửa đổi):

Hướng tới mục tiêu bảo vệ tối đa người bị bạo lực

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngày 12/9, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) phối hợp tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Hiện dự thảo Luật đang trong quá trình chỉnh lý sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Hướng tới mục tiêu bảo vệ tối đa người bị bạo lực  - ảnh 1
Tọa đàm góp ý dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình - vai trò của các tổ chức xã hội

Nhiều vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng đã xảy ra
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thu Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết Trung tâm từng tiếp nhận và hỗ trợ một nạn nhân bị chồng bạo lực nhiều năm ngay cả khi đã chuyển ra ngoài ở. Theo đó, chị H (ở Chương Mỹ, Hà Nội) kết hôn với anh V khi cùng làm ăn ở Tây Nguyên. Sau khi kết hôn năm 2007, cả hai chuyển về Chương Mỹ sinh sống và có 3 mặt con. Quá trình chung sống, anh V đã nhiều lần đánh đập, gây thương tích cho chị H, đuổi 4 mẹ con chị ra khỏi nhà. Có lần, chồng chị còn ném búa đinh vào vợ khiến chị bị gãy chân. Lần khác, anh ta ném đèn học của con khiến chị rách mí mắt, chảy máu nhiều. Năm 2015, anh V còn đưa một người phụ nữ khác về nhà chung sống như vợ chồng. Chị H và 3 con phải tự thuê nhà bên ngoài để ở, nhưng chồng chị vẫn tiếp tục tìm đến tận nơi chị ở để gây rối và bạo lực. 

“Chúng tôi tư vấn tâm lý, phối hợp luật sư để hỗ trợ pháp lý và giải quyết ly hôn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị H và các con. Tuy nhiên, mặc dù đã ly hôn, chị H vẫn bị chồng đưa lên facebook đăng tin sỉ nhục, lăng mạ, xúc phạm…” - bà Thúy kể.

Theo bà Thúy, câu chuyện của chị H không phải là hiếm gặp, bởi hàng ngày, hàng giờ, vẫn còn rất nhiều trường hợp người vợ bị ngược đãi, đánh đập từ chồng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bạo lực không chỉ là việc xâm phạm trực tiếp thân thể gây ra thương tích cho nạn nhân mà còn bao gồm những ngược đãi về lời nói, tình cảm và cả quan hệ tình dục. 

Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, có rất ít sự thay đổi về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ sau 10 năm kể từ nghiên cứu đầu tiên vào năm 2010. Đặc biệt, 62,9% phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời, bao gồm bạo lực thể chất, kinh tế, tinh thần, tình dục và bị kiểm soát hành vi. Trong đó, 90,4% người bị bạo lực không hề tìm kiếm bất kì sự giúp đỡ nào từ chính quyền và một nửa trong số họ chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực. 
Bà Hoàng Tú Anh, Trưởng Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam chia sẻ, định kiến giới, xu hướng tính dục là nguyên nhân gây ra BLGĐ. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), tỷ lệ trẻ vị thành niên và trẻ em có bản dạng giới khác biệt thì có nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn. Nhiều người LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) bị ép buộc thay đổi ngoại hình, cử chỉ (62,9%); bị la mắng gây áp lực (60,2%), ép kết hôn dị tính (25%), ép đi điều trị (20%), bị nhốt, giam giữ, đánh đập 13-14%. Bạo lực giữa các cặp đôi đồng tính cũng nhiều hơn. 

Luật cần chặt chẽ để xử lý triệt để các hành vi bạo lực
Tại tọa đàm, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, dự thảo Luật có 5 nhóm điểm mới, bao gồm phương tiện tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực làm trung tâm để sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực, bổ sung các quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam; thực hiện phòng ngừa BLGĐ chủ động, tăng cường biện pháp truyền thông, giáo dục; hòa giải, xử lý tin báo, tố giác tội phạm…; sửa đổi, bổ sung các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong PCBLGĐ để khắc phục bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; khuyến khích xã hội hóa trong công tác PCBLGĐ, trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan tổ chức liên quan… 

Theo bà Nguyễn Thu Thúy, chúng ta cần tập trung vào phòng ngừa, đồng thời đẩy mạnh cung cấp dịch vụ cho người bị BLGĐ bằng cách thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo cơ chế tài trợ, phối hợp thực hiện dịch vụ mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình, đa dạng hóa đối tượng và phương pháp truyền thông, đặc biệt quan tâm tới dịch vụ dành cho nam giới…“Việc có quy định về tăng cường nguồn lực kinh phí sẽ đảm bảo triển khai thực hiện tốt các quyền cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Ví dụ khi nạn nhân có yêu cầu được bố trí nơi tạm lánh, yêu cầu được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội… thì có ngay chi phí để thực hiện” - bà Thúy cho biết. 
Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) cho rằng,

Luật cần bổ sung trách nhiệm của thành viên gia đình (Điều 11) về việc tố cáo hành vi bạo lực ngay khi bạo lực vừa xảy ra, đồng thời cân nhắc lại quy định về hòa giải tại cơ sở. “Thực tế, hòa giải cơ sở không giải quyết được ở các vụ việc bạo lực nghiêm trọng. Chúng ta cần quy định hòa giải sau khi vụ việc đã được xử lý về hành chính hoặc hình sự để tăng tính răn đe, giáo dục” - bà Hồng nêu ý kiến. 

Về địa chỉ nhận tin báo khi bạo lực xảy ra, theo các chuyên gia, dự thảo Luật đã ghi nhận: Tất cả tin báo vụ bạo lực gia đình đều phải đến điểm cuối cùng là Chủ tịch UBND cấp xã và là người chịu trách nhiệm, phân công việc xác minh, phân công người xử lý. Tuy nhiên, các đường dây nóng tiếp nhận vụ việc BLGĐ cần mở rộng cả các tổ chức ngoài Nhà nước, để đảm bảo người bị bạo lực được bảo vệ tối đa…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.