Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Bài và ảnh: Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.

Vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã ký ban hành Kế hoạch số 05-KH/BCĐ57 của Ban Chỉ đạo Thành ủy về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn TP Hà Nội. Kế hoạch đề ra nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình chuyển đổi số; mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Từ đây, phong trào “bình dân học vụ số” đã lan tỏa đến nhiều gia đình ở Thủ đô Hà Nội.

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình - ảnh 1
Chị em phụ nữ Chi hội 16 phường Giảng Võ tham gia nhóm zalo gia đình 4.0.

Phụ nữ rủ nhau “bình dân học vụ số”
Mỗi buổi sáng, khi đã tạm xong việc nhà cửa, bếp núc, các cô các chị trong tổ phụ nữ số 16 phường Giảng Võ, TP Hà Nội lại gọi nhau “Sang nhà uống nước nhé!”. Lúc này, một “không gian số” sẽ mở ra, khi những người phụ nữ đã lên chức bà ngồi bên nhau, cầm điện thoại thông minh và hướng dẫn cho nhau cách sử dụng mạng xã hội và các hình thức công nghệ khác.

Đó là mô hình “Tổ zalo kết nối - Gia đình hạnh phúc 4.0” do cô Nguyễn Thị Tính, Chi hội phụ nữ 16 phụ trách. Không dừng lại ở việc dùng zalo để phổ biến các tài liệu, hoạt động Hội Phụ nữ, cô Tính cùng các chị em còn đưa mô hình trở thành một hoạt động “Bình dân học vụ số”, nơi mà chị em sẽ được giải đáp, được chỉ dạy kỹ càng cách ứng dụng công nghệ vào đời sống.

 “Các chị em trước giờ đều sử dụng mạng xã hội vào nhiều mục đích. Vì thế nên ai cũng muốn khám phá thêm về nhiều mặt tích cực khác của mạng xã hội, để ứng dụng nó vào đời sống gia đình mình. Vì thế mà Tổ zalo gia đình 4.0 ra đời. Chi hội có 2 tổ, các chị em tập trung đến nhà một chị để cùng nhau được hướng dẫn. Chị nào hiểu nhiều, biết nhiều hơn thì chỉ cho người biết ít, chưa biết. Cứ như vậy, khoảng độ 1 tháng thôi, gần như các chị em trong Chi hội đều đã sử dụng thành thạo các mạng xã hội phổ biến”, cô Tính nói. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng, mô hình đã giúp hơn 90% hội viên sử dụng thành thạo ứng dụng zalo và facebook để tham gia sinh hoạt. Đặc biệt, có đến 30% hội viên cao tuổi lần đầu tiên sử dụng điện thoại thông minh để gọi video cho con cháu - một bước tiến đầy nhân văn thể hiện tinh thần học hỏi không ngừng và thích ứng linh hoạt trong kỷ nguyên số.

Trong nhóm zalo của các cô Chi hội 16 phường Giảng Võ, chủ đề chính hay được nhắc đến nhất là các phương pháp, kinh nghiệm giáo dục con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình, đều là những câu chuyện từ chính gia đình các cô, hoặc do các cô “mắt thấy tai nghe” rồi chia sẻ lại để chị em cùng suy ngẫm, gắn kết và học tập. Rồi đến các thông tin về thực phẩm bẩn, thuốc giả, sữa giả, các hình thức lừa đảo qua mạng… cũng được chị em hết sức quan tâm, bàn luận. Cô Tính chia sẻ, qua quá trình học hỏi, trải nghiệm và đồng hành cùng nhau, ngày càng nhiều chị em trong Chi hội nhận ra rằng: Ứng dụng công nghệ không chỉ là để tiếp cận cái mới, mà còn là cách thiết thực để giữ gìn hạnh phúc, gắn kết các thành viên trong gia đình. Công nghệ số nếu biết cách ứng dụng, nó sẽ phục vụ tất cả các đối tượng chứ không riêng gì người trẻ. 

“Có những cô, những chị rất nhanh nhạy, không chỉ biết gọi video cho con cái, mà còn theo dõi được điểm số của cháu qua app, lấy đó làm niềm vui để chia sẻ với mọi người. Các chị cũng đã biết tự đăng ký khám bệnh online, rồi lập nhóm zalo có các thành viên họ hàng ở xa để giữ liên lạc… Từ đó, các bác đã có sự chủ động hơn trong chăm sóc tổ ấm của mình. Chỉ trừ các cô tuổi cao, sức khỏe không cho phép, còn lại các chị em đều rất cố gắng, rất chủ động học hỏi, đó cũng là cách để xích lại gần hơn với thế hệ con cháu”- cô Tính nói.

Lợi ích của chuyển đổi số trong gia đình
Cô Tính kể rằng, vừa rồi, có thành viên trong Chi hội không may bị lừa đảo qua mạng mất một số tiền. Nếu như trong giai đoạn trước, khi chị em còn chưa tiếp cận nhiều với công nghệ, thì việc bị lừa đảo như thế sẽ khiến chị em rất xấu hổ, e ngại không dám kể với ai. Nhưng từ ngày có nhóm zalo, có tinh thần “Bình dân học vụ số”, chị em không ngần ngại chia sẻ việc chính mình trở thành nạn nhân nữa. 

“Chia sẻ câu chuyện của mình cũng là cách để mọi người có thêm kinh nghiệm, tránh mắc phải như mình nữa”- cô Tính cho biết.

Khi công nghệ được người cao tuổi chủ động mở cánh cửa bước vào, lòng tin của họ theo đó cũng được nâng lên. Những người ông, người bà trong gia đình bây giờ đã biết chắt lọc thông tin trên mạng, cảnh giác với những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, biết chuyển tiền qua tài khoản và sử dụng thành thạo nhiều dịch vụ công khác… “Bình dân học vụ số” không còn là khái niệm xa lạ, mà đi vào đời sống từng gia đình một cách đời thường như thế. Cô Tính nghẹn ngào khi nhớ lại, có những thanh niên phấn khởi khoe với cô, “bố mẹ cháu dạo này dùng điện thoại thành thạo lắm cô ạ! Thậm chí ngôn ngữ của tuổi teen, các ông các bà cũng hiểu đấy!”. Công nghệ số như trở thành nhịp cầu nối liền khoảng cách thế hệ.

Trong thời đại công nghệ số, mỗi người trong gia đình đều cần có kiến thức và kỹ năng sử dụng các thiết bị, phần mềm, ứng dụng để phục vụ công việc, học tập, giải trí và giao tiếp. Việc này giúp các thành viên trong gia đình hòa nhập tốt hơn với cuộc sống, giảm thiểu những bất tiện, khó khăn trong sinh hoạt, công việc, và tăng cường sự gắn kết. Phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ góp phần lan tỏa tinh thần cả gia đình cùng nhau học tập, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc, thịnh vượng. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Hè cùng con đọc sách

Hè cùng con đọc sách

(PNTĐ) - Đồng hành cùng con, nhất là vào thời gian hè là điều nhiều cha mẹ quan tâm. Chị Trần Dung (Hưng Yên) vừa là mẹ, vừa là gia sư đã giúp con có mùa hè thoải mái nhưng vẫn bổ ích. Và cách chị chọn chính là trang bị cho con thói quen yêu thích đọc sách trong hè.
Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.