Khổ vì mẹ chồng hay... soi

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.

Trước đây, mối quan hệ giữa Trang và nhà chồng khá êm đẹp. Mẹ chồng cô là người khó tính, tuy nhiên Trang là người biết điều, từ ngày về làm dâu lúc nào cô cũng chu đáo, sắm sửa đầy đủ không để bố mẹ thiếu một thứ gì. Mỗi năm chỉ về quê vào dịp hè và mấy ngày lễ Tết, thế nên lúc nào không khí trong gia đình cũng rất vui vẻ. Nhưng đến khi cô sinh con gái đầu lòng, mẹ chồng lên chăm cháu thì mọi chuyện mới bắt đầu “sóng gió”.

Trang không có ý định nhờ mẹ chồng lên chăm cháu, thế nhưng sau 5 lần 7 lượt thay người giúp việc không ưng ý, cô đành nhờ mẹ chồng để yên tâm đi làm. Mẹ chồng Trang là người chất phác, chu đáo, khéo chăm cháu và giúp đỡ con dâu nhiều việc nhà. Thế nhưng, tính bà lại tằn tiện và hay soi mói, để ý nên càng ở lâu bà càng thấy không vừa mắt với con dâu.

Khổ vì mẹ chồng hay... soi - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mẹ chồng thấy Trang tiêu xài, mua sắm thoải mái nên dường như rất khó chịu. Ban đầu bà cố giữ trong lòng, lâu dần bà thể hiện thái độ ra mặt. Thỉnh thoảng bà lại gọi điện than phiền với chồng: “Tôi chẳng biết cái Trang nó đi làm thu nhập thế nào mà ăn tiêu hoang phí lắm. Mà thằng Tuấn nhà mình làm được bao nhiêu là đưa hết cho vợ giữ, không để một chút tiền riêng cho bản thân”. Những lúc ấy, ông chỉ nói: “Đấy là việc riêng của vợ chồng hai đứa, bà cứ bận tâm làm cái gì cơ chứ”.

Trang cũng nhận thấy mẹ chồng không vừa lòng nhiều chuyện. Thế nhưng, vốn dĩ là thói quen nên cô khó thay đổi. Trang luôn muốn cuộc sống đủ đầy, tươm tất và cô cũng chỉ chi tiêu trong mức thu nhập của hai vợ chồng chứ chưa bao giờ “vung tay quá trán”. Thế nhưng, sự để ý của mẹ chồng khiến cô thấy cuộc sống trở nên ngột ngạt.

Những ngày cuối tuần, Trang thường mua nhiều đồ ăn ngon để cả nhà đổi bữa thì mẹ chồng lại vùng vằng: “Mua làm gì mà nhiều thế, có 3 người ăn sao hết. Mà toàn những món đắt tiền thế này, tốn kém. Bố mày bây giờ ở nhà cũng chỉ có bát canh với miếng cá kho mặn thôi”. Xong rồi bà mang chai xì dầu và muối lạc ra ăn với cơm khiến Trang có đang ăn sơn hào hải vị cũng không thể nuốt nổi.

Khổ vì mẹ chồng hay... soi - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nghe mẹ chồng nói thế, Trang lại bàn với chồng mỗi tháng gửi thêm về cho bố chồng 8 triệu để ông chi tiêu, ăn uống. Thế nhưng, khi bà biết được, lại càu nhàu: “Bố ở nhà có ăn tiêu gì nhiều đâu mà gửi cho ông ấy lắm thế, 5 triệu là được rồi. Còn muốn đưa thêm thì cứ đưa mẹ cầm đây này, trong nhà việc lớn, việc nhỏ do một tay mẹ lo liệu hết”. Và kể từ đó, mỗi tháng Trang lại đưa mấy triệu đồng để mẹ chồng giữ. Sau này Trang mới biết, số tiền ấy mẹ chồng lại dấm dúi đưa cho con gái ăn tiêu, nhưng cô vẫn làm ngơ không một lời thắc mắc.

Còn về chuyện ăn uống, sau nhiều lần mẹ chồng khó chịu khi cô nấu những món ngon tốn kém thì Trang cũng thay đổi thực đơn. Cô chủ yếu nấu mấy món ăn dân dã để vừa lòng bà. Thỉnh thoảng vợ chồng Trang lại tranh thủ giờ buổi trưa hẹn nhau đi “đổi bữa”.

Khi gia đình cô em chồng sang chơi vào mấy ngày cuối tuần, Trang cũng vào bếp chuẩn bị bữa ăn thật tươm tất. Trong lúc Trang cặm cụi trong bếp xào nấu thì mẹ chồng ghé vào nhìn một lượt rồi nói với giọng gắt gỏng: “Nhà em nó cả tháng mới qua chơi hai ngày mà mâm cơm chỉ có mấy món đơn giản thế này à? Lần trước có mấy món sò điệp, tôm hùm… mấy đứa thích ăn lắm sao không làm, lại nấu cơm canh như ngày thường vậy? Ôi mẹ chẳng hiểu nổi con nghĩ cái gì nữa”.

Trang vô cùng bức xúc, cô không thể hiểu nổi mẹ chồng. Cô không tiếc tiền cho những bữa ăn, nhưng chính vì bà mà cô đã phải điều chỉnh thực đơn hàng ngày. Vậy mà hôm nay thái độ bà lại quay ngoắt 180 độ. Nhìn lại thì bữa ăn hôm nay cũng đủ đầy và rất ngon miệng, ngoài món canh cua, cà muối ra thì có thêm cá hồi áp chảo, sườn nướng BBQ, cánh gà chiên mắm… Đâu phải là những món ăn đạm bạc. Thế rồi trong cả bữa ăn, mẹ chồng Trang ngồi cứ thở dài, tỏ vẻ không vừa ý.

Khổ vì mẹ chồng hay... soi - ảnh 3
Ảnh minh họa

Trang ấm ức, nói chuyện với chồng thì lúc nào anh cũng an ủi, vỗ về cô bằng một lý do: “Tính mẹ thế thôi nhưng không để ý gì nhiều đâu. Em cũng đừng để ý làm gì cho thêm mệt mỏi. Để lúc nào anh từ từ nói chuyện với mẹ sau”. Chẳng biết anh nói chuyện với mẹ thế nào nhưng câu chuyện chưa bao giờ thay đổi.

Chuyện ăn uống là thế, đến việc mua sắm đồ dùng, quần áo, giày dép Trang cũng bị mẹ chồng soi mói. Trước đây, Trang thường mua đồ cho mẹ chồng nhưng lần nào bà cũng chê này chê nọ, rồi chê đắt, thế nên sau vài lần cô không mua nữa. Tuy nhiên, điều bực bội nhất là mẹ chồng cũng không muốn con dâu mua sắm cho bản thân và chồng con. 

Cuối tuần vừa rồi, Trang tranh thủ đi săn sale đồ mùa hè cho cả nhà. Sau một buổi chiều, cô lỉnh kỉnh xách về hơn chục túi lớn nhỏ với quần áo, giày dép, đồ gia dụng... Thấy Trang về, mẹ chồng đang trong bếp liền bước ra, vừa đi vừa nói: “Sao mua gì mà mua lắm thế, chắc mang hết cửa hàng nhà người ta về ấy nhỉ? Mấy tủ quần áo cái nào cũng đầy, có cái còn chưa mặc đến mà tháng nào cũng đi mua mới? Con chẳng biết ăn tiêu tiết kiệm gì cả.

Trong khi chồng thì đi làm sớm hôm vất vả, cuối tuần cũng không được nghỉ. Thế không định phấn đấu đổi cái nhà to hơn, đổi cái xe đời mới hơn à? Hay là bằng lòng với cuộc sống như này rồi?”.

Nói xong rồi mẹ chồng lẳng lặng bước vào phòng rồi đóng sầm cửa lại. Đến buổi tối, sau bữa ăn “cơm không lành, canh không ngọt”, chồng Trang vào phòng nói chuyện riêng với mẹ. Không biết chồng nói gì, Trang chỉ nghe thấy mẹ chồng quát rõ to: “Tôi nói cũng là lo cho anh chị, tiết kiệm được bao nhiêu thì anh chị ấm thân bấy nhiêu chứ tôi có được cái gì đâu. Thôi từ giờ tôi mặc kệ không lại mang tiếng mẹ chồng khó tính, hay để ý”.

Nghe những lời giận dỗi của mẹ chồng văng vẳng bên tai, Trang thấy vô cùng mệt mỏi. Cô thực sự không biết nên làm cách nào để mẹ chồng sống vui vẻ, thoải mái và bớt soi mói vào chuyện sinh hoạt của vợ chồng cô bây giờ?

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.