Không ly hôn, sống ly thân cả đời được không ?
Gần 15 năm chung sống, tình cảm của vợ chồng tôi không còn gắn kết như xưa. Những bất đồng trong cuộc sống ngày một nhiều lên khiến cả hai thường cãi vã, làm tổn thương nhau. Gần đây, chúng tôi quyết định "giãn cách" nhau một thời gian bằng việc sống ly thân. Ngoài căn nhà hiện có, chúng tôi còn có hai căn nhà cho thuê, nên khi ly thân chồng tôi chuyển về sống tại một trong hai căn nhà đó.
Cuộc sống ly thân khiến chúng tôi cảm thấy "dễ thở" hơn khi sống cùng nhau. Nhưng, vì con và một số lý do khác, chúng tôi không muốn ly hôn. Do đó, cả hai đều mong muốn sống ly thân như hiện nay. Tôi muốn hỏi Tâm Giao, pháp luật có quy định về việc sống ly thân giống như ly hôn không? Trong thời gian sống ly thân, chúng tôi không có quan hệ với nhau về tài sản, và "của ai làm người nấy giữ" thì có được không? Về con cái, hiện các con đang sống cùng với tôi thì anh ấy sẽ có trách nhiệm với con như thế nào? Về tình cảm, cả hai đã cạn rồi thì có còn trách nhiệm chăm sóc nhau lúc đau ốm, già cả như vợ chồng cả đời hay không?
Nguyễn Thị Lê Mai (Tây Hồ, Hà Nội)
Trong các quy định pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể cho vấn đề ly thân như: Thời gian vợ chồng sống ly thân trong bao lâu, mọi trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhau lẫn con cái cụ thể sẽ thế nào, thủ tục khi ly thân cần những gì... Pháp luật chỉ quy định những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm của vợ chồng, con cái, và tài sản trong thời kỳ hôn nhân và khi ly hôn.
Tuy nhiên trong thực tế, ly thân vẫn tồn tại và kéo theo nhiều hệ lụy. Trước đây khi lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, vấn đề ly thân đã được đề xuất bổ sung vào luật. Thế nhưng, sau khi phân tích mọi hậu quả, xét thấy chế độ ly thân sẽ làm mất đi ý nghĩa của hôn nhân và để lại nhiều tồn tại làm ảnh hưởng đến giá trị đạo đức gia đình. Vì thế, các chuyên gia cho rằng không thể luật hóa vấn đề ly thân.
Do đó, ly thân vẫn chỉ được hiểu là vợ chồng không ăn chung, ngủ chung, và không có quan hệ tình dục. Khi vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột, ly thân được xem là một giải pháp tạm thời để họ có thời gian bình tĩnh, xem xét lại tình cảm và giải quyết các xung đột trong hôn nhân, tránh việc ly hôn vội vã trong lúc nóng giận, thiếu suy nghĩ. Bản chất của ly thân là vậy nhưng trong cuộc sống thực lại bị một bộ phận vợ chồng "biến tướng". Cụ thể, nhiều người cho rằng, ly thân là bước đệm để ly hôn, hoặc cũng xem như là ly hôn, vì thế họ tự do có mối quan hệ bên ngoài, bỏ bê trách nhiệm với con cái khi không sống cùng mình trong thời gian ly thân...
Đây là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Vì dù sống ly thân không có quan hệ tình cảm, không liên quan tài sản (luật cho phép vợ chồng có tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân), nhưng họ vẫn là vợ chồng hợp pháp, vẫn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với nhau. Do đó, nếu như các bạn không ly hôn mà chọn sống ly thân (vô thời hạn) thì vẫn phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong hôn nhân.
Điều 19, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về tình nghĩa vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Về con cái, dù sống ly thân, hay ly hôn bố mẹ vẫn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục đến khi chúng trưởng thành. Như vậy, dù không sống cùng vợ con, nhưng chồng bạn vẫn phải có trách nhiệm nuôi con giống như trước. Việc bỏ bê con cái khi sống ly thân, và mọi hành vi sống chung bất hợp pháp với người thứ ba ngoài hôn nhân của mỗi người đều vi phạm pháp luật.
Báo Phụ nữ Thủ đô