Kỳ 2: Nỗi lo hôn nhân cùng huyết thống trong tương lai?
PNTĐ-Luật đã mở ra cơ hội để phụ nữ độc thân “danh chính ngôn thuận” đến bệnh viện “xin” con. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc này sẽ dẫn đến những cuộc hôn nhân cùng huyết thống.
![]() |
Ảnh minh họa |
Người “xin”: chấp nhận khó khăn mà được biết rõ “nguồn gốc”
Là người đam mê sự nghiệp, không muốn ràng buộc hôn nhân nên chị Lê Hồng Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) lựa chọn cuộc sống độc thân và mong muốn làm mẹ đơn thân. Gần một năm nay, chị âm thầm “đi lại” với một người đàn ông đã có gia đình để mong “xin” được đứa con. Việc “xin” con của chị vô cùng gian nan vì phải trốn tránh gia đình, vợ con của người đàn ông đó. Từ lúc biết tin luật cho phép phụ nữ độc thân được đến bệnh viện “xin” con hợp pháp, chị vui mừng vì sẽ thoát được cảnh bị dày vò của việc “xin” con trong “bóng tối”. Nhưng khi tìm hiểu những quy định về vấn đề này, chị lại từ chối cơ hội này với lý do:
- Khi đến viện xin tinh trùng, tôi không biết được người hiến tặng tinh trùng đó là ai, ở đâu. Vì thế, tôi lo sợ đứa con mình sinh ra sau này sẽ có nguy cơ kết hôn cùng huyết thống với những đứa con của người hiến tinh trùng. Vậy nên, tôi thà chấp nhận khó khăn mà biết rõ nguồn gốc cha đứa trẻ là ai để an toàn hơn cho hôn nhân trong tương lai của con tôi.
Người “cho”: Nỗi lo đè nặng
Anh Trần Văn B (Đông Anh, Hà Nội) kể: Tôi có một chị gái vì khiếm khuyết về hình thức nên không có cơ hội kết hôn. Cả gia đình muốn chị ấy làm mẹ đơn thân để sau này có đứa con nương tựa. Sau một thời gian tìm người để “xin” con không được, chúng tôi đưa chị đến viện để xin tinh trùng làm thụ tinh ống nghiệm. Nhưng bấy giờ nguồn tinh trùng không nhiều nên bác sĩ khuyên chị tôi nên xin tinh trùng của người thân rồi mang đến viện “đổi” tinh trùng của người khác. Vì để chị đạt được nguyện vọng có con, tôi đã lấy tinh trùng của mình để chị mang đến viện “đổi”. Sau đó việc “xin” con của chị tôi thuận lợi. Giờ chị đã sinh cháu bụ bẫm khỏe mạnh, sống hạnh phúc. Nhưng cũng từ đó, tôi luôn bị tâm lý đè nặng bởi không biết được người nhận tinh trùng của mình sau đó là ai, ở đâu. Nỗi lo về việc con cái có khả năng kết hôn cùng huyết thống trong tương lai luôn đè nặng trong tôi. Nếu không vì hạnh phúc của người thân, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ tình nguyện hiến tặng tinh trùng.
Theo luật sư Nguyễn Minh Long (văn phòng luật sư Dargon) thì nỗi lo của anh B nói riêng và những người đàn ông có ý định hiến tặng tinh trùng nói chung đều xuất phát từ những quy định của luật về vấn đề này. Cụ thể như tại Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vừa có hiệu lực trong tháng 3/2015, có nêu rõ: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng cũng như không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người nhận tinh trùng, nhận phôi. Việc bí mật thông tin từ cả hai phía khiến cho người dân có tâm lý sợ con cháu trong tương lai bị “loạn luân”. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến số lượng người hiến tặng tinh trùng không nhiều hiện nay.
Tránh “rủi ro” bằng khám sức khỏe tiền hôn nhân
Trong khi người dân lo sợ về khả năng hôn nhân cùng huyết thống trong tương lai từ những cơ hội “xin” con hợp pháp mà luật mở ra hôm nay, thì phía các cơ quan chức năng lại cho rằng khả năng này sẽ không xảy ra bởi những quy định chặt chẽ của luật.
TS Nguyễn Việt Tiến cho rằng dù bí mật thông tin nhưng theo quy định, người hiến tặng tinh trùng chỉ được hiến tặng một lần, tại một cơ sở y tế. Và nguồn tinh trùng đó chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học. Mặt khác, kinh nghiệm thực tiễn từ các nước (như Pháp) đã tiến hành việc “cho” con từ ngân hàng tinh trùng trong nhiều năm nay cho thấy chưa có trường hợp hôn nhân cùng huyết thống nào xảy ra.
Hạ Thi