Mỗi năm, cả nước xảy ra hơn 2.000 vụ xâm hại trẻ em trên không gian mạng
(PNTĐ) - Bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ, cạm bẫy khi tiếp xúc với mạng inernet, tránh cho các em khỏi các hình thức xâm hại và tạo môi trường internet an toàn, lành mạnh không còn là chuyện của mỗi cá nhân trong xã hội.

Từ xâm hại trên mạng đến xâm hại ngoài đời
Nảy sinh tình cảm từ việc quen qua mạng xã hội, nhiều bé gái bị xâm hại vì chưa biết cách tự bảo vệ mình. Thậm chí, nhiều em còn đồng ý cho bạn trai quan hệ mà không biết đến những hệ lụy về sau. Cuối tháng 1/2025, Công an tỉnh Bắc Kạn đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Hoàng Á Thành (SN 2006, trú tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) để điều tra về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự.
Theo cơ quan điều tra, tháng 12/2024, thông qua mạng xã hội facebook, Thành kết bạn và làm quen với L.T.T (SN 2013), trú tại địa bàn huyện Pác Nặm. Dù biết T chỉ hơn 11 tuổi, nhưng Thành đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của cháu T để tán tỉnh, dụ dỗ cháu T quan hệ tình dục 3 lần.
Trước đó không lâu, Nguyễn Anh T (SN 1994, trú tại Hà Nội) cũng bị truy tố về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Theo đơn trình báo của người nhà cháu H (SN 2010, trú tại Hà Nội), cháu H quen biết T qua ứng dụng “Popup” từ tháng 9/2023. Trong quá trình nói chuyện, cả hai gửi các hình ảnh, video nhạy cảm cho nhau xem. Đến tháng 11/2023, T và H đã quan hệ tình dục tại một nhà nghỉ trên đường Lạc Long Quân. T có quay lại video gửi qua Zalo cho H. Đến khoảng tháng 6/2024, T tiếp tục yêu cầu H gửi video hình ảnh nhạy cảm cho T. Lúc này H không đồng ý thì T đe dọa sẽ đăng video lên mạng. Đối tượng này còn lập facebook ảo để kết bạn và gửi video nhạy cảm cho cháu H để gây sức ép, khiến cháu H bị hoảng loạn tinh thần.
Tại tỉnh Đắk Lắk, cuối năm 2022, một cháu gái 15 tuổi (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) được gia đình đưa đến cơ quan công an trình báo việc bị 7 bạn trai giao cấu nhiều lần. Theo trình báo, cháu gái có quen biết với một bạn trai (15 tuổi) qua mạng xã hội và được bạn này chở đi chơi buổi tối. Sau đó, người bạn trai đã chở cháu gái vào một chòi rẫy vắng để quan hệ tình dục và rủ thêm 2 thiếu niên khác đến cùng thực hiện hành vi giao cấu.
Sau sự việc, cháu gái sợ về nhà, bố mẹ mắng nên qua nhà bạn ngủ tạm. Tại đây, cháu gái tiếp tục bị 4 bạn trai khác cùng quan hệ tình dục dù cháu gái không đồng ý. Theo lời cháu gái, tổng cộng cháu bị 7 trẻ chưa thành niên có độ tuổi 13-17 tuổi giao cấu nhiều lần. Trong số này, có 5 người vẫn đang là học sinh trên địa bàn và 2 người đã nghỉ học.
Giúp trẻ tự phòng ngừa xâm hại trên không gian mạng
Chia sẻ tại hội thảo quốc tế về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên không gian mạng do Bộ Công an tổ chức với sự hỗ trợ của UN Women và UNESCO mới đây, Trung tá, PGS.TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh về sự gia tăng người dùng internet và độ bao phủ trên các vùng lãnh thổ. Tính đến tháng 1/2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng internet (tỉ lệ 79,1% trên tổng 99,19 triệu dân số) và có 72,70 triệu người dùng các nền tảng mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam sử dụng các dịch vụ, ứng dụng trên mạng internet ở mức cao và độ tuổi trung bình tiếp cận, sử dụng các thiết bị di động thông minh và mạng internet sớm so với thế giới.
Theo một số liệu thống kê khác, mỗi năm, cả nước xảy ra hơn 2.000 vụ xâm hại trẻ em chiếm khoảng 5% trong tổng số tội phạm về trật tự xã hội với hơn 2.500 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới 81%. Xâm hại trẻ em trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát trung bình chiếm 16% trên tổng số vụ xâm hại trẻ em. Hoạt động của nhóm các đối tượng nước ngoài tiếp cận, làm quen, rủ rê trẻ em gái tham gia livestream khiêu dâm trên ứng dụng QQLive của Trung Quốc để kiếm tiền.
Các hình thức xâm hại phổ biến là gạ gẫm trực tiếp, bắt nạt qua mạng, phát tán nội dung nhạy cảm, đánh cắp danh tính và lừa đảo, mua bán trẻ em qua mạng. Nguyên nhân có thể kể đến là do tăng cường sử dụng internet, trong khi đó trẻ thiếu kiến thức về an toàn mạng và kỹ năng tự bảo vệ mình trên mạng; nhiều trẻ thích giao tiếp với người lạ và dễ tin tưởng người lạ, cha mẹ chưa giám sát chặt chẽ hoạt động trực tuyến của con…
Theo Trung tá, PGS.TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh, để phòng ngừa, cần giáo dục và nâng cao nhận thức cho trẻ em kiến thức về an toàn mạng, giúp các em nhận diện và tránh xa các nguy cơ tiềm ẩn. Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm, giám sát hoạt động trực tuyến của con em và cung cấp hướng dẫn kịp thời. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và quốc tế để ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em trực tuyến…
Bà Chu Thu Hà, Quản lý truyền thông Viện Nghiên cứu và phát triển bền vững (MSD) cho rằng, bất kì ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các hành vi bạo lực tình dục, đặc biệt là trên mạng, trong đó có nhóm trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ em và thanh thiếu niên mặc dù rất nhạy bén về công nghệ và mạng xã hội nhưng lại thường thiếu kinh nghiệm, kĩ năng và sự nhận thức về nguy cơ giao tiếp trực tuyến, do đó, họ có thể trở thành mục tiêu dễ dàng cho những kẻ có ý đồ xấu.
Do đó, bà Hà nhấn mạnh: Để có thể tự mình phòng ngừa được nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục trực tuyến, mỗi cá nhân hãy trở thành một công dân số thông minh và có trách nhiệm. Mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kĩ năng an toàn cần thiết để giúp nhận diện, phòng ngừa và ứng phó với các rủi ro. Các kĩ năng bao gồm: Biết cách cài đặt bảo mật tài khoản và cảnh báo đăng nhập và bảo vệ hai lớp, đăng nhập an toàn, cài đặt chế độ riêng tư, và kết nối chọn lọc; có tư duy phản biện và thấu cảm để nhận diện rủi ro cũng như tránh bị lôi kéo vào các hành vi gây bạo lực cho người khác…