Làng khóc!

Chia sẻ

LTS: Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ 10 năm 2020 đã khép lại với giải Nhất thuộc về tác phẩm “Làng khóc!” của tác giả Vương Ly (Đô Lương, Nghệ An). Báo Phụ nữ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài viết này cùng bạn đọc.

Làng tôi vốn là nơi đất cằn sỏi đá, xa chợ, xa sông. Những người dân nơi đây chỉ quen với ruộng vườn, nương rẫy. Cơ cực là vậy nhưng những đứa trẻ ở làng lớn lên đều khỏe mạnh, học hành giỏi giang. Đã có nhiều năm làng tôi vui như hội khi những thủ khoa đại học được vinh danh. Làng cũng nhiều lần được đón cán bộ huyện, tỉnh, hay các thầy cô giáo về thăm làng, thăm những gia đình có con đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó... Chao ôi, sao có thể tả hết niềm tự hào của làng tôi trong những dịp đó! Nhưng đó là chuyện của bao năm về trước.

Từ khi làng có phong trào xuất khẩu lao động, đặc biệt là khi có “lượng kiều hối” gửi về mọi thứ dường như thay đổi đến chóng mặt. Nét riêng biệt của lực lượng xuất khẩu lao động ở làng là chủ yếu phụ nữ. Họ rủ nhau đi Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Những chị em từ trước tới giờ chỉ quen với đồi chè, rọ lợn giờ biết cả ngoại ngữ, biết trang điểm, làm nail, đi giày cao gót. Có người nói, “gạo ngoại”, “tiền ngoại”... đã giúp họ đẹp hơn mỗi ngày? Mấy năm nay ở làng tôi, những ngôi nhà mới khang trang đã mọc lên, nhiều nhà như biệt phủ, đường làng thênh thang, bê tông thông suốt... Từ lúc nào bọn trẻ cũng quen với thương hiệu mới của làng: “làng xuất khẩu, làng triệu đô”.

Chỉ có điều, trong mỗi mái ấm kia thiếu bàn tay của những người mẹ tảo tần, nhiều ông bố phải đóng hai vai, nhiều ông bà thành bố mẹ. Mà những vai đóng thế đâu phải lúc nào cũng đạt, nên nhiều gia đình chênh vênh bên bờ vực, có gia đình bọn trẻ không bao giờ gặp lại mẹ nữa... Có lẽ, khi những nhu cầu vật chất cơ bản được đáp ứng thì những nhu cầu tinh thần khác lập tức nảy sinh. Hơn nữa, con số 3 năm, 6 năm rồi 9 năm, thậm chí là chưa biết bao nhiêu năm... vợ về? Vợ mình hay vợ người ta? Có phải vợ đi lao động phổ thông như hợp đồng đã ký? Nếu cơ cực quá sao vợ không về? Đại khái những câu hỏi ấy khiến những ông bố ở quê bận bịu muôn phần. Có người bố thành tự kỉ, cam chịu, hi sinh vì thương con, có người bố tìm đến bài bạc, rượu chè và gái bao. Rốt cuộc chỉ bọn trẻ chịu thiệt, những ngôi nhà lạnh ngắt hoặc thành nơi tụ tập của nhóm cờ bạc, rượu chè. Bọn trẻ lớn lên sao nhãng học hành vì chúng nghĩ nhà mình giàu thế học làm gì cho khổ...

Bọn trẻ giờ đua nhau uống những chai nước xanh, đỏ đủ màu vì nó rất thời thượng, tóc tai cũng đủ vũ điệu. Đường làng bị cày xới bởi tiếng rú ga của những chiếc xe phân khối lớn...

Có cô giáo chủ nhiệm đầu năm học nhận được một lá thư từ một học sinh khóa mới. Bức thư là tấm lòng của người ông ngoài 80 tuổi đang nuôi hai cháu nội ăn học. Ông chia sẻ, bố cháu vừa bị tai nạn lao động gãy 8 xương sườn, mẹ cháu đi xuất khẩu từ khi cháu thứ hai lên 3 tuổi, số tiền vay ngân hàng cho mẹ cháu đi giờ vẫn chưa trả được, vì mẹ cháu đã không quay lại... Chị lớn giờ đã lớp 10, đứa em vào lớp 5, cháu còn bị tim bẩm sinh không thể mổ... Ông là một nhà giáo về hưu, bố cháu cũng là giáo viên nhưng vì hoàn cảnh nợ nần mà phải đi làm ngoài, giờ thành ra vậy... Lẽ nào thế hệ thứ ba của một gia đình nghề giáo lại thất học?

Bức thư ấy gợi nhắc chuyện đau lòng của người mẹ làng xuất khẩu mấy năm về trước. Mẹ đi, hai chị em ở nhà với bố, nhưng bố đâu thay thế được mẹ. Con gái lớn lên cần mẹ như hoa cần nắng. Vậy mà mẹ đi mãi không về, bố say xỉn tối ngày, những ức chế, những khó khăn của tuổi 16 em biết nói cùng ai? Khi người ta tìm thấy em thì em đã không còn nữa, em tìm đến cái chết ngay trong phòng tắm nhà mình. Mấy ngày sau người ta thấy người mẹ ngồi gục bên nấm mồ mới, bà đốt nhiều quà cho con gái trong nỗi ân hận vô bờ...

Năm ấy, làng tôi cạn khô nước mắt! Trong cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49, có một học trò lớp 6 đã viết thư gửi mẹ mình, bức thư bày tỏ ước mơ được gặp mẹ. Vì sao mẹ bỏ con đi lâu thế? Mẹ bảo sang bên ấy kiếm tiền năm, sáu năm về làm nhà nhưng con vẫn ở nhà cũ cùng nội? Rồi mẹ không liên lạc với con và bố nữa... bố cũng bỏ đi làm xa, chỉ còn con với bà. Sao bố mẹ sinh con ra lại để con lại cho bà hả mẹ? Hôm Tết, con được dì Hằng đưa qua ngoại chơi, dì cho con xem hình mẹ trên facebook, mẹ thật đẹp. Rồi, dì chỉ người bên cạnh mẹ bảo là chồng mới của mẹ, bảo con đừng buồn vì mẹ sẽ gửi tiền về cho con... Nước mắt con đầm đìa theo, con không cần uống sữa ngoại như mẹ đã hứa nữa, con cũng chẳng cần nhà mới, chỉ cần mẹ thôi!

Có một người khách hôm kia thăm làng tôi, đang thong dong tản bộ, bỗng khách nghe tiếng la hét phía căn nhà cuối lối. Bàn chân khách bước dồn, rồi cảnh tượng đau lòng mở ra trước mắt, một thanh niên trẻ đang dãy dụa cố bứt mình khỏi mớ dây xích, ánh mắt hoang dại, bọt miếng nhễ nhãi...

- Con ơi nội thương con lắm, con gắng lên cai cho hết nghiện để làm lại cuộc đời...

Mái đầu bạc, bờ vai run rẩy cố vái tứ phương, khách đứng lặng người. Khi bóng đêm trùm lên làng mạc, bất giác khách nhìn thấy hình ảnh mái nhà xưa, tiếng bọn trẻ cười đùa, người mẹ đang bày biện bữa tối, người bố thi thoảng lại cơi bếp than hồng, lửa soi rõ từng gương mặt rạng ngời của họ! Giờ đây hình ảnh hạnh phúc đó chỉ còn lại là niềm mơ ước của nhiều người trong làng tôi.

Vương Ly

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.