Lỗ hổng pháp lý trong thực thi quyền nuôi con sau ly hôn

Chia sẻ

Thi hành án dân sự về giao con trong các án ly hôn là một trong những loại vụ việc gặp rất nhiều khó khăn bởi liên quan đến các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền trẻ em. Tuy nhiên, nhiều vụ việc thi hành án gặp khó khăn do những vướng mắc về luật và tâm lý của trẻ.

Lỗ hổng pháp lý khiến cho việc thi hành án gặp khó khăn

Chị N.T.K đơn phương ly hôn chồng năm 2020. TAND huyện quyết định giao con gái 4 tuổi cho chị K nuôi, còn chồng chị nuôi dưỡng con trai 10 tuổi. Tuy nhiên, bức xúc về việc vợ đơn phương ly hôn, chồng chị không giao con theo bản án, tìm mọi cách để ngăn cấm chị thăm nuôi, chăm sóc con. Sau nhiều lần đề nghị không thành, chị K đành phải làm đơn ra thi hành án cấp huyện đề nghị can thiệp, cưỡng chế giao con. Song hơn 1 năm trôi qua, chồng chị vẫn chưa giao con cho chị nuôi dưỡng.

Một trường hợp khác là chị T cho biết, đã hơn 4 năm nay, chị theo đuổi vụ việc thi hành án đòi quyền nuôi con theo quyết định của toà án nhưng vẫn chưa có kết quả. Năm 2016, vợ chồng chị T ly hôn. Do con chung mới 16 tháng tuổi, Toà giao con cho chị T trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, chồng chị âm thầm đón con về quê, sau đó “cấm cửa” chị không được thăm đón con. Chị T đã làm đơn đề nghị chính quyền địa phương và ban chỉ đạo thi hành án cưỡng chế, song do vướng mắc pháp lý nên đến nay, vụ việc vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.

Tại hội thảo “Trẻ em trong thi hành án ly hôn: thực trạng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển RED phối hợp với Trung tâm trẻ em và phát triển, công ty TNHH luật Trường Lộc tổ chức ngày 8/1, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, công ty TNHH luật Trường Lộc cho biết, câu chuyện của cô bé 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành đến tử vong gây rúng động dư luận thời gian vừa qua là một minh chứng điển hình cho những tổn thương nghiêm trọng của trẻ sau khi bố mẹ ly hôn.

Trong nhiều vụ việc bố mẹ tranh chấp quyền nuôi con, nhiều người phải thi hành án nhưng không chịu tự nguyện giao con cho người được quyền nuôi dưỡng, thường xuyên gây khó khăn hoặc cố tình trì hoãn việc thi hành án. Khi cơ quan thi hành án dân sự, chính quyền địa phương đến nhà giải quyết thì họ đã cho đứa trẻ tránh đi nơi khác, dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án. Không ít trường hợp khi tổ chức các buổi làm việc giao con theo kế hoạch đã thống nhất thì đôi bên giằng co nhau, không chịu giao con.

Mặt khác, ở một số vụ việc, cơ quan thi hành án gặp khó khăn do bất cập về phạm vi thực hiện vượt ra ngoài thẩm quyền nếu người được thi hành án không nằm trên địa bàn thi hành án giải quyết; quy định của pháp luật về thi hành án dân sự chưa hoàn thiện khiến nhiều bản án không được thực thi.

Theo luật sư Tuấn, việc trao con được xếp vào nhóm thi hành án hành vi nên cơ quan thi hành án không thể ép buộc, cưỡng chế bàn giao con vì sợ ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Đây là vấn đề khó cho cơ quan thi hành án. Bởi có nhiều vụ án, khi chính quyền địa phương, cơ quan thi hành án đến giải quyết, hoặc cưỡng chế giao con thì trẻ lo sợ và la khóc, không muốn về nhà với mẹ/bố khiến nhiều trường hợp rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”…

Lỗ hổng pháp lý trong thực thi quyền nuôi con sau ly hôn - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Đừng làm tổn thương con trẻ sau các vụ ly hôn

Luật sư Tuấn cho rằng, luật thi hành án hiện nay đang có lỗ hổng khiến nhiều người lợi dụng để không thực hiện thi hành án các bản án sau ly hôn. Đối với quyền thăm nuôi con, luật không quy định cụ thể về việc thời gian thăm nuôi, địa điểm, cách thăm nuôi như thế nào, khiến cho người còn lại dễ “làm khó”; ngay cả các quy định về cấp dưỡng cũng chưa chặt chẽ. Hiện nay, tại các cấp quận, huyện, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo thi hành án với rất nhiều thành viên là công an, luật sư, phụ nữ, thanh niên… song đây lại là công tác phối hợp, nên người thực hiện vẫn chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình, khiến cho việc thi hành án chưa thực sự quyết liệt.

Do đó, để thi hành án dân sự về giao con theo án được thuận lợi và đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị, từ giai đoạn thuyết phục đến khi áp dụng biện pháp cưỡng chế. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung những quy định về xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền của chấp hành viên khi thực hiện thi hành án, bởi hiện nay, mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự đối với các hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án chưa có sự thống nhất.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Phương Nhung cho rằng, việc thực thi thi hành án chậm sẽ khiến cho phụ nữ, trẻ em thiệt thòi. Trong các vụ ly hôn, người tổn thương nhất chính là con trẻ. Do đó, trong quá trình xét xử cũng như thi hành án, cần thực hiện tốt công tác hoà giải, thuyết phục các bên đương sự tự nguyện giao nhận con, hạn chế tối đa thi hành cưỡng chế việc giao con, ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi phải chứng kiến cảnh giằng co, tranh giành giữa bố và mẹ.

Chia sẻ về vấn đề bảo vệ trẻ, bà Phí Mai Chi, nhà sáng lập và thể nghiệm các ý tưởng về quyền trẻ em khẳng định, bên cạnh các biện pháp về pháp luật, cần có những giải pháp hỗ trợ tâm lý cho trẻ, giám sát và bảo vệ trẻ sau khi bố mẹ ly hôn, giúp trẻ ứng phó với những tình huống không mong muốn như bị bạo lực, xâm hại…

HỒNG NGHỆ

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.