Lựa chọn đúng đắn

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuộc sống nơi đất khách quê người đầy vất vả, lo toan nhưng chị Nhung chưa bao giờ hối hận vì quyết định xa nhà, xa quê gần 2 năm trước.

Gia đình anh Tuấn và chị Nhung sống trong một căn phòng trọ nhỏ nằm khuất sau những dãy nhà cao tầng, nơi mà hiếm khi có ánh nắng mặt trời lọt vào. Cả hai vợ chồng làm công nhân trong một khu công nghiệp, thu nhập từ công việc nhà máy không đủ để họ sống một cuộc sống thoải mái hay để dành dụm cho tương lai.

Mỗi buổi sáng, khi bình minh ló rạng, chị Nhung đã thức dậy, chuẩn bị bữa sáng đơn giản, bát mì tôm hay đĩa cơm rang… rồi đánh thức hai đứa trẻ. Con trai lớn, bé Huy, 6 tuổi, đến trường tiểu học cách nhà trọ không xa, còn bé Lan, mới 2 tuổi, thì được gửi tại nhà trẻ gần chỗ làm.

Với thu nhập hơn 10 triệu đồng, chị Nhung tính toán kỹ lưỡng từng đồng nhưng vẫn chật vật để trang trải cuộc sống. Nào tiền thuê nhà, tiền học cho con và chi tiêu ăn uống, cứ đến ngày 20 hàng tháng là không biết xoay ở đâu. Trước cảnh thiếu thốn, anh Tuấn chạy thêm xe ôm công nghệ từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm mỗi ngày, nhờ vậy cuộc sống gia đình mới tạm ổn.

Hàng ngày, sau khi tan ca, anh Tuấn đến trường đón con, trong khi chị Nhung tranh thủ mua ít thức ăn ở chợ để chuẩn bị bữa tối thật nhanh chóng. Cả gia đình quây quần bên nhau, dù bữa ăn chỉ toàn những món ăn đơn giản nhưng niềm vui và tiếng cười của các con làm họ quên hết mệt nhọc. Anh Tuấn ăn xong cơm tối cùng vợ con lại vội vàng đi chạy xe đến nửa đêm.

Lựa chọn đúng đắn - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cuộc sống vất vả lo toan là thế nhưng chị Nhung chưa từng hối hận với lựa chọn của mình. Trước khi chuyển vào Nam, vợ chồng chị Nhung từng sống chung với bố mẹ chồng. Tuy nhiên, do những bất đồng về quan điểm và lối sống, chị Nhung thường xuyên phải chịu đựng cảnh soi mói và ghét bỏ của mẹ chồng. Không chịu được cuộc sống đầy áp lực, mệt mỏi, chị bàn bạc với chồng chuyển vào Bình Dương để lập nghiệp.

Anh Tuấn ban đầu cũng có chút đắn đo, nhưng vì thương vợ và công việc ở nhà máy lương ba cọc ba đồng, lại hay nghỉ gián đoạn nên anh đồng ý theo kế hoạch của vợ. Cả hai vợ chồng hy vọng có thể xây dựng một cuộc sống độc lập và hạnh phúc hơn cho gia đình nhỏ của mình ở một vùng đất mới, cho dù là khó khăn chồng chất khó khăn.

Thấy vợ chồng con trai bất ngờ báo muốn chuyển đi xa để làm ăn và sinh sống, mẹ anh Tuấn phản đối gay gắt. Nhà anh Tuấn có ba anh em trai, người anh cả đang ở Sài Gòn, cậu út chưa lập gia đình nhưng đang làm việc ở trên thành phố. Từ trước đến nay, bà vẫn nghĩ rằng chỉ có vợ chồng anh Tuấn làm công nhân, ổn định cuộc sống ở quê nên sẽ ở cùng với ông bà. Bởi vậy, khi nghe quyết định của anh Tuấn, bà đã rất sốc. Tuy nhiên, cho dù bà có tỏ thái độ thế nào thì vợ chồng anh Tuấn vẫn quyết tâm đi bằng được.

Đúng là khi sống xa nhà, chị Nhung không còn phải chịu cảnh “mẹ chồng - nàng dâu”. Thế nhưng, lại đối mặt với vô vàn khó khăn, vất vả ở nơi đất khách quê người. Thời gian làm việc dài, cộng thêm việc chăm sóc hai đứa trẻ nhỏ, khiến hai vợ chồng ít thời gian dành cho nhau. Họ bắt đầu cảm thấy cô đơn giữa một thành phố đông đúc, nơi mọi người đều quá bận rộn với cuộc sống của riêng mình. Đôi lúc, chị Nhung nhớ nhà, nhớ bố mẹ chồng dù họ đã từng không đối xử tốt với chị.

Một ngày, khi đi làm về, anh Tuấn thấy vợ mình ngồi trong góc phòng trọ, mắt đỏ hoe. Sau nhiều lần thủ thỉ, chị Nhung mới chia sẻ với chồng về nỗi nhớ nhà và áp lực từ cuộc sống. Anh Tuấn, dù không giỏi lời, nhưng anh biết mình cần phải làm điều gì đó để thay đổi tình hình. Anh tìm hiểu từ một số người quen mối nhập hàng để chị Nhung bán hàng online trong hội nhóm. Ban đầu chị chỉ làm cộng tác viên, nhưng sau đó bán được nhiều đơn, chị tự nhập hàng về bán. Số đơn ngày một nhiều, doanh thu cũng tăng lên nên chị Nhung quyết định nghỉ làm, ở nhà bán hàng online. Anh Tuấn ban ngày đi làm ở nhà máy, tối cũng nghỉ chạy xe để giúp vợ bán hàng.

Sau khoảng hơn 1 năm buôn bán, thu nhập cải thiện nên cuộc sống của gia đình anh Tuấn, chị Nhung cũng đủ đầy hơn nhiều. Anh chị chuyển qua một khu trọ mới rộng rãi hơn, mua sắm nhiều đồ dùng hiện đại. Cho dù ít gọi điện trò chuyện với mẹ chồng nhưng chị Nhung thỉnh thoảng lại gửi quà, vitamin bồi bổ sức khỏe cho bố mẹ chồng.

Lựa chọn đúng đắn - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một hôm khi đi nhập hàng về, chị Nhung bất ngờ khi thấy anh trai chồng và mẹ chồng đang đứng ở cửa khu trọ. Chị Nhung không tin nổi vào mắt mình, vì chị không nghe nói là mẹ chồng vào chơi. Thấy chị Nhung lúng túng vì bất ngờ, mẹ chồng lên tiếng trước: “Mẹ vào chơi hai hôm trước, nay anh nghỉ nên mẹ bảo tranh thủ chở đến đây xem con ăn ở thế nào? Thằng Tuấn nó cũng không biết mẹ vào đâu”.

Khi anh Tuấn cùng hai đứa nhỏ đi học, đi làm về, thấy mẹ vào chơi thì mừng rỡ vô cùng. Mấy bà cháu vui vẻ, ríu rít trò chuyện rộn ràng cả xóm trọ. Chị Nhung giữ mẹ chồng ở lại chơi mấy hôm nhưng bà muốn về Sài Gòn ngay sau bữa cơm tối. Trong khi chị Nhung đang dọn dẹp dưới bếp, mẹ chồng đứng bên thủ thỉ: “Mẹ vào nhìn thấy gia đình con như này cũng thấy yên tâm phần nào. Chứ cứ như năm ngoái, tiền ăn, tiền mua sữa cho con còn không đủ thì làm sao trụ được ở nơi này. Từ lúc hai đứa chuyển đi, mẹ cứ day dứt mãi, nếu như mẹ đỡ khắt khe với con hơn thì có lẽ cuộc sống đã không vất vả như vậy. Mẹ đã thay đổi suy nghĩ rồi, nếu lúc nào thấy mệt mỏi quá thì cứ về nhà nhé. Lúc nào bố mẹ ở nhà cũng mong nhà con về”.

Nghe những lời mẹ chồng nói, chị Nhung cảm động lắm, mắt rưng rưng không nói nên lời. Chưa bao giờ chị nghĩ có lúc mẹ chồng lại thay đổi thái độ với mình đến như vậy. Chị nói: “Con xin lỗi mẹ, vì bọn con đột ngột chuyển đi xa mà không ở nhà chăm sóc bố mẹ được. Trước đây con cũng có nhiều điều không phải, mong mẹ bỏ qua cho con ạ. Chúng con ở đây cũng đang tạm ổn, công việc buôn bán cũng đang thuận lợi nên cố gắng ở đây làm ăn kinh tế. Khoảng 5-7 năm nữa bọn con cũng sẽ về quê mẹ ạ”.

Mẹ chồng, nàng dâu nhìn nhau mỉm cười. Anh Tuấn ngồi bên bàn trà nhìn thấy hình ảnh ấy cũng vô cùng hạnh phúc và thấy nhẹ lòng hơn bao giờ hết.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.