Luồng gió mới cho hôn nhân bị ... "lỗi"

Chia sẻ

Cuộc sống vật chất đủ đầy, vợ chồng thành đạt, con cái ngoan ngoãn nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn thấy hôn nhân nhàm chán, bất ổn. Hạnh phúc bỗng chốc đứng bên bờ vực thẳm, nhưng mỗi người vợ, người chồng vẫn không hiểu được hôn nhân của mình bị “lỗi" ở đâu.

Bình yên mà vẫn không cảm nhận được hạnh phúc?

Phiên tòa xử ly hôn của vợ chồng anh Trần Duy V (Cầu Giấy, Hà Nội) diễn ra nhanh chóng bởi cả hai đều chung mong muốn chia tay, và đã đồng thuận trong các thỏa thuận chia tài sản, chia con cái trước khi ra tòa. Họ cũng từ chối yêu cầu sống hòa giải, hay bất cứ động thái hàn gắn lại nào từ phía tòa án cũng như người thân hai bên gia đình. Lý do mà cả hai muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân này là mỗi người đều không cảm nhận được hạnh phúc, tình cảm vợ chồng đã "nhạt nhòa" lâu nay. Điều họ có thể nói với người thân sau khi kết thúc phiên tòa là sau ly hôn, họ vẫn là bạn tốt của nhau, cùng phối hợp để nuôi dạy con cái trưởng thành, giữ mối quan hệ tốt đẹp với hai bên gia đình.

Những người quen biết vợ chồng anh V đã rất ngạc nhiên khi biết họ ly hôn. Bởi từ lâu, cuộc hôn nhân của anh chị vẫn là "kiểu mẫu" trong mắt nhiều người. Hai vợ chồng đều thành đạt, cuộc sống khấm khá, hai đứa con ngoan, học giỏi. Nhìn tổng thể, cuộc hôn nhân của họ hội tụ cả điều kiện "cần" và "đủ", vậy mà đổ vỡ thì không thể hiểu nổi. Thế nhưng, cả anh và chị đều thú nhận, họ không cảm thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân đó, tình cảm vợ chồng thay vì thêm gắn bó thì cứ rời rạc, đến mức họ thấy "sống mòn" bên nhau. Ở tuổi sung mãn để tận hưởng niềm hạnh phúc, họ không muốn phải đeo đẳng cảm giác "sống mòn" ấy.

Người thân khuyên anh chị nếu ly hôn thì chỉ khổ hai đứa trẻ. Và rồi, liệu họ có tìm được hạnh phúc khi tái hôn, hay lại rơi vào cảnh "đứng núi này trông núi nọ". Thế nhưng, anh lý giải, từ rất lâu vợ chồng giống như hai đường thẳng song song đặt cạnh nhau.

Họ chẳng giao nhau ở một điểm như trước đây nữa. Mỗi ngày, anh chị trở dậy đến công sở, con cái ở nhà học online hay đến lớp đều có giúp việc đưa đón, họ chỉ quan tâm và giám sát con trên điện thoại. Ai cũng có vị trí trong cơ quan nên bận rộn với vai trò lãnh đạo của mình. Đã lâu rồi, cả anh và chị đều không quan tâm đến thời gian biểu của nhau, thậm chí, họ còn không để ý xem hôm nay ai về nhà muộn, hay sớm hơn đối phương. Ngày nghỉ, mỗi người theo đuổi sở thích cá nhân khác nhau, không thì bận rộn với các quan hệ xã giao trong công việc.

Lâu lâu, vợ chồng thiết kế một chuyến dã ngoại, mua sắm để các con xả hơi, rồi lại tiếp tục với quỹ đạo của cuộc sống bận rộn. Sự bình yên ấy khiến họ xa nhau dần, chị chẳng cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc của chồng, bên kia anh cũng không còn bị thu hút bởi người phụ nữ của mình. Sự kết nối duy nhất trong phòng ngủ, họ cũng làm cho xong nghĩa vụ.

Cuộc sống bình yên nhưng trong tâm hồn cả hai đều thấy bức bối, ngột ngạt về nhau. Quyết định ly hôn được họ đồng thuận, xem như đó là giải pháp tốt nhất cho cả hai trong thời điểm này.

Sự nhàm chán trong tình cảm vợ chồng là “dấu hiệu” báo động hôn nhân cần luồng gió mới để hạnh phúc trở lại	 ảnh minh họaSự nhàm chán trong tình cảm vợ chồng là “dấu hiệu” báo động hôn nhân cần luồng gió mới để hạnh phúc trở lại  (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu hôn nhân cần luồng gió mới

Những cuộc hôn nhân bình yên nhưng không hạnh phúc như vợ chồng anh V không còn hiếm trong cuộc sống hiện đại. Nhu cầu cuộc sống, công việc khiến mỗi người xa dần sự kết nối tình cảm với đối phương, nhưng lại không biết cách làm mới, thắp lại lửa tình trong hôn nhân. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người chồng, người vợ bị hấp dẫnbởi một sự quan tâm ấm áp từ bên ngoài.

Theo tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân - Dr Pepper, chuyên gia tư vấn, trị liệu tâm lý (giảng viên chính của Vương quốc Hạnh phúc, tại TP Hồ Chí Minh), dấu hiệu cho thấy thời điểm hôn nhân cần luồng gió mới đó là khi vợ chồng ít nhìn và chạm vào nhau. Thông thường, càng nhìn nhau, chạm nhau mình sẽ càng yêu nhau, nhưng đã bao lâu rồi bạn và người ấy ít nhìn sâu vào mắt nhau âu yếm, ít ôm nhau vì cảm thấy xa cách. Đó là khi bạn thường xuyên so sánh bạn đời với người khác; trong chính suy nghĩ của mình hoặc nặng hơn là trong lời nói, mình hoặc người ấy thường so sánh bạn đời của mình sao không bằng người này, người kia.

Tiến sĩ Huyền Trân cho rằng, việc vợ chồng không có thời gian dành cho hẹn hò cũng khiến hôn nhân có thể bị nguội lạnh, và cần phải thổi thêm luồng gió mới. Bình thường trong cuộc sống, vợ chồng sẽ bị cuốn theo vòng xoáy trách nhiệm và con cái, công việc đến mức xem việc cưới nhau rồi là hiển nhiên không cần chăm sóc hôn nhân. Hẹn hò trở thành điều xa xỉ đối với vợ chồng từ lúc nào.

Bên cạnh đó, trong cư xử với nhau hàng ngày, việc hay nhắc lại những lỗi lầm như không tha thứ được những lỗi sai của đối phương trong quá khứ dù đã quyết định đi tiếp và làm lại cùng nhau. Mỗi lần tranh cãi, lại lấy chuyện cũ ra chỉ trích lẫn nhau… Những điều này cứ ngỡ là mâu thuẫn bình thường nhưng nó lại trở thành "dấu hiệu" khiến tình cảm vợ chồng lụi tàn nếu nó cứ tiếp diễn liên tục.

Khi vợ chồng cảm thấy mệt mỏi mỗi lần nghĩ về bạn đời cũng là một "dấu hiệu" cảnh báo trong hôn nhân. Khi mà nghĩ về người ấy, mình không cảm nhận được sự ấm áp và an toàn, thay vào đó là sự lo lắng, mệt mỏi vì những tổn thương người ấy gây ra cho mình, hoặc cảm giác thất vọng. Nếu bạn ở trong trạng thái ấy đã đến lúc hôn nhân hay chính trái tim bạn cần một liều thuốc để chữa lành, để làm mới lại.

Để giữ hạnh phúc hôn nhân, vợ chồng không chỉ cần quan tâm, chăm sóc cho nhau trong đời sống vật chất, mà còn cần phải vun đắp đời sống tinh thần, lắng nghe và chia sẻ tâm tư của bạn đời. Bởi một khi vợ chồng ngừng việc chia sẻ, lắng nghe nhau, không có những động thái làm mới tình cảm thì sẽ tạo nên một cuộc hôn nhân có bề mặt phẳng lặng, nhưng bên trong lại cuồn cuộn sóng ngầm, có thể dâng lên đổ vỡ bất cứ lúc nào.

THU VÂN

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.