Ly thân để… cứu vãn hôn nhân?

Chia sẻ

PNTĐ-Khi hôn nhân “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” nhiều cặp vợ chồng chọn ly thân thay vì ly hôn. Nhưng có cứu vãn được tình thế?

 
Ly thân để… cứu vãn hôn nhân? - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Không tìm được tiếng nói chung trong chuyện tình cảm, vợ chồng anh Lê Tiến (Hà Nội) lựa chọn cuộc sống ly thân như một giải pháp tạm thời để cả hai cùng bình tĩnh, sáng suốt tìm hướng giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, hiệu quả chẳng những không như mong muốn mà khoảng cách giữa vợ chồng anh ngày càng lớn hơn.
 
Suốt 2 năm trời, dù không to tiếng, nặng lời với nhau nhưng vợ chồng anh Tiến như hai người xa lạ. Ăn cơm cùng mâm, ngủ cùng phòng mà cả hai “đồng sàng dị mộng”. Hôn nhân “chăn lạnh gối tàn”, anh chị mỗi người tự tìm một chỗ dựa, nguồn vui bên ngoài cho bản thân. Đêm đến, hai vợ chồng nằm quay lưng vào nhau, trên tay mỗi người cầm một chiếc điện thoại, mải mê nhắn tin trò chuyện với người khác.
 
Anh Tiến và vợ biết rõ những mối quan hệ “ngoài vợ, ngoài chồng” của nhau, nhưng vẫn giữ im lặng, không có phản ứng hay hành động nào nhằm hàn gắn “vết rạn” trong hôn nhân. Họ chỉ cố gắng duy trì mối quan hệ vợ chồng “hờ hững” có cũng như không này, và giữ một “tổ ấm” tượng trưng vì con cái. Tuy nhiên, dù cố gắng tới đâu vợ chồng anh Tiến cũng không thể tránh khỏi cảm giác bức bối khi phải sống trong hôn nhân “tạm bợ”, bỏ thì thương, vương thì tội.
 
Khi biết chồng có tình nhân bên ngoài, chị Mai Anh (Thạch Thất, Hà Nội) quyết định tạm thời sẽ sống ly thân với chồng. Nhà không đủ rộng, kinh tế lại eo hẹp nên chị và chồng phân chia ở theo tầng. Làm vậy, phần vì chị muốn trừng phạt chồng, phần khác chị coi đây là cơ hội để cả hai cùng suy nghĩ, xây dựng hạnh phúc gia đình. Có điều sau khi sống ly thân, chồng chị xem như hôn nhân của họ chấm dứt hoàn toàn.
 
Chẳng những không quan tâm, bỏ mặc 3 mẹ con chị tự xoay xở với cuộc sống mưu sinh, chồng chị nghe đâu còn “trăng gió” bên ngoài. Hôn nhân biến thành bi kịch và chỉ còn ý nghĩa về pháp lý. Nhưng chị vẫn chấp nhận suốt 4 năm qua bởi lo sợ các con bị tổn thương khi phải sống cảnh gia đình ly tán, và ấp ủ hy vọng hôn nhân sẽ được cứu vãn. Song, sống trong hoàn cảnh đó, hai con chị trở nên trầm cảm, tự ti…
 
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhất là những gia đình trí thức thành thị, xu hướng ly thân ngày càng trở nên phổ biến. Vì không muốn đổ vỡ ngay để tránh tổn thương cho con cái và ảnh hưởng đến danh dự, địa vị đang có nên khi hôn nhân gặp vấn đề trầm trọng, nhiều cặp vợ chồng lựa chọn ly thân thay vì ly hôn.
 
Nếu giải pháp này được các cặp vợ chồng nhìn nhận một cách nghiêm túc, từ đó cố gắng hàn gắn lại hạnh phúc gia đình là rất tốt. Đã có rất nhiều cặp vợ chồng sau khi ly thân, họ biết nhìn nhận lỗi lầm của mình, biết bỏ qua lỗi của nhau; nhận ra vai trò, trách nhiệm của mỗi người với gia đình, những hệ lụy của ly hôn… nên nỗ lực tìm giải pháp vun đắp hạnh phúc gia đình, hàn gắn lại đổ vỡ.
 
Nhưng ly thân cũng là thời gian thử thách của hôn nhân. Nếu hai vợ chồng chỉ ngồi đó và chờ đợi tình yêu tự “ấm” trở lại, hôn nhân tự tốt đẹp… thì điều đó sẽ không xảy ra. Do xa cách, nhiều người chồng/ vợ sẽ thấy tự do, cho phép mình thoải mái tham dự các cuộc vui, thiết lập các mối quan hệ mới… Khi đó, rất khó để người vợ/ chồng quay trở lại, yêu thương bạn đời của mình. Chưa kể, khi ly thân hoàn toàn, đóng kín cánh cửa giao tiếp thì mâu thuẫn trong hôn nhân chỉ chìm xuống chứ không được giải quyết. Cuộc sống vợ chồng bởi vậy cũng trở nên bức bối, cô đơn hơn, nhất là người gánh trọng trách nuôi con hay áp lực kinh tế.
 
Mục đích của ly thân là giảm bớt những mâu thuẫn, xung đột gay gắt hiện tại, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Đây là khoảng thời gian để vợ chồng nhìn nhận lại mối quan hệ, tha thứ, khắc phục lỗi lầm để củng cố hôn nhân bền vững hơn. Bởi vậy, khi chọn ly thân, các cặp vợ chồng phải suy nghĩ thấu đáo, cân nhắc, lường trước được thiệt hơn và có kế hoạch cụ thể.
 
Đừng bao giờ nghĩ ly thân là bước đệm của ly hôn. Hãy nắm lấy “khoảng lặng” của hôn nhân này và “yêu lại từ đầu” bằng cách quan tâm, bao dung, tha thứ, hâm nóng tình cảm vợ chồng. Nếu trong trường hợp mọi nỗ lực không thể cứu vãn được hôn nhân thì ly hôn có thể là giải pháp tốt cho cuộc hôn nhân tồi.
 
 
Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.