Mẹ chồng là tri kỷ

Chi Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.

Mẹ chồng là tri kỷ - ảnh 1
Mẹ chồng chị Nhung (bên trái) cùng mẹ đẻ (bên phải) trong ngày sinh nhật cháu trai.

Mẹ cũng từng làm dâu nên mẹ hiểu
4 năm ở nhà chồng, điều đọng lại rõ nét nhất về mẹ chồng với chị Nhung là mẹ cực kỳ giản dị. Bà luôn nói “không” với những bộ đồ đắt tiền, ưa chuộng những bộ cánh đơn giản vì muốn tiết kiệm cho con, cho cháu. “Hỏi thì bà bảo rằng, sự vất vả, cố gắng của bố mẹ ngày hôm nay chỉ để đổi lại cuộc sống vui vẻ, đầy đủ và hạnh phúc cho con cháu sau này. Cuộc sống này luôn thay đổi, chỉ cần một phút sơ suất thôi cũng đủ đẩy mình vào hoàn cảnh khác, nên nếu có thể thì hãy biết tiết kiệm và dành dụm một chút”.

Mẹ chồng chị Nhung là giáo viên. “Bà chịu thương, chịu khó lắm. Có những ngày, khi cả nhà đã đi ngủ, mình dậy pha sữa cho con mà vẫn còn ánh điện mẹ làm việc, mắt đeo kính, đôi bàn tay gõ bàn phím máy tính soạn giáo án, bài giảng cho ngày hôm sau lên lớp. Ở lớp, ở trường, mẹ là một bà giáo, nhưng sau khi về nhà mẹ lại đóng vai một người nông dân thực thụ. Tan làm, tháo bỏ chiếc áo dài cách tân, đôi giày cao gót, chiếc cặp sách là bà lại đội nón, mặc áo chống nắng, tay cầm liềm vai vác cuốc, ra vườn chăm bón để con cháu có rau sạch ăn” - chị Nhung kể.

Ở nhà bố mẹ đẻ, chị Nhung là con út, được chiều chuộng hơn nên việc nhà ít khi phải làm. Đến khi lấy chồng vẫn còn nhiều điều vụng về, nhưng mẹ chồng chị không hề la mắng, chê bai. Chỗ nào con dâu chưa hiểu, món nào chưa biết nấu là bà tận tình chỉ bảo, sao cho hợp với khẩu vị gia đình. Trong những kỷ niệm ùa về, chị Nhung nhớ những ngày tháng mang thai, cơ thể mệt mỏi. Lúc ấy, ngày nào cũng có bóng dáng mẹ chồng trước cửa phòng, khi là dặn dò, lúc là bê vào cho con dâu món này, món nọ. Hay đơn giản chỉ là những cuộc gọi chỉ để nhắc nhở ăn uống đúng giờ và đỡ mệt chưa.

 “Ngày mình đi sinh cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phải cách ly, mẹ không vào chăm mình được. Khi về nhà, như để bù đắp cho con cháu, mẹ thay mình chăm cháu suốt đêm. Nhờ thế mà mình nhanh khỏe lại”- chị Nhung chia sẻ.

Đến giờ, khi cuộc sống gia đình đã bắt đầu có của ăn của để, mẹ chồng chị Nhung vẫn giữ thói quen sống giản dị và tiết kiệm. “Nhiều lúc, vợ chồng cũng muốn đưa mẹ đi đó đi đây, hay đơn giản là đi ăn nhà hàng một bữa, nhưng bà cứ chối khéo. Thôi thì chỉ mong mẹ chồng mạnh khỏe, sống vui với con cháu và đặc biệt hai mẹ con vẫn luôn yêu thương nhau là được”.
Số phận gắn mẹ con mình với nhau 
Chị Thùy Linh (phường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng) vẫn được bạn bè thầm khen ngợi là người đàn bà cứng cỏi, vững vàng. Vì với một người vợ, khi chồng mình đột ngột ra đi, không phải ai cũng vượt qua được nỗi đau tinh thần như chị. Trước những lời khen ngợi ấy, chị Linh thừa nhận rằng, nếu không có mẹ chồng ở bên, chắc chắn chị đã không được như thế, thậm chí còn chẳng làm nổi điều gì.

“Ngày ấy, cưới nhau được 1 tuần, chồng tôi đi học tiếp chương trình cao học xa nhà. Tôi ôm gối xuống ngủ với mẹ trên chiếc giường kê song song với giường của bố. Lúc đó, bố tôi đã ốm nặng lắm rồi. Mẹ chồng tôi vừa dạy học, vừa chăm bố vừa nuôi chồng và em chồng tôi ăn học. Bận bịu thế, vất vả thế nhưng mẹ tôi không một tiếng than phiền mà chăm chút bố từng li, từng tí. Mẹ bảo, bố xứng đáng được nhiều hơn thế, bởi bố đã bao năm lo lắng, bao bọc và chở che cho gia đình rồi. Ba tháng sau đó, bố qua đời. Mẹ tôi lặng lẽ chu toàn hậu sự cho bố. Bà không khóc, nhưng ánh mắt buồn đến xót xa”- chị Linh nhớ lại.

Cũng từ đó, bao tình thương yêu, mẹ chồng chị Linh dồn hết cho các con và cho những đứa cháu lần lượt ra đời. Mẹ sắp xếp, trang hoàng mọi vị trí trong nhà, đi chợ nấu cơm, trông cháu cho con dâu đi làm. Đặc thù công việc ngành y khiến chồng chị Linh có ít thời gian ở nhà, nên cuộc sống hàng ngày mấy mẹ con, bà cháu quấn quýt với nhau là thế. 

“Nhưng, số phận cứ như trêu đùa với mẹ con tôi. Mọi điều đẹp đẽ mà mẹ cố gắng dựng xây đã sụp đổ khi chồng tôi ra đi. Mẹ lại một lần nữa nuốt nước mắt vào trong... Chúng tôi đã đi qua những tháng ngày thật khó khăn, tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng”- chị Linh nhớ lại. 

Rồi mấy mẹ con bà cháu quyết định mua một căn hộ ở chung cư đối diện và cho thuê căn nhà đang ở. “Tôi cứ ngỡ sẽ không thể chia xa được những góc nhỏ trong căn nhà, nơi mang đầy kỷ niệm của người chồng thương yêu. Nhưng chính mẹ đã mang cả kỷ niệm ở căn nhà cũ về căn nhà mới. Không có cảm giác xa lạ mà tôi còn thấy thật gần gũi và ấm áp”- chị nói.

Mẹ chồng chị đã thực sự trở thành trụ cột, vực lại tinh thần cho con dâu. Nhờ có mẹ chồng, chị Linh cảm thấy dần trở lại yêu cuộc sống. Chị yêu mỗi buổi sáng hai mẹ con ngồi đối diện nhau, cùng nhau nhâm nhi tách cà phê trong tiếng piano còn non nớt của các con. Dù cuộc sống khuyết thiếu người đàn ông trụ cột trong gia đình, nhưng ngôi nhà có bàn tay mẹ, lúc nào cũng ấm áp.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.