Mẹ chồng tôi

Chia sẻ

Mẹ khiến tôi cảm phục không chỉ trong cách sống mẫu mực trong gia đình mà còn trong cách sống, ứng xử với những người xung quanh...

 
Tôi về làm vợ anh, làm con dâu của mẹ đã tròn 20 năm. Trong thời gian ấy, cuộc sống có biết bao những đổi thay, thăng trầm, nhưng sự yêu thương, chia sẻ trong gia đình tôi thì chưa bao giờ thay đổi. Món quà tinh thần vô giá ấy như sợi chỉ đỏ, như chất keo gắn kết gia đình tôi luôn gần gũi bên nhau. Và tôi biết, người cầm cây kim xâu sợi chỉ đỏ tuy nhỏ bé nhưng bền chặt ấy chính là mẹ chồng tôi - mẹ Nguyễn Thị Minh Phúc (tổ 17b, phường Đức Giang, quận Long Biên, HN).
 
Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, trong một gia đình có bốn anh chị em. Là con gái thứ ba nên được bố mẹ chiều chuộng, việc lớn việc nhỏ trong nhà đã có bố mẹ và hai anh chị lớn làm đỡ nên đến khi lấy chồng, mẹ đẻ của tôi luôn lo lắng không biết tôi có liệu lo được công việc nhà chồng không? Bản thân tôi cũng thấy áp lực trước bổn phận làm dâu của mình.
 
Mẹ chồng tôi - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Minh Phúc

Nhưng mọi lo lắng của mẹ đẻ và của tôi đã tan biến khi tôi về làm dâu của mẹ. Điều tôi cảm nhận được đầu tiên sau ngày cưới là sự giản dị và thương yêu con cái từ mẹ. Dường như hiểu được sự lo lắng của tôi, ngày đầu tiên mẹ đã tâm sự với tôi rằng: “Mẹ chỉ có Tuấn Anh (chồng tôi) là niềm an ủi duy nhất. Mẹ thương Tuấn Anh bao nhiêu thì cũng sẽ thương con bấy nhiêu. Điều mẹ mong ở con là mang lại hạnh phúc cho con trai mẹ”. Tôi đã thực sự xúc động khi nghe những lời tâm tình ấy.
 
Về làm dâu, tôi vụng về đủ thứ nhưng mẹ không một lời trách móc hay xét nét như một số bà mẹ chồng khác. Mỗi khi nghe mọi người phàn nàn về chuyện mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, tôi lại thấy bản thân mình thật may mắn. Bởi đơn giản là tôi chưa một lần phải lâm vào hoàn cảnh như họ.
 
Từ những ngày đầu tiên, mẹ đã dạy tôi những điều cần thiết khi làm dâu, khi giỗ chạp thì phải ra sao, ngày lễ tết phải đi họ hàng thế nào. Mẹ dạy cho tôi từng ly từng tí như dạy con gái mẹ trước khi về nhà chồng. Hai lần sinh nở, bố mẹ đẻ ở xa, không có điều kiện vào chăm con, một mình mẹ chăm cho tôi từng bữa cơm, giặt từng chiếc tã cho cháu mà lúc nào cũng “vui như Tết”. Bao năm làm dâu, tôi chưa thấy mẹ có chút phân biệt nào đối với con dâu. Mỗi lần nhắc tới tôi với mọi người mẹ đều luôn miệng “Huyền nhà tôi”, nghe thật gần gũi và thân thương biết bao.
 
Chẳng những giúp đỡ tôi việc nhà mà trong công tác, tôi cũng được mẹ tạo điều kiện rất nhiều. Công việc Tổng phụ trách ở trường THCS Đức Giang khiến tôi khá bận rộn. Mỗi khi tôi đi sớm về muộn, mẹ luôn hiểu và thông cảm, thay tôi cơm nước và đón cháu đi học về. Nhiều khi chồng tôi không hài lòng, mẹ còn làm công tác tư tưởng, động viên để chồng hiểu công việc của vợ. Chính vì có sự “hậu thuẫn” của mẹ nên tôi có thời gian dành cho công việc nhiều hơn. Nhờ vậy mà hàng năm tôi liên tục đạt danh hiệu Tổng phụ trách giỏi cấp Quận, cấp Thành phố.  
 
Mẹ khiến tôi cảm phục không chỉ trong cách sống mẫu mực trong gia đình mà còn trong cách sống, ứng xử với những người xung quanh. Mỗi lần đi đến đâu, tôi cũng được nghe mọi người nhắc đến mẹ với sự kính trọng, khâm phục. Mẹ đã giúp cho chị Liên cùng xóm thoát nghèo khi được vay tiền làm ăn, giúp anh Tùng cai nghiện ma túy trở về với gia đình. Nghe họ âu yếm gọi mẹ là “người mẹ thứ hai” mà tôi không khỏi tự hào. Bao năm sống bên mẹ, tôi rút ra cho mình một điều rằng  trong mỗi gia đình đều có sự phức tạp nhưng nếu mọi thành viên biết sống vị tha, thật lòng yêu thương nhau thì mọi phức tạp đều được hóa giải hết.
 
Việt Linh
(ghi theo lời kể của cô giáo
Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên trường THCS Đức Giang, quận Long Biên)

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.