Tổng kết Cuộc thi “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XII-năm 2022:

Năng lực của phụ nữ là không giới hạn

NGUYỄN ANH THƯ 7201 Airport Road, Miami, Florida, Mỹ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sau hơn 2 tháng phát động, cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XII trên báo Phụ nữ Thủ đô, ngày 21/6, Hội LHPN TP Hà Nội, Báo Phụ nữ Thủ đô đã tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi. Cuộc thi thực sự là một sân chơi bổ ích nhằm lan tỏa những giá trị gia đình trong xã hội hiện đại, tôn vinh những giá trị bình đẳng giới và đề cao vai trò của phụ nữ luôn là người giữ lửa. Báo Phụ nữ Thủ đô trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết đạt giải Nhất của tác giả Nguyễn Anh Thư, hiện chị là người Việt Nam hiếm hoi trở thành phi công lái máy bay dân sự, sinh sống tại số 7201 Airport Road, Miami, Florida, Mỹ.

Năng lực của phụ nữ là không giới hạn - ảnh 1

Nhiều người thường nói, phụ nữ là phái yếu. Nhưng với tôi, phụ nữ có thể làm được mọi việc mà không phụ thuộc vào rào cản giới tính. Tôi tự hào vì hiện mình đang là nữ phi công lái máy bay Boeing 767 tại Mỹ.
Tôi đến Mỹ khi chỉ mới là một cô bé 12 tuổi. Tôi chỉ biết có vài câu tiếng Anh, không bạn bè, mọi thứ xung quanh đều hoàn toàn lạ lẫm. Với người nhập cư như chúng tôi, để hòa nhập được với môi trường mới đã khó, đừng nói đến việc sẽ khẳng định được vai trò, vị thế của mình ở nơi vốn chưa từng thuộc về mình. Nhưng, từ ngày đó, tôi đã nghĩ mình sẽ làm được. “Vũ khí” duy nhất giúp tôi làm được điều đó chính là tri thức. Vì thế, tôi đã lao vào học suốt ngày đêm. Năm đầu tiên đến trường, tôi được nhận sự trợ giúp của các giáo viên dành cho người nhập cư để giúp hòa nhập. Dần dần, 6 năm sau, tôi đã có thể nói tiếng Anh thành thạo như người bản xứ. Khi đã làm chủ ngôn ngữ, bằng sự kiên trì không chịu lùi bước của mình, tôi bắt đầu tăng tốc và thi đấu công bằng với các học sinh bản xứ khác. Sau đó, tôi đã tốt nghiệp thủ khoa bậc trung học phổ thông và được nhận học bổng tại đại học Purdue, bang Indiana.
Thành công bước đầu ấy đã khiến tôi càng tin rằng: Dù là nữ giới hay nam, người bản xứ hay nhập cư, bạn vẫn hoàn toàn có thể làm những điều bạn muốn chỉ cần cố gắng và nhẫn nại. Sau đó, tôi tiếp tục tốt nghiệp đại học và nằm trong nhóm 10 sinh viên xuất sắc nhất.
Có thể bạn nghĩ, với tôi vậy là đủ. Tôi sẽ kiếm công việc tốt với mức thu nhập ổn định và rồi lấy chồng, sinh con. Nhưng, tôi còn muốn mơ nhiều điều tuyệt vời hơn. Từ nhỏ, tôi đã mơ trở thành phi công vì tôi rất thích cảm giác được bay lượn trên bầu trời. Tuy nhiên, đạt được ước mơ này rất khó. Số nữ phi công trên toàn thế giới chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 6%. Ban đầu, gia đình tôi cũng không ủng hộ, còn bảo tôi viển vông. Nhà tôi hồi đó kinh tế vẫn rất khó khăn, trong khi học phí cho khóa đào tạo làm phi công ở Mỹ rất cao. Tôi đã tự nhủ: “Mình sẽ tự kiếm tiền để đóng học phí cho mình”. 
Và thế là, tôi đã đi làm thêm để tích lũy tiền. Hành trình học làm phi công của tôi do đó kéo dài hơn các học viên khác vì còn phụ thuộc vào số tiền làm thêm mà tôi có thể kiếm được. Nhưng không sao, miễn là cuối cùng, tôi cũng vẫn có thể chạm tay tới ước mơ của mình. 
Tôi còn nhớ thời đó, ngay cả trong lớp học đào tạo phi công của tôi, số học viên nữ cũng rất ít. Trong khi đó, tôi không chỉ là học viên nữ mà còn là phụ nữ gốc Á. Có giảng viên còn phải nghi ngại về sự hiện diện của tôi khi đó. Đơn giản vì học làm phi công đòi hỏi có sức khỏe, sự kiên trì, nỗ lực… Ngay cả người bản xứ còn ít người theo học được nữa là một phụ nữ gốc Á như tôi. Nhưng, tôi không chùn bước. Tôi tự thấy mình có thừa quyết tâm, đam mê, có sức khỏe và đặc biệt, tôi tin rằng, không có rào cản nào có thể ngăn phụ nữ tiến về phía trước.
Tuy nhiên, phải thừa nhận, khi thực sự bắt tay vào học mới thấy để trở thành một phi công thực sự vất vả, nó lấy đi của bạn rất nhiều mồ hôi nước mắt. Chỉ cần một chút lơ là của phi công có thể lấy đi tính mạng của biết bao người. Ngày đi làm kiếm tiền, tối tôi lại vùi đầu vào sách vở để học lý thuyết. Sau đó, mỗi khi có thời gian rảnh, tôi lại đăng ký bay thực hành. Trung bình một năm, có khoảng trên 1.000 người đăng ký học làm phi công thì ngay sau môn học đầu tiên chỉ còn khoảng 4-5% người trụ lại, số còn lại sẽ từ bỏ. Đến khi có được chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế chỉ dành cho những ai có “tinh thần và ý chí thép”. Và, tôi tự hào là một trong số đó. Năm 2017, tôi  vinh dự trở thành giảng viên bay xuất sắc của Hiệp hội Phi công và Người sở hữu máy bay tại Mỹ. Hiện nay, tôi đang là phi công nữ lái máy bay Boeing 767.
Trong quá trình học làm phi công và làm việc sau này, điều tôi còn trăn trở là tỉ lệ phụ nữ học phi công hãy còn ít. Vì vậy, tôi luôn muốn động viên các bạn nữ hãy làm điều mình thích, đừng băn khoăn nghĩ xem ngành nghề đó là ngành của nam giới hay nữ giới. Không có một ngành nghề nào chỉ thích hợp cho nam hay cho nữ. Mới đây, tôi đã mở một trường đào tạo phi công. Trong số 15 học viên của trường có 14 học viên nữ, học viên nam duy nhất là người Việt Nam. Các bạn đều được hỗ trợ 50-70% học phí để có thể yên tâm học. Tôi rất mong trường sẽ đón được nhiều phụ nữ Việt Nam có ước mơ làm phi công.  
Chia sẻ câu chuyện của mình, tôi muốn nói, cùng với sự góp sức của cộng đồng, mỗi người phụ nữ chúng ta chính là những chủ thể tạo nên bình đẳng giới. Phụ nữ có thể làm được tất cả mà không phụ thuộc vào ai. Hãy tin vào năng lượng của chúng ta và rằng chúng ta không hề thua kém nam giới, thậm chí còn có thể vượt xa họ. 

Nhiều tác giả ủng hộ kinh phí xây dựng thư viện,
lan tỏa văn hóa đọc
 
Tại lễ trao giải cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XII- năm 2022 ngày 21/6, một nhóm tác giả đạt giải các cuộc thi của báo Phụ nữ Thủ đô qua các năm, độc giả yêu mến báo Phụ nữ Thủ đô và Công ty cổ phần sách Thái Hà đã có nghĩa cử cao đẹp, quyên tặng kinh phí và một số đầu sách để trao tặng học sinh tại những khu vực còn nhiều khó khăn, xây dựng tủ sách học tập. Danh sách các đơn vị và các tác giả như sau:
- Các tác giả đạt giải cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XII ủng hộ toàn bộ giải thưởng cuộc thi và nhuận bút là: Nguyễn Anh Thư, số 7201 Airport Road, Miami, Florida, Mỹ (giải Nhất), Haidy Fawzan Mahmoud Korra, trường đại học Alexandria, Ai Cập (giải Ba), Trần Thị Thu Chang, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia (giải Ba), Bibi Trần, trường ĐH Cộng đồng Trúc Tiệm, Đài Loan (giải Chuyên đề).
- Tác giả Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 8 trường THCS Marie Curie - giải Chuyên đề cuộc thi “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XII ủng hộ  toàn bộ giải thưởng cuộc thi, nhuận bút và một số đầu sách “Một mẩu rừng” và “Những người bạn” do Nguyệt Linh và nhóm bạn vừa xuất bản.
- Tác giả Saad Ashmawi, thành phố Alexandria, Ai Cập - giải Nhì cuộc thi “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XI - năm 2021 và bạn là Nương Hoàng: Ủng hộ 3 triệu đồng.
- Em Đào Minh Châu, sinh viên trường đại học Sư phạm Hà Nội, giải Nhất cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” năm 2015: Tặng 5 triệu đồng và 100 cuốn sách “Kể cho tôi nghe” của chị gái em là Đào Cẩm Ly, sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân vừa xuất bản.
- Công ty Cổ phần sách Thái Hà: Tặng tủ sách trị giá 10 triệu đồng. Tổng kinh phí ủng hộ là 17 triệu đồng, hơn 100 đầu sách và tủ sách trị giá 10 triệu.
Báo Phụ nữ Thủ đô xin cảm ơn các tác giả và Công ty CP Sách Thái Hà. Chúng tôi sẽ chuyển kinh phí và sách đến học sinh nghèo trong thời gian sớm nhất. P.V
 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.