Người cán bộ Hội cứu giúp nhiều mảnh đời lầm lạc

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhắc đến Câu lạc bộ Đồng Cảm B93 phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội), nhiều người dân ở đây đều tin tưởng ủng hộ, nhất là những gia đình có con em trót sa vào tệ nạn ma túy hay nhiễm HIV. Hơn 30 năm qua, bà Nguyễn Thị Hà, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ 22 với trách nhiệm là thành viên CLB B93, thành viên tổ tư vấn sau cai phường Mai Dịch đã từng bước giúp người nghiện tránh xa ma túy, an cư, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Người cán bộ Hội cứu giúp nhiều mảnh đời lầm lạc - ảnh 1
Bà Hà (thứ 3 từ phải sang) tại buổi tuyên truyền phòng chống ma túy của phường Mai Dịch.

Năm 1991, xã Mai Dịch lên phường. Thời điểm đó, tệ nạn ma túy ở phường rất phức tạp. Trên địa bàn phường, có rất nhiều thanh thiếu niên sa vào vòng xoáy của ma tuý, kéo theo nhiều tổ ấm bị đe dọa. Biểu hiện rõ rệt nhất là các cháu rất hay bỏ nhà đi, mỗi lần phải vài ngày. Trong nhà hay bị mất đồ đạc, như nồi niêu, quần áo, chính là các cháu lấy trộm mang bán để có tiền mua ma túy hút chích. Sau một thời gian làm chi hội trưởng phụ nữ, bà Hà được chính quyền và nhân dân tín nhiệm vào làm tình nguyện viên CLB B93 (tên viết tắt của Mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng) và trở thành người “kết nối” những mảnh đời lầm lỡ trở lại đời thường, thành người có ích cho xã hội.

Nhớ lại hành trình hơn 30 năm cảm hóa người nghiện, người được cảm hóa mà bà Hà nhớ nhất lại chính là em chồng của mình. “Khi đó chú ấy cứ bỏ nhà đi suốt, nhà chồng tôi đã quá mệt mỏi, đành buông xuôi, coi như chẳng cứu vãn được nữa, mặc kệ cho sống thế nào thì sống. Nhưng tôi vẫn còn thương, thương cho cuộc đời chú ấy còn trẻ mà lầm lạc nên tôi tự nhủ, thôi mình thử khuyên xem sao, còn nước còn tát”- bà Hà nhớ lại.

Thế là mỗi lần em chồng trở về nhà sau mấy ngày trôi dạt, lang thang, người chị dâu lại nấu cơm cho ăn rồi khuyên nhủ. Kiên trì “mưa dầm thấm lâu”, người chị dâu cứ có dịp em chồng về là tỉ tê, tâm sự, mong em làm lại cuộc đời, tránh xa ma túy. Trong các dịp sinh hoạt CLB B93, bà lại đưa em chồng cùng đến sinh hoạt, lắng nghe tâm sự của các hội viên, nghe các bài giảng tuyên truyền phòng chống tác hại của ma túy. Thật may mắn, cuối cùng, bà đã thuyết phục được em chồng đi cai nghiện. Sau cai trở về địa phương, để em bớt mặc cảm, tự ti, bà Hà đích thân đi tìm bạn gái, sau này là vợ cho em chồng.

 “Bây giờ chú ấy có công ăn việc làm ổn định, hai đứa con xinh xắn đáng yêu, gia đình luôn êm ấm. Đặc biệt, chú ấy vẫn rất tôn trọng và yêu quý chị dâu như chị ruột mình”- bà Hà cho biết.

Một trường hợp khác được bà giúp đỡ cai nghiện thành công, vừa lên đường ra nước ngoài xuất khẩu lao động. “Mới ngày nào, cháu đi cai về, tôi xin cho cháu làm bưng bê ở quán bia, cứ hôm nào sinh hoạt CLB B93 là tôi lại ra xin chủ quán cho cháu nghỉ làm một buổi để dẫn cháu đi sinh hoạt, mà bây giờ đã chững chạc, đi nước ngoài làm ăn rồi”- bà Hà nhớ lại.

Đó là trường hợp người ở nơi khác chuyển về địa bàn do bà quản lý. Mới vừa học hết lớp 12, cháu bị bạn xấu lôi kéo rồi dính vào ma túy lúc nào không hay, khi đã nghiện rồi thì không bỏ được. Khi cháu đi cai về, bà Hà đến gặp bố mẹ cháu trước, rồi tế nhị tìm hiểu hoàn cảnh. Khi đã có được lòng tin của gia đình, bà mới mở lời xin được gặp, nói chuyện với cháu. Rồi biết cháu cũng học khá, bà Hà động viên cháu viết bài để phát biểu mỗi dịp sinh hoạt CLB B93. Nhờ chăm chỉ sinh hoạt cùng sự khích lệ của bà, cháu đã bỏ được hẳn ma túy, rồi làm lại cuộc đời. Cả gia đình cháu từ đó chấm dứt cảnh bất an, ăn không ngon ngủ không yên vì cháu.

Để hoàn thành được công việc khó khăn này, bà Hà luôn phải tự tìm cho mình những phương pháp thuyết phục mới, cách tiếp cận riêng biệt bởi nếu cách thức thiếu phù hợp sẽ không thể thay đổi được nhận thức của những con người từng lầm lỡ. Bí quyết của bà là luôn giữ thái độ mềm mỏng, kiên trì đến nhà trò chuyện, coi họ như người thân trong nhà, thường xuyên đi lại thăm hỏi, không quản thời gian sớm tối. Với sự nhiệt tình, lòng chân thành, tâm huyết tha thiết muốn người sau cai tham gia sinh hoạt, hòa nhập cùng cộng đồng, bà Hà đã chiếm được lòng tin tưởng, yêu mến của mọi người, được gia đình của các hội viên sau cai quý mến, thường xuyên gọi điện thăm hỏi, báo cáo tình hình con, em. Họ đã chủ động, tích cực động viên các cháu tham gia vào CLB.

Chính điều ấy càng tiếp thêm động lực cho bà Hà trong công việc tình nguyện này. “Gắn bó hơn 30 năm với công tác này, tôi chỉ mong sao việc làm của mình giúp ích được cho các cháu để các cháu sớm tỉnh ngộ. Tôi cũng mong có thể góp sức xây dựng các tổ ấm gia đình bình an, ở đó các thành viên trong gia đình đều sống lành mạnh, không có người mắc nghiện”. 

Hiện nay, bà Hà kiêm nhiệm nhiều công việc: Chi hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên dân số, chủ nhiệm CLB Thanh niên xung phong và tình nguyện viên CLB B93 giúp đỡ người nghiện ma túy. Nhiều năm qua, bà được nhận nhiều giấy khen của UBND quận Cầu Giấy về thành tích xuất sắc trong các hoạt động, nhiệm vụ được giao. Nhiều vai trò giúp bà nắm bắt tình hình đời sống con em một cách chắc chắn. Thậm chí, đời thường, bà bán trà đá ở ngay cạnh điểm khai báo tạm trú tạm vắng của công an phường Mai Dịch - một vị trí “đắc địa” giúp bà tìm hiểu được thêm nhiều thông tin của thanh niên trong phường. “Tình hình ma túy ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều loại ma túy núp bóng ngày càng len lỏi vào đời sống các cháu thanh thiếu niên khiến công tác tuyên truyền cũng phải thay đổi sao cho thật đúng và trúng vào tâm lý các cháu”- bà Hà cho biết. 

Trở về đời thường, bà Hà vẫn thi thoảng bị chồng “phê bình” vì đi sớm về muộn, mải “vác tù và hàng tổng” mà có lúc quên bản thân. Nhưng chính điều ý nghĩa bà đang làm đã mang lại niềm vui và động lực, để cô quên đi mệt mỏi. “Nụ cười tự tin và niềm tin của các cháu, của gia đình các cháu mỗi khi gặp tôi, hay mỗi lần gọi điện báo cáo tình hình cho tôi, với tôi, là niềm hạnh phúc”- bà Hà chia sẻ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.