Nhà vắng người giúp việc

Đinh Quỳnh Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.

Nhà vắng người giúp việc - ảnh 1
Ảnh minh hoạ (Int)

Mai chán quá, vứt luôn chiếc điện thoại xuống giường. Lúc xin phép về quê, rõ ràng cô giúp việc hứa là sẽ lên ngay. Nào ngờ... 

Mai không biết người khác thế nào, chứ từ ngày vắng người giúp việc, nhịp sống cả nhà Mai đều đảo lộn. Tính đến nay, cô giúp việc đã ở nhà Mai gần 10 năm, từ lúc Mai mới sinh con đầu lòng. Vì thế, cô chẳng khác nào quản gia, giúp Mai mọi việc lớn nhỏ, lại còn hiểu rõ cách sinh hoạt, thói quen, sở thích của từng thành viên trong nhà. Cô cũng thật thà, lại chăm chỉ, cứ luôn chân luôn tay suốt ngày, từ việc chợ búa, cơm nước, đến chăm con, dọn dẹp nhà cửa. Lắm lúc, Mai muốn tìm đồ đạc nào trong nhà còn phải hỏi cô giúp việc vì cô mới là người sắp đặt, bài trí vật dụng. Gạo, đường, mắm, muối còn hay hết cũng phải thông qua cô. 

Từ ngày có cô giúp việc, cuộc sống của Mai bỗng trở nên nhàn nhã. Mỗi buổi chiều tan làm, trong khi các đồng nghiệp tất bật về nhà thì Mai cứ thủng thà thủng thẳng. Mai có về sớm cũng… chẳng để làm gì vì đã có giúp việc lo.

Vì thế, ngay cả khi các con đã lớn, Mai cũng vẫn không thể xa được cô giúp việc. Thu nhập của hai vợ chồng chẳng nhiều, nhưng Mai thà bớt ăn bớt tiêu để lấy tiền trả lương cho cô. Mai sợ lắm việc lại phải rửa bát, cất, gấp quần áo, lau dọn nhà cửa, cho con ăn... Chỉ tới khi cô giúp việc về quê rồi chưa chịu lên ngay, Mai mới buộc phải bắt tay vào thu vén việc nhà. 

Nhưng, ai ngờ rằng bữa cơm Mai nấu mà con  không chịu ăn vì không ngon như cơm của cô giúp việc; tối đến con không chịu ngủ vì không có cô giúp việc dỗ dành. Mai còn phải đi làm với bộ quần áo nhàu nhĩ do thường ngày đã quen có cô giúp việc là lượt quần áo phẳng phiu, treo sẵn sàng trong tủ. Còn chồng Mai thì phải nhịn ăn sáng vì thường ngày, cô giúp việc vẫn nấu ăn sáng cho cả nhà.

Lúc này, Mai mới thấy mình chẳng khác nào khách trọ, còn cô giúp việc mới là chủ nhà. Mai nhớ lại tháng trước cô đi công tác gần 1 tuần mà nhà cửa vẫn êm đềm. Trong khi đó, cô giúp việc vắng nhà chỉ 1-2 hôm thì ở nhà, chồng con Mai đều trông ngóng. 

Mai nghĩ, có lẽ, nhân cơ hội này mình sẽ phải thay đổi. Cô không thể để hạnh phúc của mình lệ thuộc vào người giúp việc được nữa...

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.
Hè cùng con đọc sách

Hè cùng con đọc sách

(PNTĐ) - Đồng hành cùng con, nhất là vào thời gian hè là điều nhiều cha mẹ quan tâm. Chị Trần Dung (Hưng Yên) vừa là mẹ, vừa là gia sư đã giúp con có mùa hè thoải mái nhưng vẫn bổ ích. Và cách chị chọn chính là trang bị cho con thói quen yêu thích đọc sách trong hè.
Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.