Những ngày vợ… “khó ở”

Chia sẻ

Chiều tan làm, đồng nghiệp rủ rê ra quán làm mấy vại bia rồi hãy về, anh miệng từ chối, chân rảo bước nhanh ra nhà xe: "Hôm nay tớ xin khất, vợ tớ đang trong những ngày… khó ở.

Nghe anh nói thế, cánh đàn ông có chút hụt hẫng, cánh chị em thì chép miệng nửa ao ước, nửa phàn nàn: "Có được chồng như anh, em cũng muốn "khó ở" cả tháng, chẳng như chồng em cứ mặc xác vợ". Trong cơ quan, chuyện anh thỉnh thoảng lại từ chối mọi cuộc vui, hội họp đâu đó chỉ vì vợ đang "khó ở" đã thành quen thuộc.

Ban đầu nghe anh bảo vợ "khó ở", ai cũng vội vàng hỏi thăm vì ngỡ chị đang bị bệnh tật gì hay gặp khó khăn trong cuộc sống, công việc. Nhưng hóa ra, chuyện "khó ở" của vợ anh chỉ là tâm trạng bất ổn, thay đổi của phụ nữ trong những ngày chuẩn bị đến chu kỳ. Từ ngày yêu nhau, rồi cưới nhau về sống cùng một mái nhà, anh để ý vợ mình có những ngày “khó ở” trước mấy ngày "đèn đỏ". Trong những ngày đó, chị như biến thành người khác hẳn, ăn nói cộc lốc, mất hết nét dịu dàng, nhẹ nhàng hàng ngày, thậm chí còn quát mắng mấy bố con rất vô cớ. Câu cửa miệng trong những ngày đó của chị luôn là "tôi đang "chán đời" lắm đây, đừng có làm gì trái mắt, trái tai tôi".

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ban đầu, anh cũng bực bội trước sự "chán đời" của vợ, bởi bỗng dưng bị chị mắng oan, rồi bị hắt hủi trong phòng ngủ. Mấy đứa nhỏ cũng ngơ ngác, sợ hãi trước sự biến đổi kỳ lạ của mẹ trong những ngày "chán đời" ấy, cứ nem nép bên cạnh bố, chẳng dám đùa nghịch hò hét loạn nhà cửa như mọi hôm. Không ít lần, anh cáu lại, vợ anh như được thể chuyện bé xé ra to, khóc lóc ầm ĩ cả nhà. Nhưng rồi, qua mấy ngày "khó ở" đó, chị lại quay về với vẻ hiền dịu, ấm áp khiến cả nhà lại bừng lên vui vẻ. Từ đó, anh chấp nhận, nói đúng hơn là "cho phép" chị được thoải mái giận dữ, mắng mỏ vô cớ chồng và cố gắng làm người đàn ông chỉn chu hơn mọi ngày trong những ngày vợ… "khó ở".

Cũng như mọi lần, mấy hôm nay tâm trạng chị trở nên bất ổn, cơ thể mọi mệt, bụng đau âm ỉ. Chị vào bếp nấu cơm lúc nhão, lúc khô cứng, món ăn xào lúc mặn lúc nhạt nhưng anh tâm lý đến bữa vẫn ăn ngon lành, động viên hai đứa nhỏ cố ăn để động viên mẹ. Hôm nào xong việc sớm, anh cố gắng về đi chợ vào bếp thay cho vợ. Ngày thường, chuyện giặt giũ, dọn dẹp, chị ở nhà nội trợ nên đều quán xuyến chẳng nỡ để chồng đụng tay vào, nhưng mấy hôm nay anh đều chủ động làm việc đó để vợ nghỉ ngơi. Đêm, chị nằm úp bụng ở góc giường, chẳng thiết tha gì đến chuyện ân ái. Dù mong muốn đến mấy, anh cũng cố kìm nén để vợ "được yên thân" khi tâm lý bất ổn.

Trong cuộc sống hôn nhân, đa số đàn ông đều cho rằng chuyện khó ở của phụ nữ khi đến tháng là chuyện… “nho nhỏ”. Họ thậm chí chẳng để ý đến chuyện ấy nên khi tâm lý vợ bất ổn, vô lý gây sự, hay làm việc kiểu "xôi hỏng bỏng không" thì lập tức quát mắng, chỉ trích lại. Vợ chồng theo đó lắm phen xào xáo nhau. Nhưng, điều mà người phụ nữ cần lại là sự thấu hiểu của chồng trong những việc nho nhỏ ấy, chịu khó nhìn ra vợ mình đang mệt mỏi, hỏi han, yêu chiều hơn những ngày bình thường một chút. Bởi có những tổn thương mà người vợ cảm nhận được từ sự vô tâm, chẳng thấu hiểu trong những ngày mình mệt mỏi "khó ở" ấy. Để rồi mỗi lúc một tích tụ trong lòng, tạo nên sự ác cảm khiến hạnh phúc vơi đi.

Thật lạ, đôi khi, niềm hạnh phúc của một người vợ mong muốn từ chồng chẳng có gì cao xa, mà chỉ là những phút giây thấu hiểu khi cơ thể mệt mỏi trong những ngày “khó ở”.

KHÁNH AN

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.