Nỗi buồn sống cảnh “chia chồng”

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hơn một tuần nay, anh không một lần nào đảo qua nhà để thăm vợ. Chị gọi điện cho anh nhưng tín hiệu luôn “ngoài vùng phủ sóng”. Biết hiện anh đang ở đâu nhưng chị vẫn chẳng thể gọi anh về. Bởi chị sợ khi đến đó, mình lại càng tủi thân hơn.

Ngồi một mình trong căn nhà vắng vẻ, chị thở dài rồi rơi nước mắt tủi thân. Suy cho cùng, những gì trải qua hôm nay đều do chị tự nguyện chấp nhận. Ngày trước khi biết được quyết định của chị, bố mẹ và người thân quen đều ngăn cản, nhưng chị vẫn làm theo ý mình. Bởi lúc ấy chị nghĩ một khi mình đã hy sinh cho chồng như thế thì chắc chắn anh sẽ không bao giờ bội bạc với chị. Những gì chị làm đều là vì anh và vì nhà chồng. Người ta đã chẳng nói “gái có công chồng không phụ” đấy thôi. Tin vào ý niệm đó nên chị đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên đúng đắn cho mình lúc ấy.

Nhưng bây giờ ngẫm lại, chị mới thấm thía và nhận ra hình như sự hy sinh của mình đang sai lầm thì phải. Ừ thì, cứ cho rằng anh vẫn còn yêu vợ, vẫn luôn đặt chị cao nhất trong đồ thị tình cảm của mình. Và, cứ cho là anh không hề có tình cảm gì với người phụ nữ ấy thì anh cũng không thể nào bỏ đi cốt nhục của mình. Lý do ấy đủ để biện minh cho anh đàng hoàng bỏ mặc chị ở nhà để về bên người phụ nữ ấy.

Bố mẹ chị, nhiều lúc chứng kiến cảnh con gái mình chịu thiệt thòi sống cảnh chia chồng với người khác vừa bực vừa thương chị. Nhiều người bảo chị “ngu dại” nhất trên đời này vì chả có người phụ nữ nào lại đồng ý mang nặng đẻ đau rồi “từ thiện” đứa con mình rứt ruột sinh ra cho một người dưng. Rồi thì, người ta là gái quá lứa nay bỗng nhiên sinh được đứa con trai cho một người đàn ông thì ngu gì mà không giành chồng cho mình, giành cha về bên con để cả gia đình sống quây quần bên nhau.

Bố mẹ chị cũng bảo chỉ có chị “tình nguyện” mang chồng cho người ta, giờ có buồn khổ thì cũng chẳng trách ai được. Tất cả những điều ấy khiến chị trở thành người thừa thãi trong chính hạnh phúc của mình.

Nỗi buồn sống cảnh “chia chồng” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Anh chị là mối tình đầu của nhau, tính thời gian cả yêu và cưới đến nay cũng đã bên nhau gần chục năm. Cưới nhau 6 năm, chuyện con cái của họ vẫn mãi chẳng có, dù cả hai đã chạy chữa nhiều nơi. Biết nguyên nhân chính là do mình nên chị càng thấy có lỗi, nhất là anh chị lại phận con trưởng. Nhìn cảnh bố mẹ chồng già cả mong cháu đích tôn mà chị càng day dứt. Chồng chị cũng không phải là người đàn ông không biết nghĩ, anh cũng chạy khắp đông, khắp tây kiếm thuốc về cho chị uống.

Ban đầu, anh không hề có ý định bỏ vợ hay tằng tịu với phụ nữ khác bên ngoài để kiếm đứa con. Anh cho rằng, trời không thương thì đó là cái số của vợ chồng chị rồi. Nếu cuộc sống vợ chồng cô quạnh quá thì họ sẽ nhận con nuôi. Ngược lại, chị chẳng đồng ý chuyện nhận con nuôi vì sợ cảnh “nuôi con tu hú”, nhưng anh nhiều lần bảo chị cứ nuôi dạy con cho tốt thì sau này tất yếu nó sẽ có hiếu lại với mình. Nói thế nào, chị vẫn không ủng hộ ý định nhận con nuôi của chồng.

Chị cứ quẩn quanh với suy nghĩ mình là người mang lại bất hạnh cho anh, tước đi quyền làm cha chính đáng của anh. Cộng thêm cách ứng xử của nhà chồng khiến chị trăn trở hơn. Dù vợ chồng anh là con trưởng, bố mẹ chồng mong cháu đích tôn nhiều nhưng không đổ lỗi cho chị trong chuyện không sinh được con. Mỗi lần sang thăm vợ chồng chị, thấy con dâu phiền não nhiều về chuyện con cái, ông bà còn an ủi, bảo anh không hoàn thành được nhiệm vụ sinh con nối dõi thì đã có em, nhà họ có tận ba đứa con trai nên vợ chồng chị cứ sống hạnh phúc với nhau là được.

Có lần về ăn giỗ, cậu em chồng còn nửa đùa nửa thật bảo rằng nếu anh chị muốn thì họ sẽ cho đứa con thứ hai sang sống cùng hai bác, xem hai bác là bố mẹ thứ hai. Sự cao thượng ấy của mọi người cũng chẳng thể làm chị dễ chịu hơn trong cuộc sống. Chị nghĩ rằng nhà chồng đã nghĩ nhiều cho chị như thế thì sao chị lại không giống được như họ, nghĩ nhiều hơn cho chồng, cho bố mẹ chồng.

Hiện, anh vẫn là người đàn ông khỏe mạnh, có khả năng làm cha. Chị muốn anh có niềm hạnh phúc của một người cha giống như bao người đàn ông khác, đứa con mà anh chị nuôi dưỡng nhất định phải mang dòng máu của anh. Và, chị sẵn sàng hi sinh để anh có được niềm hạnh phúc ấy.

Nỗi buồn sống cảnh “chia chồng” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một ngày, chị nói với anh về dự định của mình, rằng chị “cho phép” chồng ra ngoài “tìm con”. Sau khi sinh con, người phụ nữ đó chấp nhận để anh chị đón con về nuôi dưỡng. Nói đúng hơn là chị muốn anh ra ngoài tìm một phụ nữ chấp nhận “sinh hộ” con cho mình. Chị sẽ yêu thương đứa trẻ đó như con ruột của mình. Khi nghe vợ nói, anh phản đối, bảo cả đời này anh chỉ có một người phụ nữ duy nhất là chị. Vậy nên, dù chị nói thế nào, anh cũng không nghe. Hành động đó của anh càng thôi thúc chị phải hy sinh cho chồng nhiều hơn.

Vậy là, một mặt, chị tạo áp lực tâm lý buộc chồng phải đồng ý theo ý nguyện của mình. Một mặt chị âm thầm tìm người đồng ý sinh con với chồng mình. Bấy giờ, chị chỉ nghĩ sau này cứ bỏ ra một khoản tiền đền bù cho người phụ nữ đó là được. Chị còn nói đến chuyện ly hôn nếu chồng không đồng ý với kế hoạch của mình. Cuối cùng, dưới sự thúc ép của vợ, anh đồng ý để tình cảm vợ chồng không rạn nứt thêm.

Chuyện chị thả cho chồng “tự do” cặp bồ kiếm con, người thân của chị phản đối, bảo chị hy sinh không đúng cách. Lúc đó, chị không tin, nhưng bây giờ thì điều đó hình như đã đúng. Người phụ nữ đồng ý sinh con cho anh quả không hề đơn giản như chị nghĩ. Suốt thời gian, cô ta mang thai chẳng đòi gì ở anh, ngay cả chuyện đưa đi khám thai định kỳ. Cô ta chấp nhận khoản tiền chị đưa để mua đồ ăn bồi dưỡng cơ thể, thăm khám cho thai kỳ khỏe mạnh và không liên lạc gì với anh chị thêm. Ấy vậy mà ngày cô ta sinh con trai ở bệnh viện, ngay lúc anh chị tìm đến “nhận con” thì cô bảo chẳng “đẻ thuê” cho ai cả. Đứa con này là của cô ta và sẽ nuôi con, không trao nó cho bất kỳ ai. Anh muốn có con thì về bên cô ta mà chăm sóc, nuôi dạy con nên người. Đến lúc này, chị như người sực tỉnh sau cơn mê.

Từ ngày đứa bé ra đời, đứa con bỗng có lực hút kì diệu đối với anh. Chị biết, anh chẳng hề yêu thương gì người phụ nữ đó nhưng đắm đuối vì con. Càng về sau, người phụ nữ đó càng đưa ra yêu cầu “vô lý” buộc anh phải bỏ vợ để danh chính ngôn thuận đưa mẹ con cô ta về nhà sống. Anh tất nhiên chẳng làm được điều đó vì vẫn còn yêu chị nhiều. Anh bảo với cô ta là sẽ chịu trách nhiệm nuôi dạy con, lo cho nó, còn chuyện chung sống thì anh không thể đáp ứng được. Thấy anh lâm vào cảnh khó xử, có lúc chị nghĩ hay là ly hôn để cho anh một gia đình mới hạnh phúc với đứa con trai ấy. Nhưng một lần nữa anh bảo, cả cuộc đời này chỉ yêu một mình chị, và sẽ không chấp nhận chung sống với một người phụ nữ mà mình không có tình cảm.

Thấy chẳng thể ép buộc được anh về sống với mình bằng danh chính ngôn thuận, người phụ nữ đó dùng con làm “vũ khí” để bảo vệ quyền lợi của mình. Cô ta đủ khôn ngoan để kéo anh về bên mình bằng việc yêu cầu anh thực hiện tốt trách nhiệm làm cha như anh đã hứa. Một tuần không biết bao nhiêu lần, cô ta gọi anh về bên đó để giải quyết các vấn đề của con, nào là: Con ốm, con sốt, con cần mua cái này, con cần bố làm cái kia…

Giờ thì chị hiểu, hạnh phúc không phải cứ hy sinh là sẽ tốt. Lẽ ra chị đã là người làm chủ hạnh phúc của mình thì giờ lại phải làm một kẻ đứng bên lề chỉ vì một sai lầm do chính mình tạo nên.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.