Nơi giữ lửa gia đình tôi!

Bài và ảnh: Lê Thị Thu Thanh (Triệu Phong,Quảng Trị)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ai cũng mong có một ngôi nhà như ý để gọi là “chốn đi về”. Tôi cũng vậy, hành trình có được ngôi nhà của tôi rất nhiều gian nan nhưng cũng không ít ngọt ngào.

Nơi giữ lửa gia đình tôi! - ảnh 1
Ngôi nhà thân thương với cây hoa giấy đã trở thành nơi giữ lửa hạnh phúc của gia đình tôi

Nhớ lại ngày mới cưới nhau, hai chúng tôi bắt đầu cuộc sống mới bằng món quà cưới của hai bên gia đình là mấy chỉ vàng. Căn nhà 3 gian cũ kỹ của bà nội là nơi chung sống đầu đời cuộc sống hôn nhân. Nhà ở quê, mái lợp fibro, mùa hè nóng bức, mùa mưa dột nát. Bếp núc cũng chỉ là tạm bợ là một cái kiềng ba chân phía dưới có mô-tơ để thổi lửa. Phía trên bếp, có một cái giàn bằng tre để chất củi. Đơn giản, mộc mạc, nhìn thấy gian bếp là thấy luôn cả nỗi vất vả của gia đình vợ chồng tôi thuở xưa.

Khổ nhất là mùa bão lụt, ở quê tôi hầu như năm nào cũng vài cơn bão kèm theo lụt lội. Chỉ trong một ngày mà nước đã ngập trắng cả ruộng đồng nhìn đâu cũng chỉ thấy mênh mông một biển nước. Nhìn hết tầm mắt, tôi chỉ thấy loáng thoáng trồi lên một vài nóc nhà, vài ngọn tre phờ phạc. Mùa hè, tôi bắc cái ghế đẩu gần giếng nước phía trên là giàn bầu treo lủng lẳng, vừa tận hưởng ngọn gió nồm mát rượi vừa kể chuyện. Tôi kể lại những tháng ngày cực khổ đã trải qua hay nhớ lại kỷ niệm thời yêu nhau của cả hai vợ chồng. Và ước muốn về một ngôi nhà khang trang, đẹp, có gác để chống bão lụt, có đủ các phòng cho các con sinh hoạt. Nhưng cuộc sống ở quê thu nhập thấp, phải lao động cật lực, tiết kiệm mới đủ sức nói chuyện xây nhà. Thấu hiểu ước muốn của vợ, chồng tôi lên kế hoạch xây nhà. 

Trải qua 10 năm lao động cật lực, cùng với vay mượn ngân hàng, người thân, vợ chồng chúng tôi cất được ngôi nhà khang trang rộng rãi như ý muốn. Các con tôi đã có chỗ ăn chỗ học đàng hoàng, vợ chồng tôi yên tâm công tác. Nhà ở quê thiết kế kiểu nhà cấp 4, có gác lửng để chống lụt, một phòng khách, 2 phòng ngủ, khu vực bếp ăn, nhà vệ sinh. 
Đặc biệt vợ chồng chúng tôi dành hẳn một gian lớn để làm bếp, mua sắm đầy đủ tiện nghi từ bàn ăn, tủ bếp, bếp ga… Không như ngày xưa góc bếp của vợ chồng tôi giản đơn, đầy khói bụi, bồ hóng giăng đầy tứ phía, khói vương cả lên khóe mắt, khói vương vấn hôn lấy mái tóc dài óng ả mỗi buổi chiều khi tôi ngồi bên bếp lửa, mắt vẫn thỉnh thoảng đưa về phía con ngõ, đợi bóng dáng ai quen thuộc về nhà. 

Từ khi xây được ngôi nhà, mỗi lần bước vào nhà, tôi cảm thấy tràn ngập hạnh phúc và quên đi những căng thẳng mệt mỏi sau những ngày lao động vất vả. Từ ngày có được ngôi nhà, tôi như được tiếp thêm động lực. Có những hôm đi làm về mệt mỏi, chỉ cần bước vào nhà tôi đã thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên. Tôi yêu ngôi nhà mới của mình và luôn tự nhủ chăm sóc, bảo dưỡng vì nó không chỉ là ngôi nhà bình thường mà là tổ ấm của chúng tôi.

Đặc biệt, trong những ngày dịch Covid-19 xảy ra, do giãn cách xã hội hạn chế ra ngoài đến những nơi đông người nên gia đình tôi có nhiều thời gian gắn kết với nhau hơn. Tôi đi chợ nhiều hơn thay vì mua cơm hộp, thức ăn nấu sẵn, rồi tự chế biến nhiều món ăn khoái khẩu cho cả gia đình cùng thưởng thức. Bình thường chưa có dịch, buổi sáng gia đình tôi đi ăn ở các quán, nhà hàng, nhưng mùa dịch tôi thường mua thức ăn về nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Bữa cơm nhà tuy đơn sơ, nhưng ai cũng thấy vui vì có đầy đủ người thân trong gia đình. Mọi người vừa ăn vừa bàn luận về những thông tin thời sự, đặc biệt là thông tin về tình hình dịch bệnh rồi nhắc nhở nhau không chủ quan, lơ là phòng dịch… Ngày ngày trôi qua trong sự ấm áp bên gia đình. 

Do thời gian ở nhà quá lâu, sợ các con có thể trầm cảm. Việc học online ở nhà cũng khiến trẻ có những biến đổi về mặt tâm lý khi không được giao lưu, gặp gỡ bạn bè hay chạy nhảy, vui đùa bên ngoài. Nhà tôi có khu vườn rộng, tôi tranh thủ hướng dẫn các con chăm sóc, trồng cây trong vườn, được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình sau một năm học đầy biến động của dịch. Nhờ đó các con cũng có thêm hiểu biết và được trang bị những kỹ năng bổ ích.
Dịch bệnh nên vợ chồng tôi cũng có cơ hội tâm sự trò chuyện với nhau nhiều hơn. Thay vì những cuộc nhậu triền miên với đối tác và đồng nghiệp ngoài xã hội sau giờ làm việc, thì giờ đây chồng tôi về sớm cùng vợ nấu cơm, lau nhà, dạy dỗ con cái…Đặc biệt, trong mùa dịch này anh ấy dậy sớm hơn và thường pha ấm trà nóng vào buổi sáng. Sau đó vợ chồng tôi quây quần bên nhau cùng thưởng thức, tâm sự với nhau những chuyện mà trước đây vì bận rộn ít có thời gian chia sẻ. 
Ngôi nhà đã trở thành nơi giữa lửa hạnh phúc của gia đình tôi.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.