Phải xuất phát từ trách nhiệm và tình yêu thương

Chia sẻ

Nhiều người cho rằng câu chuyện bình đẳng trong gian bếp là chẳng đáng bàn. Bởi chuyện nấu nướng, dọn dẹp không phải là “chuyện lớn” như kiếm tiền xây nhà, mua sắm tiện nghi, tạo cuộc sống vật chất đầy đủ cho gia đình. Thế nhưng, đây lại là chuyện không hề nhỏ trong hành trình giữ hạnh phúc và xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ.

“Quyền” được bình đẳng trong bếp

Lâu nay, câu chuyện đấu tranh cho “quyền bình đẳng” của phụ nữ chủ yếu được bàn đến ở các lĩnh vực chính trị, giáo dục, lao động là đa số. Hàng năm, các cấp, các ngành đều đưa ra các chỉ tiêu, con số để lượng hoá cho việc đảm bảo “quyền bình đẳng” của phụ nữ trong các lĩnh vực ấy. Nhưng, câu chuyện đảm bảo “quyền bình đẳng” trong gia đình lại có phần “mờ nhạt” hơn. Dù trong các văn bản, quy định của pháp luật, quyền bình đẳng trong gia đình đã được thể hiện, thế nhưng để thực hiện nó vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Bởi khác với các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị… ngoài việc vận hành theo hệ thống pháp quy, gia đình còn được vận hành bởi tình yêu thương, trách nhiệm và sự hi sinh. Chính điều đó đã làm cho những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ đôi khi bỏ quên “quyền bình đẳng” của mình trong gia đình, trong đó có “quyền bình đẳng” từ gian bếp.

Bởi vậy, khi câu chuyện “bình đẳng từ gian bếp” được đưa ra bàn luận trên diễn đàn của báo Phụ nữ Thủ đô, người ta mới nhận ra rằng mình có “quyền” được bình đẳng trong chuyện bếp núc, việc nhà. Đặc biệt, quyền bình đẳng đó dành cho cả đàn ông lẫn phụ nữ, chứ không phải chỉ “đấu tranh” cho riêng phụ nữ mà lâu nay chúng ta vẫn thường nghĩ. Nhưng “quyền bình đẳng" ấy lại đang bị chính cả hai giới “bỏ quên” hoặc không nhận thức được quyền lợi của mình bởi những định kiến, chuẩn mực giới tồn tại lâu nay.

Vì thế vẫn còn tồn tại những quan điểm bất bình đẳng giới như: Bếp là của phụ nữ, phụ nữ phải giữ bếp thì mới giữ được hạnh phúc, phụ nữ “thoát ly” bếp là đánh mất vai trò, bổn phận của mình trong gia đình… Những câu chuyện gia đình được viện dẫn từ việc giữ bếp của phụ nữ được mặc định là vai trò, nghĩa vụ của họ. Những phụ nữ vụng về công việc bếp núc bị chỉ trích, chê bai, thậm chí là nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh phúc.

Việc giỏi nội trợ trở thành tiêu chuẩn để mẹ chồng chọn dâu, chồng chọn vợ đảm… Và phía bên kia, nam giới tự cho mình "có quyền" được phán xét, khoán trắng việc nhà, bếp núc cho phụ nữ. Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng bạo hành gia đình luôn tồn tại, và nạn nhân chính là những phụ nữ vụng chuyện nấu nướng, chợ búa, thu xếp trong gian bếp gia đình.

Cũng chính vì quan niệm bất bình đẳng ấy nên những người đàn ông có tư tưởng tiến bộ muốn vào bếp chia sẻ đã bị nhìn nhận lệch lạc. Chị Nguyễn Thị Mai (phường Hạ Đình, quận Thanh xuân, Hà Nội) cho rằng có những bậc cha mẹ “sợ” con trai thích nấu ăn, dọn dẹp trong bếp vì sợ con bị “gay”, bị lệch lạc giới tính, bị hèn kém trong xã hội.

Vì thế, họ “đuổi” con trai ra khỏi bếp, sẵn sàng làm thay, hoặc bắt người khác làm chứ nhất định không để con trai vào bếp. Ngược lại, họ rèn dũa, áp đặt con gái, con dâu vào công việc nội trợ, bếp núc, xem đó là tiêu chuẩn phải có, phải giỏi để giữ hạnh phúc gia đình. Đây là nguyên nhân khiến cho một bộ phận phụ nữ không chịu “cởi trói” cho bản thân, “bỏ quên” luôn quyền bình đẳng trong việc nhà, bếp núc của mình.

Theo anh Trần Vũ Anh (Đông Anh, Hà Nội) từ câu chuyện cả đời “ôm bếp” của mẹ anh đã truyền sang cho em gái, chị gái anh cho thấy quan điểm phụ nữ giỏi chuyện bếp núc mới giữ được chồng cứ thế ăn sâu vào nhận thức của những người phụ nữ, khiến họ chấp nhận sự bất công, bất bình đẳng trong gian bếp. Nói đúng hơn, họ tự nguyện chấp nhận sự bất bình đẳng đó. Vì thế, nếu bản thân người phụ nữ không thay đổi nhận thức về quyền được bình đẳng của mình thì câu chuyện bình đẳng giới trong gian bếp sẽ không bao giờ tồn tại.

Bình đẳng từ gian bếp sẽ làm tăng thêm hạnh phúc hôn nhân, khiến gia đình tiến bộ, văn minh hơnẢnh minh họaBình đẳng từ gian bếp sẽ làm tăng thêm hạnh phúc hôn nhân, khiến gia đình tiến bộ, văn minh hơn. Ảnh minh họa

Bình đẳng không phải là chia đôi

Bạn Trần Thị Bình An (Bùi Viện, quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều người không đồng tình ủng hộ câu chuyện bình đẳng giới trong gian bếp vì cho rằng bình đẳng là chia đôi việc nấu nướng đi chợ, nấu ăn cho chồng một nửa, vợ một nửa.

Nhưng bản chất thật sự của bình đẳng không phải là cân bằng, lượng hoá công việc, quyền lợi của phụ nữ và đàn ông theo tỷ lệ 50-50. Theo quan niệm của Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người, có cơ hội đóng góp cũng như thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.

Còn theo Luật Bình đẳng giới của Việt Nam, bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó... Do vậy, chúng ta cần phải hiểu thực chất của bình đẳng giới là gì thì mới thực hiện được.

Tại diễn đàn thảo luận này, điểm sáng trong câu chuyện bình đẳng bếp núc cũng đã được bạn đọc nêu ra. Bạn Nguyễn Thu Giang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), bạn Nguyễn Thái Hùng (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) đều cho rằng đàn ông hiện đại không ngại vào bếp và rất cần sự bình đẳng từ gian bếp.

Bếp là nơi tạo ra những bữa cơm phục vụ các thành viên trong gia đình, cũng là nơi kết nối tình cảm giữa các thành viên. Nhìn tổng thể, mọi người đều được thụ hưởng trong gian bếp, vì thế phụ nữ và đàn ông đều phải thống nhất quan điểm không được mặc định "bếp là “của riêng” phụ nữ".

Nhiều bạn đọc dẫn ra những câu chuyện về sự chia sẻ trong công việc bếp núc của những người đàn ông trong gia đình. Họ làm điều đó vì trách nhiệm, vì sự yêu thương đối với người bạn đời của mình. Điều đó khiến họ có sự chia sẻ, thấu hiểu bạn đời, làm gia tăng hạnh phúc.

Khi một người chồng chia sẻ việc nhà, nấu nướng với vợ, họ không hèn kém đi mà thay vào đó là thể hiện vai trò làm chồng tốt, cha tốt trong gia đình. Sẽ chẳng ai chỉ trích hay chê bai một người đàn ông yêu thương vợ con, hỗ trợ, chia sẻ việc nhà với vợ để cả hai cùng có điều kiện phấn đấu trong sự nghiệp, đồng thời tăng thêm sự kết nối tình cảm vợ chồng mỗi ngày.

Qua diễn đàn, câu chuyện "Bình đẳng giới từ gian bếp" hoá ra lại quyết định mức độ hạnh phúc hôn nhân, thay vì đó là chuyện “nhỏ nhặt” như mọi người vẫn nghĩ.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.