Quyền đại diện giữa vợ và chồng như thế nào?

Chia sẻ

Từ ngày kết hôn đến nay, chồng tôi giữ vai trò làm kinh tế, tôi đứng sau hỗ trợ anh một phần, phần còn lại quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc con cái. Chồng tôi mở một xưởng sắt thép và nhận làm gia công các mặt hàng gia dụng. Do có tay nghề, làm việc có uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm nên công việc làm ăn của anh ấy rất thuận lợi. Sau một thời gian, chồng tôi đã mở rộng thêm xưởng sản xuất và thuê nhiều nhân công về làm việc.

Gần đây, chồng tôi bất ngờ bị đột quỵ trong khi làm việc ở xưởng. Khi đưa đến viện cấp cứu, bác sĩ nói chồng tôi bị tai biến. Bây giờ, anh ấy có biểu hiện bị liệt tứ chi, không thể quản lý được công việc làm ăn ở xưởng. Nhà chồng tôi bảo nếu anh không làm được thì để em trai đại diện cho chồng tôi tiếp quản chuyện làm ăn. Tuy nhiên, một số khách hàng hợp tác làm ăn hiện tại với chồng tôi lại bảo nếu anh không còn năng lực quản lý nữa thì tôi sẽ là người đại diện cho chồng để giải quyết công việc. Họ bảo về tài sản, vợ chồng có trách nhiệm liên đới nên đại diện là đúng, còn em trai chồng không có quyền đó, nếu sau này tôi kiện cáo lại rất phức tạp. Tôi không hiểu nhiều về vấn đề quyền đại diện giữa vợ chồng, mong Quý Báo tư vấn giúp!

Nguyenlequyen80@gmail.com

Quyền đại diện giữa vợ và chồng như thế nào? - ảnh 1 (Ảnh: minh hoạ)

Pháp luật Việt Nam hiện hành thừa nhận vợ chồng có quyền đại diện cho nhau trước pháp luật. Đại diện giữa vợ và chồng là việc một bên vợ hoặc chồng nhân danh cả hai người để tham gia các quan hệ theo quy định của pháp luật; Hoặc pháp luật quy định cần phải có sự thỏa thuận của vợ chồng nhưng người còn lại không trực tiếp tham gia các giao dịch đó nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và bên thứ ba liên quan.

Cụ thể vấn đề này được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Theo đó, các trường hợp vợ chồng đại diện cho nhau gồm có:
Đại diện theo ủy quyền: Việc đại diện cho nhau giữa hai vợ chồng thực hiện bằng hình thức đại diện theo ủy quyền, được xác lập trên cơ sở sự ủy quyền giữa người đại diện là vợ (chồng) và người được đại diện là chồng (vợ). Việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản, trong đó, nêu rõ phạm vi đại diện, những giao dịch được xác lập, thực hiện. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện ghi trong văn bản.

Đại diện theo pháp luật: Trong trường hợp một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ; Hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Trường hợp bạn hỏi là việc đại diện vợ chồng trong quan hệ kinh doanh. Theo Điều 25, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác. Trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này.

Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng, Điều 26, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định: Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.

Ngoài ra, vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện về quyền cũng như nghĩa vụ.

BÁO PHỤ NỮ THỦ ĐÔ

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn  hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...