"Tết phố" của bố mẹ già

Chia sẻ

PNTĐ-Tết quê hay Tết phố đều có những nét đặc trưng riêng. Gần 70 tuổi, bố mẹ tôi mới được đón một cái Tết khác hẳn với những cái Tết mà ông bà đã từng đi qua...

 
 
Ảnh minh họa

Một ngày đầu tháng Chạp năm ấy, vợ tôi rỉ tai khoe với tôi ý tưởng đón ông bà nội ra thành phố ăn Tết. Ý tưởng quả là mới mẻ và vợ tôi thì rất tha thiết nhưng mới nghe tôi đã thấy không khả thi. Tôi biết bố mẹ đã gắn chặt bàn chân mình với từng tấc đất, bờ dậu ở quê, khó “bỏ nhà” mà đi ba ngày Tết. 
 
- Khó đấy, không dễ như em nghĩ đâu. 
 
Là tôi nói giảm đi cho vợ dễ nghe còn kết quả thì tôi đã nhìn thấy trước. Vợ tôi từ trước đến giờ là người không dễ dàng bỏ cuộc nên vẫn hào hứng:
 
- Không thử làm sao biết được, chỉ cần anh đồng ý còn việc thuyết phục bố mẹ cứ để em lo.
 
Tôi chả tiếc gì một cái gật đầu vì cũng muốn có sự thay đổi. Tôi ra thành phố lập nghiệp rồi lấy vợ, sinh con tính ra cũng đã gần 15 năm nhưng chưa năm nào bỏ qua cái Tết ở quê. Có năm vợ tôi mới sinh con nhỏ, vợ chồng cũng tính không về Tết nhưng nghĩ ngợi rồi lại về vì không muốn ông bà mong ngóng. 
 
Vài ngày sau, đang ngồi làm việc ở cơ quan, tôi thấy vợ tôi gọi điện hớn hở khoe: Ông bà đã đồng ý và em đã đặt vé luôn rồi.
 
Tôi thật sự bất ngờ và nể phục tài thương thuyết của vợ. Chiều 27 theo như sự sắp xếp của vợ tôi, bố mẹ tôi đã có mặt ở nhà tôi. Bọn trẻ cũng bất ngờ khi nhìn thấy ông bà xuất hiện chúng reo hò ầm ĩ. Đường xa vậy mà mẹ tôi vẫn cố đèo bòng hai con gà trống và một ít rau sạch. Sáng cuối năm, vợ tôi đưa mẹ tôi đi chợ hoa ngày Tết còn tôi thì chở ông cụ đi một vòng thành phố rồi rẽ vào phố sách. Thú vui của bố tôi là đánh cờ và đọc sách. Những quyển sách ông đọc, thường con cháu mua về cho. Nhưng đây là lần đầu tiên, ông cụ được đích thân thằng con trai đưa đi hiệu sách. Cụ xem rất chăm chú mặc cho thiên hạ xúm vào cái gian bán lịch, thiệp chúc Tết và phong bao lì xì. Ra khỏi hiệu sách với túi sách to tướng, nom ông cụ rất vui vẻ. Mẹ tôi đi chợ về thì cứ xuýt xoa:
 
- Tết là phải cái gì cũng đẹp, mà chưa bao giờ mẹ thấy nhiều hoa đến thế.
 
Sau bữa cơm Tất niên, tôi phụ vợ nhanh chóng chuẩn bị mâm cỗ cúng Giao thừa. Còn hai cụ thì ngồi trước cái màn hình tivi to đùng xem Táo Quân. Tôi ở dưới bếp thi thoảng lại nghe tiếng mẹ tôi phấn khích cười phá lên. Có lẽ từ trước đến giờ, mẹ tôi mới được xem một chương trình Táo Quân trọn vẹn như thế. Nếu như ở quê, giờ này chắc hẳn bà đang lúi húi trong bếp.
 
Đến giờ Giao thừa, cả nhà tôi cùng ra phố ngắm pháo hoa. Cái khoảnh khắc màn pháo hoa đủ sắc màu bay lên cùng tiếng reo hò, vợ tôi đứng bên cạnh, hích nhẹ cánh tay tôi:
 
- Anh nhìn kìa...
 
Tôi quay sang, bắt gặp bố mẹ tôi cũng đang đứng sát bên nhau, mắt nhìn không chớp theo từng bông pháo hoa rực rỡ trên bầu trời, những thứ mà từ trước tới giờ họ chỉ thấy qua màn hình ti vi. Màn pháo hoa kết thúc rồi mà bố tôi vẫn đứng trầm ngâm còn mẹ mẹ tôi thì cứ trầm trồ: Đẹp, đẹp thật đấy!
 
Sáng mồng 1, vợ chồng tôi chở bố mẹ đi lễ chùa và xin chữ đầu năm cầu mong những điều tốt đẹp. Và những ngày sau đó, cả nhà có một chuyến du xuân đầy ý nghĩa.
 
Tết quê hay Tết phố đều có những nét đặc trưng riêng. Gần 70 tuổi, bố mẹ tôi mới được đón một cái Tết khác hẳn với những cái Tết mà ông bà đã từng đi qua. Hẳn là trong ký ức tuổi già của bố mẹ, giữa những gắn bó, thân thuộc của hồn cốt Tết quê đã có thêm hương sắc của một cái Tết ở thành phố rất đáng nhớ.
 
 
Nhật Đức

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.