Thuận vợ, thuận chồng cùng khởi nghiệp

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bản thân và chồng đều có công việc ổn định nhưng một ngày, Thu Thủy bất ngờ rủ chồng… bỏ việc. Khi tiêu gần hết tiền tiết kiệm, đôi trẻ rủ nhau khởi nghiệp bằng nghề truyền thống bán dao của gia đình. Nhờ sự chung tay của bố mẹ đôi bên và sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, cả hai đã thành công.

Thuận vợ, thuận chồng cùng khởi nghiệp - ảnh 1
Hai vợ chồng Thủy - Khoa đồng lòng lập nghiệp bằng việc bán dao.

Đỗ Thị Thu Thủy (27 tuổi) từng là trưởng phòng dự án của một công ty nước ngoài tại Hà Nội, với mức lương lý tưởng. Trước đó, khi còn học đại học, mẹ Thủy mất đã để lại khoảng trống về tâm lý với cô. Sau một thời gian làm việc, Thủy ngày càng nhận ra mình không còn hợp với công việc và ao ước một cuộc sống tự do. 

“Mình muốn được có thêm nhiều thời gian cho bản thân hơn, thèm có những phút giây bày biện nấu ăn ở nhà, công việc bớt áp lực hơn, kể cả ít tiền hơn trước cũng được”- Thủy kể. Khoảng thời gian ấy, qua ứng dụng hẹn hò, cô đang quen với chồng hiện tại - anh Vũ Đăng Khoa (SN 1993). Nghe mong muốn của Thủy, anh Khoa bảo cô: “Nếu em muốn nghỉ việc thì cứ nghỉ, anh nuôi em được”. Nhưng ngoài dự đoán, Thủy còn “lôi kéo” cả người yêu, khi ấy đang làm ngân hàng và có cuộc sống khá rộng mở, về quê với mình luôn.

Đôi trẻ về quê trong tình trạng thất nghiệp. Tiêu gần hết tiền tiết kiệm thì Khoa mới mở lời: “Bố mẹ anh có xưởng rèn ở quê làm dao, anh muốn bán hàng của bố mẹ và đưa sản phẩm của quê anh ra thị trường rộng lớn hơn”. Không những thế, bố của Khoa còn là thợ lành nghề, nên sản phẩm làm ra rất yên tâm. Thấy chồng tha thiết, Thủy chiều theo.
Thế là mỗi ngày, Thủy và Khoa đèo nhau từ quê của Thủy (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) về quê chồng (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) lấy hàng.

Từ cô gái tuyên bố chỉ đi giày cao gót và mặc đồ công sở duyên dáng, bây giờ Thủy chuyển sang đi dép tông lào và mặc quần áo rộng cho dễ di chuyển, mang vác. Còn Khoa- từ nhân viên ngân hàng giờ về quê, vừa làm “ông giáo làng” dạy tiếng Anh, kiêm shipper cho vợ.

“Hai đứa mình đi lấy hàng bất kể ngày đêm, nắng nóng, mưa giông cũng đi. Có những hôm sấm chớp ghê quá, mình cứ vừa đi vừa cầu trời không có chuyện gì xảy ra vì nghe nói sét hay đánh vào đồ kim loại”- Thủy kể.

Mang hàng về, đống dao kéo hỗn độn khiến Thủy không biết bắt đầu từ đâu, bán cho ai bây giờ. Lắm lúc hai vợ chồng nhìn nhau thở dài. Rồi Thủy đánh liều, bắt đầu đăng bài bán hàng trên facebook cá nhân. Thật may mắn vì bạn bè, người thân của cả hai ủng hộ nhiệt tình vì dao làng rèn rất được ưa chuộng, giá rẻ mà độ sắc bén lại cao. Sau đó, Thủy lập một trang bán hàng trên sàn thương mại điện tử để khách ở xa đặt cho tiện.

Hành trình bán hàng online của hai vợ chồng Thủy luôn có cả gia đình hai bên hỗ trợ nhiệt tình: Bố mẹ chồng sản xuất và hỗ trợ vốn nhập hàng thời gian đầu. Bố Thủy làm hộp cho cô gói hàng. Chồng cô thì ship hàng, cắt bọc, bê vác, trả tiền hàng. Em họ Thủy cũng giúp chị gói hàng. Nhiệm vụ của Thủy là chuyên tâm chào hàng, mời chào sao cho có thật nhiều khách.

Từ chỗ chỉ bán hàng cho vui, giải quyết tình hình kinh tế trước mắt, sau một thời gian, cả hai thấy được cần phải đầu tư và chú tâm cho việc kinh doanh dao này. Thủy đăng ký học bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và thử chạy quảng cáo. “Cứ thấy ai bán hàng giỏi hay viết content hay là mình xin góp ý và cố gắng học hỏi”. Hai vợ chồng bắt đầu có những đêm thức trắng để chỉnh ảnh, viết content, suy nghĩ trăn trở để bán hàng, marketing cho thật tốt. Rồi làm sao để bọc hàng tiết kiệm giấy nilon bảo vệ môi trường... làm sao để cải tiến mẫu mã, sản phẩm... làm sao để có chính sách chăm sóc khách hàng, hậu mãi thật chuyên nghiệp, tử tế... 

Với những nỗ lực ấy, chỉ sau 5 tháng, vợ chồng Thuỷ đã có số lượng đơn hàng ổn định. Cho đến giờ, khi đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, Thuỷ rất tự hào vì mình “đã được làm chủ”, lại góp phần phát triển sản phẩm làng nghề, tạo công ăn việc làm cho bố mẹ và người thân trong làng. Thu nhập của 2 vợ chồng từ việc bán dao cũng giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn. Kế hoạch sắp tới của Thuỷ là mở rộng thị trường sang nước ngoài, đồng thời tìm kiếm nguyên liệu mới để dao có chất lượng cao hơn, có tính thẩm mỹ tốt hơn. 

“Có lẽ chồng mình hạnh phúc hơn mình nhiều. Nhìn những thứ nuôi anh ấy lớn lên từ bé, giờ lại được cải tiến, phát triển và mở rộng thị trường, mình biết chồng vô cùng tự hào và trân trọng. Mình nhận ra rằng, khi làm bất cứ việc gì, mình hãy cứ đặt thật nhiều tâm huyết, nỗ lực và quyết tâm, chắc chắn sẽ hái được quả ngọt”- Thủy chia sẻ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.