Thương mẹ bị bạo hành vì sinh con gái

Chia sẻ

ĐSGĐ-Hơn 20 năm qua, mẹ tôi bị chồng bạo hành. Chỉ vì mẹ tôi không thể sinh “quý tử”. Là phận làm con, tôi đau đớn khi nhìn thấy bố bạo hành với mẹ mà không thể làm gì được.

 
Tôi là con thứ hai trong gia đình có 4 chị em gái ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Gia đình tôi thuần nông, mẹ là người phụ nữ cam chịu, lo toan, gánh vác việc nhà. Một mình mẹ lăn lộn làm lụng nuôi các con ăn học, nuôi luôn cả bố và lo toan công việc bên nội. Còn bố tôi chỉ suốt ngày rượu chè. Mỗi khi say là ông lại đánh đập mẹ tôi. Không ít lần ông hung dữ đốt nhà, đốt quần áo, đập phá đồ đạc, có lần đánh mẹ ngất lịm. Ông toàn đánh những lúc các con đi học, lúc không ai ở nhà.
 
Mẹ chịu những trận “đòn chồng” suốt 20 năm qua, nguyên nhân chính do bà sinh toàn con gái. Trong khi bố và ông bà nội lại muốn có con trai. Nhiều đêm, mẹ khóc bảo: “Mẹ chịu đòn quen rồi. Các con đừng căm hận bố. Lỗi cũng là ở mẹ không thể sinh được con trai cho gia đình chồng”.  Tôi có khuyên mấy, mẹ cũng gạt đi, khư khư giữ nguyên quan điểm. Mấy mẹ con ôm nhau khóc. Bà hồi tưởng trong nước mắt về những ngày đầu mới cưới mặn nồng và hạnh phúc. Ngày ấy, cuộc sống khó khăn nhưng bố yêu thương mẹ lắm. Mới 20 tuổi, mẹ nào biết yêu là gì đâu, chỉ thấy ông bà ngoại gật đầu ưng ý cậu thanh niên hiền lành, chăm chỉ cách nhà mấy chục mét nên cũng nghe theo.
 
Thương mẹ bị bạo hành vì sinh con gái - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Ngày mẹ lên xe hoa đúng hôm trời mưa tầm tã. Mẹ chỉ đi một đôi dép mộc, mặc chiếc áo sơ mi trắng và quần vải thô bạc màu để về nhà chồng. Nhà chồng nghèo lắm, bốn mái rách tả tơi. Buổi sáng đầu tiên làm dâu, mẹ rón rén vào bếp, lúng túng nấu cơm. Hồi ấy, bố cũng dịu dàng và quan tâm vợ lắm. Ông chịu khó vào bếp thổi cơm với vợ. Khói làm đôi mắt cay xè nhưng mẹ vẫn thấy ấm áp lạ thường.
 
Những ngày hạnh phúc ấy chỉ kéo dài được 4 năm đầu tiên. Mẹ sinh hai con đầu lòng đều là gái.  Bố động viên mẹ, dù gì cũng phải có đứa con trai, chứ toàn “lũ vịt giời”, cưới chồng là “bay đi mất”. Còn bà nội thì ra lệnh: “Phải có cháu trai đích tôn cho bà bằng mọi cách”. Cũng đúng thôi, bố là con trai một, lại con trưởng, gánh nặng “đích tôn” đè lên vai bố từ khi vừa cưới vợ. Thế nhưng, năm tôi 2 tuổi, mẹ hạ sinh người con thứ ba cũng là con gái khiến bố thất vọng ra mặt. Áp lực từ gia đình và họ hàng khiến bố mệt mỏi, ức chế với vợ con. Bà nội giận dỗi, hết trách con dâu rồi đến trách “nhà ta vô phúc”. Bữa cơm tối nào, bà cũng mặt nặng, mày nhẹ, rồi buông đũa thở dài, quệt nước mắt, than trách bản thân, kể lể “thấy nhà người ta sinh ba, sinh bốn toàn là con trai mà… thèm”.
 
Đến khi mẹ sinh em gái út, bố bắt đầu thay đổi tâm tính. Lúc đó, tôi vừa tròn 4 tuổi. Tôi chứng kiến những lần bố say và trút cơn giận lên mẹ, lên các con. Trước đây, bố chỉ uống rượu khi vui vẻ, còn bây giờ, trong nhà tôi bao giờ cũng có rượu. Người ta say thì lăn ra ngủ, còn bố say thì quát mắng, chửi bới, ném đồ, đánh đập vợ con. Những cơn say cứ ngày càng dày lên, tỷ lệ thuận với trận đòn mà mẹ phải chịu. Xuyên suốt trong tất cả những trận đòn đó, bố đều nhắc đi nhắc lại điệp khúc:  “Vì cô không biết đẻ nên tôi bị coi thường, tôi không dám ra đường vì xấu hổ với mọi người”. Mẹ thương con, nhưng bế tắc, bởi trong suy nghĩ của người đàn bà thuần nông chất phác, cam chịu, nhẫn nhục như mẹ thì lỗi cũng là do mẹ không sinh được con trai, chưa làm tròn trách nhiệm làm vợ trong gia đình chồng.
 
Bố tôi công khai cặp bồ với một phụ nữ góa chồng trong xã, nhưng khác thôn. Những đêm nhà vắng bố nhiều lên từ dạo đấy. Khi người phụ nữ kia sinh được một bé trai cho bố, bố tôi càng ít về nhà hơn. Bà nội và bố mừng lắm, coi mẹ con họ như vàng ngọc để nâng niu, bao bọc, chăm sóc. Sự lạnh nhạt của bên nội với mẹ con tôi càng tăng lên.
 
Bố ít về nhà, lần nào về cũng đánh mẹ. Cách đây10 năm, bố đánh mẹ bằng gạch ống, bầm dập hết mặt và sống mũi, phải nhập viện. Mẹ vừa về được nửa năm thì bố lại đánh một trận dã man khác. Trong lúc mấy chị em tôi đi học chưa về, ông uống say, rồi lôi mẹ từ ngoài đồng về nhà đóng cửa “dạy bảo”. Ông lấy cây sắt đánh vào chân để mẹ không chạy được. Cũng cây sắt ấy, ông hung dữ quất vào miệng, mũi mẹ khiến bà bị rách toác môi, thâm tím mặt mày, bầm hết người. Mẹ quỳ lạy mà ông cũng không tha. Bị đánh đau quá, nhân lúc ông vào nhà lấy phích nước nóng định hất vào người mẹ, bà đã chạy thoát ra ngoài đường. Nhưng hồi ấy, chị em tôi còn nhỏ, mẹ lại không hiểu biết pháp luật nên không báo công an để được đi giám định thương tích. Hàng xóm thấy mẹ bầm dập thì xót xa hỏi thăm, nhưng bố tôi bảo mẹ bị tai nạn lao động. Sau lần ấy, mẹ tôi bỏ nhà  xuống Hà Nội làm ô sin một thời gian. Khi tôi đỗ đại học ở Hà Nội, hai em vẫn đang học phổ thông ở quê, mẹ lại về nhà làm ruộng, chăm sóc các em, lại chịu cảnh thỉnh thoảng bị người chồng vũ phu đuổi ra khỏi nhà.  
 
Nhiều lần, tôi đã gửi đơn lên xã, xã cũng cho người về chứng kiến cảnh mẹ tôi bị chồng kề dao vào cổ, bị đánh đập. Họ lập biên bản, bắt nộp phạt và tạm giam bố. Bố cam kết sẽ không đánh vợ nữa. Mẹ vì thương bố, vì xấu hổ với láng giềng nên xin cho ông được về. Bố về rồi thì lại chứng nào tật nấy.
 
Là phận làm con, tôi không hề mong muốn gia đình tan vỡ hay tố cáo bố trước cơ quan pháp luật. Nhưng nhìn mẹ ngày ngày sống mòn trong nạn bạo hành cả thể xác, tinh thần, tôi không thể im lặng. Không ít lần, chị em tôi khuyên mẹ ly hôn nhưng bà chần chừ, lưỡng lự. Bà bảo, nếu bây giờ ly hôn, có thể bà sẽ trắng tay, bởi tất cả giấy tờ sổ đỏ của hai mảnh vườn do hai vợ chồng mua trong lúc chung sống và căn nhà mà mẹ tằn tiện, chắt chiu trong quá trình đi làm và vay mượn bên ngoại để xây cất lên đều đứng tên bố. Hơn nữa, đã hơn 50 tuổi còn dắt nhau ra tòa ly hôn, mẹ sợ hàng xóm chê cười. Mẹ giữ cái gia đình không hạnh phúc này chỉ vì muốn cho các con gái không bị điều tiếng khi đi lấy chồng… Mẹ thương các con, nhưng bà không biết cách thương đó đang hại chị em chúng tôi. Có lúc, tôi thấy căm thù bố và ghét luôn cả cánh đàn ông. Tôi sợ yêu đương, thậm chí đã từng nghĩ sẽ không lấy chồng…
 
    Mai Hồng (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.