Đường đến trái tim:

Tình yêu của mẹ chồng

Chia sẻ

(PNTĐ) -Làm dâu của mẹ đến nay đã hơn 15 năm, khoảng thời gian ấy biết bao biến cố xảy ra trong cuộc đời nhưng khắc ghi trong tôi luôn là hình ảnh của người mẹ chồng hết lòng thương yêu con cháu.

Tình yêu của mẹ chồng  - ảnh 1
Tác giả và mẹ chồng

Năm mẹ 49 tuổi thì bố chồng tôi qua đời, bao nhiêu gánh nặng của cuộc đời đè nặng lên đôi vai của mẹ. Mẹ chồng tôi kể, lúc đó mẹ tưởng như đất trời sụp đổ vì biết lấy gì để nuôi các con, mẹ lại chẳng có nghề nghiệp gì ngoài trông vào mấy sào ruộng. Nhưng thay vì từ bỏ, mẹ đã chọn cách cần mẫn làm việc, chịu khó thức khuya dậy sớm chăm lo cho gia đình. Cùng với sự giúp đỡ của bà con lối xóm, mẹ đã nuôi đàn con thơ ăn học thành tài. 

Nhớ lại ngày mới về làm dâu, tôi thấy mọi thứ đều lạ lẫm. Đặc biệt, tôi rất sợ làm phật ý mẹ chồng, sợ bị bà phê bình. Nhưng chính mẹ chồng đã giúp tôi giải tỏa tâm lý kịp thời. Mẹ nói: “Thời mẹ làm dâu chịu nhiều khổ cực vì quan niệm mẹ chồng nàng dâu ngày xưa phong kiến lắm. Bây giờ mẹ cũng có con dâu, mẹ sẽ không để con phải khổ như mẹ nữa. Mẹ không đòi hỏi con gì, chỉ mong sao con làm tròn bổn phận dâu hiền là được”. Tôi đã rớm nước mắt khi nghe mẹ nói câu này và thấy mẹ tuy không được học cao biết rộng nhưng có quan điểm thật tiến bộ.

Nhà chồng tôi một năm có nhiều ngày làm giỗ ông bà tổ tiên. Biết tôi chưa rành việc này, mẹ bảo tôi đi chợ quê cùng mẹ. Mẹ hướng dẫn tôi chọn chuối như thế nào cho đẹp, mua bao nhiêu nải, hương hoa như thế nào, rồi chuẩn bị những món ăn truyền thống cúng tổ tiên ra sao. Sau này có lần tôi thưa với mẹ, thời buổi hiện đại, nhà mình không cần nấu cỗ cho vất vả mà cứ đặt nhà hàng mang vào cho tiện. Mẹ cười và nói: “Mình bỏ công đi chợ, rồi tự làm cơm dâng cúng ông bà tổ tiên mới có ý nghĩa con ạ”. Và tôi cũng hiểu mẹ muốn nhắn nhủ chúng tôi không bao giờ được quên những món ăn truyền thống dù cuộc sống hiện đại, tiện ích.

Các cụ thường nói bát đĩa úp vào nhau còn có lúc xô, huống hồ trong cuộc sống vợ chồng tránh sao khỏi va chạm, vấp váp. Những năm đầu mới cưới, vợ chồng tôi hay xảy ra bất đồng quan điểm về nhiều thứ. Chúng tôi còn “chiến tranh lạnh” với nhau. Những lúc như thế tôi lo mẹ là người khó xử nhất. Nếu mẹ đứng về phía con trai thì có thể bị tôi nghĩ rằng “mẹ nào chẳng bênh con”. Nhưng nếu đứng về phía con dâu thì có thể con trai mẹ lại nghĩ “phụ nữ thì ở cùng phe”. 

Nhưng rồi mẹ đã điều hòa được tất cả. Mẹ chọn một khoảng thời gian thích hợp khi cả hai chúng tôi bớt giận rồi phân tích đúng, sai cho mỗi đứa. Mẹ khuyên chồng tôi: “Làm người đàn ông nên rộng lượng, nếu vợ sai thì con cứ góp ý cho vợ biết. Nhưng con cũng phải nhìn lại bản thân xem mình có thiếu sót gì không. Đừng có lối nghĩ chồng chúa vợ tôi, cho rằng đàn ông luôn đúng”. Còn đối với tôi, mẹ nhẹ nhàng dạy bảo: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê. Gia đình đầm ấm không thể thiếu sự khéo léo, tinh tế của người phụ nữ”.  Tôi hiểu được ý mẹ, thế là vợ chồng ngồi lại, làm hòa với nhau, ngôi nhà của chúng tôi lại đầy ắp tiếng cười, xua tan không khí nặng nề của những ngày trước đó. Từ lời khuyên của mẹ, tôi nghiệm ra một điều: “Vợ chồng ở với nhau, mỗi người bỏ đi một ít tính cá nhân, vị kỷ, hiếu thắng thì hôn nhân sẽ thuận lợi, êm đẹp”. 

Tôi về làm dâu chưa kịp giúp gì được cho mẹ thì đã bụng mang dạ chửa. Mẹ chồng lại trở thành người lo lắng, chăm sóc tôi chu đáo từ việc ăn uống cho đến kiêng cữ. Những lúc tôi ốm nghén, mẹ tự tay nấu cháo, động viên tôi ăn uống nhiều để có sức khỏe tốt. Sau khi sinh em bé được 6 tháng tôi phải đi học cao học ở Huế. Mẹ lại đi cùng, giúp trông con để tôi yên tâm học hành, phấn đấu cho sự nghiệp. Nhớ nhất là những lần Huế mưa lụt, nước ngập cả phòng trọ, tôi bận bế con còn mẹ lội nước bì bõm gói ghém đồ đạc cho sẵn vào bao nilon vì sợ khuya nước lớn đồ đạc trôi mất. Những khi nghe đài báo bão, là mấy ngày trước đó mẹ tất bật đi mua thêm gạo, mì tôm, mì chính, nước mắm, đèn dầu, cả mấy hũ mắm cà... Trời lụt, mẹ con quây quần ăn cơm bên nhau, chỉ với mắm cà thôi cũng đã ngon tuyệt rồi. 

Khi con đầu lòng của tôi được hơn một tuổi, mẹ chồng đưa cháu về quê còn tôi ở lại Huế tiếp tục học. Mẹ chồng tôi lại vừa làm mẹ, vừa làm bà, chăm bẵm con tôi từng bữa ăn giấc ngủ. Trẻ con thì hiếu động mà mẹ thì sức khỏe ngày càng giảm sút nên việc trông cháu khá vất vả. Nhiều người nói đùa: “Tuổi già thì nghỉ ngơi chứ trông cháu làm gì cho mệt”, nhưng mẹ vui vẻ trả lời: “Giúp được cho con cháu ngày nào được thì tôi giúp, giúp đến lúc không thể thì thôi”. Từng đó đủ để tôi thấy mẹ thương con thương cháu đến nhường nào.

Tôi, một người sống trong thời hiện đại có nhiều quan điểm sống khác với người thế hệ trước. Mẹ không những không chê trách, không áp đặt mà còn cảm thông, cố gắng thấu hiểu tôi. Mẹ bày vẽ cho con dâu kinh nghiệm đối nội đối ngoại, việc làng, việc họ. Khi có vấn đề chưa hiểu nhau, hai mẹ con đều mở lòng tâm sự. Từng đó năm bên mẹ, mẹ đã cho tôi một cái nhìn khác về hai tiếng “mẹ chồng”. 

Lê Thị Thu Thanh
Xã Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.