Tôi đã giúp con cai nghiện game như thế nào?

Bài và ảnh: Ngô Hoa (TP Vũng Tàu)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Con trai tôi năm nay 13 tuổi, hiện đang học lớp 8 tại một trường THCS của thành phố Vũng Tàu. Hai năm trước, học online giúp con có cơ hội ngày nào cũng sử dụng máy tính và con bắt đầu mê game hơn mê học, còn tôi có lúc thấy mình tuyệt vọng, bất lực. Nhưng rồi, tôi đã bình tĩnh, tìm cách kéo con thoát ra khỏi thế giới game để trở về với đời thực…

Tôi đã giúp con cai nghiện game như thế nào? - ảnh 1
Game thủ trong nhà tôi một thời giờ đã không còn nghiện game nữa

Từ sự tuyệt vọng khi con nghiện game
Hồi đó, mỗi khi học, con chỉ mở camera lên cho cô thấy mặt, còn con mở thêm cửa sổ khác để chơi game. Học kì II năm lớp 6, từ học sinh giỏi nhiều năm con rớt xuống hạng trung bình. Con không ghi chép bài vở, bài tập về nhà con không chịu làm. Không những con mê game, học hành bết bát, mà con còn giống như một ngòi nổ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Tất cả những vui buồn của trận đấu game trên mạng ảo sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới hành xử của con ngoài đời. Có những lúc con gào lên, hét vào mặt bố mẹ và nói cả những câu tổn thương người khác, đánh em… Có những ngày bố hoặc mẹ ở nhà và thường xuyên giám sát, con không còn được chơi game thoải mái liền có thái độ bứt rứt, bồn chồn.

Khi con đi học trở lại, tôi đem máy tính, Ipad bỏ vào tủ khóa lại, con bắt đầu tìm nhiều cách xoay sở để được chơi game như mượn máy bạn, sang nhà bạn chơi, chơi trên tivi có internet. Và một lần tôi vô tình chứng kiến con và 3 bạn khác phóng xe điện tấp vào quán game nơi có rất nhiều thanh niên tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ, chửi thề, hút thuốc lá phì phèo. Suốt gần 1 năm ròng mặc dù bố mẹ đã nhiều lần nói chuyện với con, nặng có, nhẹ có thậm chí dọa nạt cũng có, con vẫn nói dối và canh những lúc bố mẹ vừa ra khỏi nhà để ra quán game ngồi cày. Buổi tối con xin đi chơi trong xóm nhưng trốn ra quán chơi game. Nhiều lần chúng tôi phải đi khắp các tiệm game trên nhiều tuyến phố để tìm con.

Thời điểm ấy, gia đình tôi luôn sống trong không khí căng thẳng. Chồng tôi là người khá nóng tính nên có những lúc không kiềm chế được đã đánh con. Nhưng rồi hết lần này đến lần khác, con vẫn tiếp tục sa lầy vào game online. Tôi đã có lúc tưởng như con mình vô phương cứu chữa, thậm chí, tôi muốn buông xuôi, kệ con ra sao thì ra. Nhưng tình thương của một người mẹ lại vực tôi dậy và không cho phép tôi bỏ cuộc.

Đến hành trình đưa con trở về

Tôi bắt đầu đi tìm các thông tin trên mạng, đọc sách về tâm sinh lý lứa tuổi, học các khóa học… để tìm ra cách giúp con cai nghiện game. Sau đó, tôi tham gia một khóa học thay đổi tư duy và nhận ra, mình mới chính là người cần thay đổi, trước khi muốn con thay đổi. Tôi cần phải đặt niềm tin vào con cũng như vào chính mình trong hành trình đồng hành cùng con. Áp dụng những điều đã học, đã đọc và đã tìm hiểu, tôi bắt đầu lên kế hoạch hành động chi tiết và rõ ràng.

Đầu tiên, tôi thẳng thắn nhìn nhận lại những sai lầm của bản thân. Tôi nhận ra việc ngay lập tức ngắt con ra khỏi game một cách cực đoan khi thời điểm đó con chỉ là một đứa trẻ đang nghiện game sẽ càng đẩy con tìm nhiều cách để được chơi. Hậu quả là con đã bị bạn bè lôi kéo đi chơi game tại những tiệm internet, một môi trường rất phức tạp và ở lứa tuổi của các con rất dễ bị sa ngã. Khi nhận ra, tôi bắt đầu thay đổi chiến thuật. Tôi quyết định cho phép con chơi game nhưng có giới hạn thời gian. Thay vì cấm hoàn toàn như trước, tôi quy định con có thể chơi game 45 phút/ngày sau khi con đã hoàn thành bài. Cuối tuần con sẽ được chơi thêm nhưng không quá 1,5h/ngày.

Bước thứ hai, tôi thử bước vào thế giới của con. Thay vì ngày trước mỗi lần nghe tới game là tôi cau mày thì giờ trong lúc con được phép chơi tại nhà, thi thoảng tôi sẽ hỏi con những câu vui vui: “Nay nâng lên hạng nhiêu rồi?”, “Ghê nha, vật phẩm toàn hàng khủng, chứng tỏ cũng cày dữ ha”… rồi tôi lân la lại hỏi cách chơi, xong nhờ con hướng dẫn mẹ chơi thử. Thấy mẹ như vậy, con hào hứng lắm. Dần dần con vui vẻ hơn và còn kể chuyện với mẹ chuyện trường, chuyện lớp, chuyện các bạn.

Tôi phát hiện con tự lập 1 kênh youtube, đã làm một số video hướng dẫn cách chơi game Rolox, cách chơi cờ vua. Thế là tôi khuyến khích con tiếp tục phát triển kênh của riêng con, mở rộng làm video sang các chủ đề khác. Sau đó tôi đưa ra góp ý giúp con về các video sau hấp dẫn hơn. 

Dần dần, tôi bắt đầu hướng con dần chú ý hơn vào các hoạt động khác để con bớt thời gian nghĩ đến game như: Rủ con tham gia các hoạt động chung của cả nhà (leo núi khi vào mỗi cuối tuần, đạp xe vào buổi chiều cùng cả nhà, đi nhà sách…). Tôi thấy con có năng khiếu về công nghệ nên hướng con tìm hiểu và tham gia vào các khóa học chuyên về lập trình dành cho lứa tuổi thiếu niên. Con rất hào hứng và đã hoàn thành khóa học lập trình Scratch, hiện tại học khóa lập trình Python…

 Con cũng rất thích nấu ăn và nấu khá ngon. Trước kia, tôi hay càm ràm con nấu xong bày đồ lung tung không dọn. Giờ thì tôi bỏ qua những điểm chưa được, khuyến khích con nấu nhiều món ăn, cho con tự lên thực đơn và kế hoạch các món ăn trong tuần, rồi cho con tự đi siêu thị để mua nguyên liệu về nấu. 

Kết quả là, con tôi giờ đây gần như đã không còn chơi game vì các hoạt động thú vị khác gần như đã lấp đầy quỹ thời gian của con. Việc học của con ở trường cũng bắt đầu cải thiện với điểm số cao từ các bài kiểm tra. Con cũng có sự kết nối lại với bố mẹ, vui vẻ với các em và rất siêng năng làm đầu bếp năm sao - như lời nhận xét của các em. 

Chia sẻ câu chuyện thật của mình với độc giả Báo Phụ nữ Thủ đô, tôi muốn nói, nuôi dạy con là hành trình dài khó khăn nhưng nếu cố gắng, chúng ta sẽ làm tốt.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.