Tôi không thể mãi là "cái mắc áo"

Chia sẻ

PNTĐ-Giờ cô đã đủ can đảm để gỡ những thứ bấy lâu đè nặng lên mắc áo cuộc đời mình xuống để treo vào đó những thứ xứng đáng hơn.

 
Tôi không thể mãi là

 
Chồng nhắn tin mắng nhiếc Thảo chỉ vì chồng gọi mà điện thoại của cô không liên lạc được. Cả ngày mải việc, Thảo quên sạc pin nên điện thoại sập nguồn.
 
Cả đêm, Thảo trằn trọc khó ngủ. Sáng ra, mệt không nhấc người dậy được, Thảo đành phải nhờ mẹ chồng đưa con đến lớp mẫu giáo. Mẹ chồng đi về, mặt nặng như chì, đặt túi đồ ăn lên bàn rồi dằn giọng:
 
- Có mỗi đứa con lo không xong thì làm ăn được gì.
 
Cô em chồng nãy giờ đứng ngắm vuốt váy áo gần đó cũng phụ họa thêm mấy câu châm chọc chị dâu. Thảo nhìn thấy, nghe thấy hết nhưng cô lờ đi, lặng lẽ dắt xe ra đi làm.
 
Chân tay rã rời, đầu đau nhói, Thảo có cảm giác giữ không vững tay ga nữa. Nhưng Thảo phải ra khỏi nhà thôi chứ nằm thế sẽ không thể yên. Ngay lúc ấy, Thảo chỉ ước có một nơi nào đó để cô có thể ngả lưng và nằm nghỉ ngơi nhưng… nơi cô đến chỉ có thể là nơi cô làm việc mà thôi.
 
Nhà ngoại… cái danh từ gần gũi nhất đối với mỗi người phụ nữ lại là nơi xa vời vợi với Thảo, dù vẫn ở trong một thành phố này thôi. Nơi đó không dung chứa Thảo nữa kể từ ngày cô gây ra cái tội lỗi tày trời kia theo như lời mẹ Thảo nói.
 
- Đi đâu thì đi, kể từ bây giờ, coi như tôi chưa sinh cô ra trên đời.
 
Bà đã buông ra lời nói lạnh lùng và cay độc đó với Thảo rồi đóng sập cửa lại khi cô đang run rẩy trước cửa vì bị chồng đuổi ra khỏi nhà. Đến tận bây giờ, Thảo cũng không hiểu nổi tại sao mẹ có thể làm vậy. Thảo cũng như phần đông phụ nữ trên đời này, khi có chuyện, nơi mà mình muốn nương náu nhất chính là về với mẹ. Và thường thì các bà mẹ sẽ ôm ấp, che chở cho con dù rằng con mình có lầm lỗi đến đâu chăng nữa. Thảo chỉ có thể lý giải cách hành xử của mẹ có thể là tại vì cô đã làm ảnh hưởng lòng tự trọng và kiêu hãnh của bà. Thảo đã ngoại tình với người đàn ông mà cô mới chỉ gặp duy nhất một lần trong đời. Người khác không thể lý giải được chuyện này, chỉ có Thảo biết vì sao cô lại xao lòng dễ dàng như thế. Bởi vì bên chồng và trong nhà chồng, Thảo đã không hề được quan tâm, được yêu thương.
 
Sự việc bị chồng Thảo phát giác. Những lời nhục mạ, xúc xỉa có lẽ thậm tệ nhất trên đời này Thảo lĩnh đủ cả rồi. Chúng nhiều đến nỗi Thảo không nhớ hết, đếm hết, sự đau đớn, nhục nhã cũng đã chạm đến cùng cực. Nhưng kết cục cuối cùng là ly hôn đã không xảy ra. Chồng Thảo đã ban cho cô đặc ân đó. Anh đã gọi vợ về khi cô đang lang thang trên đường. Không hiểu sao, lúc đó Thảo thấy chồng mình thật vĩ đại vì đến mẹ ruột còn từ mặt cô kia mà. Vậy mà chồng cô lại dung thứ cho cô. 
 
Từ đó, Thảo làm tất thảy mọi thứ để chuộc lỗi. Khi bước chân vào ngôi nhà này làm dâu, làm vợ cô đã cố 10 phần thì giờ cố gấp đôi, gấp ba. Cô cũng đã phải tự mình dìm lòng tự trọng của bản thân xuống để chịu đựng những lời xúc phạm, xỉa xói, kể cả những lời đơm đặt, vu cáo của chồng, mẹ chồng, thậm chí của cả cô em chồng nhỏ hơn Thảo 5 tuổi lẫn miệng lưỡi của người đời. Thảo giống như một cái mắc áo trong góc nhà ai muốn treo gì lên đó thì treo kể cả những thứ hôi hám, rách rưới. Thảo mặc nhiên chấp nhận, không tự vệ, không phản kháng.
 
Thảo lái xe, đầu óc mỗi lúc một mê muội. Và rồi khi tỉnh lại, Thảo không thể tin mình đang ở trong bệnh viện. Bên cạnh cô là cậu em trai mặt đầy lo lắng. Thấy Thảo tỉnh lại mắt nó sáng rực lên vui sướng nhưng rồi ngay lập tức lại vụt tắt:
 
- Hôm nay, nếu nhà mình không có phúc lớn thì có thể chị không còn trên đời này. Em xin chị đấy, chị đừng sống như thế nữa, hãy tự cởi trói cho mình và sống một cuộc đời khác đi.
 
Nước mắt Thảo cứ thế thi nhau chảy xuống. Ừ, sao cứ phải ở lại cái nơi mà ở đó không còn tình yêu thương, sự tôn trọng dành cho mình? Chả lẽ phải dành phần đời còn lại sống trong nhẫn nhục, cam chịu hay sao? 
 
Nước mắt ngưng lại khi Thảo nhìn thấy mẹ, bà vừa hớt hải chạy vào vừa gọi tên con gái. Rồi bà cầm lấy tay Thảo khóc nấc lên, trong tiếng khóc nghẹn ngào những lời ân hận và xin lỗi.
 
Thảo cũng khóc không thành tiếng. Cô giữ chặt đôi bàn tay của mẹ không muốn rời ra. Có một sức mạnh và nguồn năng lượng vô tận vừa được truyền vào trái tim tưởng như đã chai sần, khô héo của Thảo. Giờ cô đã đủ can đảm để gỡ những thứ bấy lâu đè nặng lên mắc áo cuộc đời mình xuống để treo vào đó những thứ xứng đáng hơn.
 
 
THU NHẬT

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.