Tránh xung đột khi ở nhà giãn cách xã hội

Chia sẻ

Vợ chồng em đang gặp vấn đề trong những ngày ở nhà làm việc online theo quy định giãn cách xã hội của thành phố. Khi ở nhà bên nhau 24/24h, chẳng hiểu sao chúng em lại xảy ra nhiều xung đột khiến không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Trong mắt em, anh ấy lộ ra nhiều tật xấu và khác hẳn con người trước đây. Mọi thứ chồng làm, cư xử không khác gì hai đứa con nhỏ. Quần áo tắm xong vứt bừa bãi, đồ ăn vặt, vỏ bia, nước ngọt bày bừa từ phòng khách đến phòng làm việc. Rảnh một chút là vùi vào chơi game, quát mắng con loạn cả lên. Em vừa làm việc online vừa dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn đầu tắt mặt tối từ sáng đến khuya, rất mệt mỏi.

Khi em tranh luận các vấn đề với chồng thì anh ấy bảo em "lắm điều", rồi thách thức lại các kiểu. Cứ thế, hai vợ chồng hầu như ngày nào cũng có xung đột. Những lúc cả hai không kìm được sự nóng nảy đã xảy ra xô xát. Em không biết phải giải quyết tình trạng này như thế nào? Cứ kéo dài chuyện này, vợ chồng em có nguy cơ viết đơn ly hôn sau thời gian giãn cách xã hội, làm việc tại nhà. Em mong có sự gỡ rối cho tình cảnh này từ Tâm Giao!

                                                                           nguyenthuhuyen.wt@gmail.com

Dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, gây đảo lộn và khó khăn không chỉ trong các gia đình mà còn cả xã hội. Đã có nhiều vấn đề xảy ra trong các gia đình trong thời điểm sống giãn cách, cách ly xã hội. Có người phải làm việc online tại nhà, có người mất việc làm, nguồn thu nhập bị giảm sút, trẻ em không được đến trường, ra ngoài hoạt động… tất cả những điều đó đều có thể thúc đẩy sự xung đột gây nên bạo lực gia đình. Đây là tình cảnh đã và đang diễn ra ở các gia đình Việt và các gia đình trên thế giới. Thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy tình trạng bạo lực gia đình gia tăng nhanh chóng trong thời gian giãn cách xã hội.

Vì thế, câu chuyện đang diễn ra ở gia đình bạn cũng đang rất phổ biến hiện nay. Việc ở nhà bên nhau 24/24h với tâm trạng tù túng, bức bối, việc cơ quan lẫn lộn cùng việc nhà đã khiến nhiều cặp vợ chồng nảy sinh xung đột nặng nề. Để giải quyết tình trạng này, vợ chồng bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng sống trong việc hóa giải mâu thuẫn, xung đột hàng ngày. Đầu tiên là bạn và chồng cần điều chỉnh thái độ mỗi khi tranh cãi. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ quyết định xung đột sẽ được dừng lại, hay bị đẩy lên đỉnh điểm hơn. Cả hai phải thống nhất với nhau khi tranh cãi là nhằm tìm ra điều tốt hơn để đi đến chỗ thống nhất, chứ không phải tranh cãi để phân định ai thắng ai thua, rồi dùng từ ngữ xúc phạm nhau. Mỗi người đừng vì tự ái mà cố chấp bảo vệ cái sai của mình. Việc kìm hãm tính nóng nảy, tránh sự phản ứng vội vàng làm cho tình hình thêm căng thẳng là rất cần thiết.

Vì có thời gian bên nhau cả ngày nên sự soi xét cũng dành cho nhau nhiều hơn trước đây. Nếu để ý và chấp vặt, bạn sẽ toàn thấy khuyết điểm của chồng, và bên kia chồng bạn cũng vậy. Kết quả, cả hai sẽ trở nên "xấu xí" trong mắt nhau. Vì thế, trong thời gian làm việc ở nhà, bạn và chồng hãy thống nhất một thời gian biểu của các thành viên trong gia đình, khoảng thời gian nào vợ chồng làm việc, giờ nghỉ cần phân công, chia việc nhà để hỗ trợ nhau. Thời gian rảnh, cả nhà có thể thiết kế các trò chơi chung để giải trí, hoặc cùng vào bếp nấu ăn tạo nên không khí đầm ấm gắn kết. Mọi nút thắt đều sẽ có cách tháo gỡ, chỉ có điều chúng ta phải kiên nhẫn học gỡ bằng cách nào mà thôi.

Tâm Giao

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.