Trẻ coi thường người khác từ sự kỳ thị của cha mẹ

Chia sẻ

Khi bố mẹ thể hiện sự kỳ thị, coi thường một ai đó trước mặt trẻ nhiều lần, tất yếu sẽ khiến trẻ học tập theo.

Hai đứa trẻ, một lớn một bé cãi vã rồi xông vào đánh nhau dưới sân chung cư. Người phụ nữ sống cùng tòa nhà nhìn thấy liền can ngăn, chị phân tích cho đứa trẻ lớn hơn đang cố nhoài người ra đánh đứa bé. "Các cháu không được đánh nhau, như thế là không tốt đâu. Nhất là cháu, cháu lớn hơn mà đánh em như thế là không nên". "Cô có tư cách gì mà mắng cháu, chẳng phải cô cũng phá hoại hạnh phúc nhà người khác sao? Cô cứ làm người tốt đã rồi hãy dạy bảo cháu". Người phụ nữ khựng lại trước lời nói của đứa trẻ rồi bỏ đi lên nhà trong sự tức giận. Thấy vậy, tôi tiến đến hỏi cậu bé: "Cháu là trẻ con, sao lại nói cô ấy như thế?". "Bố mẹ cháu vẫn bảo cô ấy là người không tốt mà, họ nói cô ấy là người xấu làm gia đình người khác đổ vỡ. Bố mẹ cháu còn không cho cháu chơi cùng với con cô ấy".

Trẻ coi thường người khác từ sự kỳ thị của cha mẹ - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Đến đây thì tôi hiểu được nguyên nhân vì sao cậu bé lại có những lời nói ấy với người phụ nữ đó. Đúng là trước đây, chị sai lầm trong tình yêu với người đàn ông đã có vợ. Nói đúng hơn là chị bị người đàn ông đó lừa dối, họ chung sống như vợ chồng một thời gian và có con chung. Sau đó, sự việc lộ ra, vợ người đàn ông đó kéo người đến đánh ghen ầm ĩ, náo loạn của tòa chung cư-nơi chúng tôi đang sống. Chị cắt đứt mọi sự liên lạc với người đàn ông đó, cố gắng sống tốt, nuôi dạy con, nhưng không xóa đi được định kiến của mọi người về sai lầm của mình. Bố mẹ của cậu bé chắc hẳn đã có những kỳ thị đối với chị, họ bàn tán, thể hiện sự coi thường nhiều lần trước mặt con cái. Cậu bé thấy vậy nên đã bắt chước bố mẹ coi thường người phụ nữ đó.   

Rõ ràng, sự tác động của bố mẹ đến với con trong cuộc sống hàng ngày rất lớn. Khi chúng ta thể hiện sự kỳ thị, coi thường một ai đó trước mặt trẻ nhiều lần, tất yếu sẽ khiến trẻ học tập theo. Nếu ai đó có sai lầm, chúng ta nên giúp trẻ rút ra bài học từ sai lầm đó, chỉ cho trẻ thấy nỗ lực sửa chữa, sống tốt trở lại của họ, thay vì gieo vào suy nghĩ của con sự kỳ thị, coi thường.

                                                                                                                               Huyền Ly 

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.