Trẻ vị thành niên “ăn trái cấm”

Chia sẻ

PNTĐ-Tình trạng trẻ vị thành niên quan hệ tình dục sớm, có thai khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên.

 
Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ bệnh viện Phụ sản Trung ương, tại hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp 2019 tổ chức ở Hà Nội trong ngày 13-15/5/2019 cho thấy trong năm 2017-2018 tỷ lệ sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên (VTN) tại bệnh viện Phụ sản Trung ương ở mức cao với 227 sản phụ VTN. Trong số 227 sản phụ ấy, có 178 trường hợp đã “lập gia đình”, số sản phụ 17-18 tuổi chiếm 83,5%, 34 trường hợp là sản phụ từ 14-16 tuổi (trong đó có 4 trường hợp mới 10-13 tuổi), 91 trường hợp đến từ Hà Nội.
 
Những số liệu thống kê này thật sự là một tiếng chuông báo động về tình trạng trẻ VTN quan hệ tình dục sớm, có thai. Nó khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ VTN. Một vấn đề mà lâu nay tâm lý lo sợ “vẽ đường cho hươu chạy” còn phổ biến trong xã hội. 
 
Thực tế cho thấy trẻ VTN đang tiếp xúc với vấn đề nhạy cảm sớm hơn so với lứa tuổi trong tâm thế “điếc không sợ súng”. Nguyên nhân, về mặt sinh học, trẻ em hiện nay dậy thì sớm hơn so với trước đây. Về mặt xã hội, trẻ em tự do tiếp xúc sớm với internet, mạng xã hội, sớm bị ảnh hưởng bởi những văn hóa phẩm “đen”, trong khi sự định hướng của người lớn chưa đúng, hoặc chưa đủ.
 
Lâu nay, việc giáo dục giới tính cho trẻ trong gia đình lẫn nhà trường chủ yếu ở tình trạng “né tránh”, hoặc có thì cũng mới chỉ cung cấp ở việc “giới thiệu” môn học. Rất nhiều nghiên cứu, khảo sát cho thấy thanh thiếu niên không tìm kiếm nguồn thông tin về các biện pháp tránh thai từ bố mẹ và các thầy cô mà chủ yếu học từ trên mạng hoặc không tìm hiểu gì cả.
 
Những biện pháp tránh thai “rất lạ” gây biến chứng cho giới trẻ phải đến bệnh viện xử lý hậu quả như: tránh thai bằng cách dùng nước chanh xịt vào vùng kín, dùng túi nilon thay bao cao su, hay nhảy dây sau khi quan hệ để không thể mang thai, uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều lần trong một  tuần/tháng…
 
Trẻ vị thành niên “ăn trái cấm”  - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Trẻ VTN đang thiếu hụt trầm trọng kiến thức giới tính, tình dục. Nhiều gia đình không đề cập đến hoặc có tâm lý ỷ lại cho nhà trường, xã hội. Bố mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng về vấn đề này để giáo dục cho con vì họ không hề được giáo dục mà chủ yếu tự học hỏi khi kết hôn.
 
Số bố mẹ có kiến thức về lĩnh vực này vẫn mang tâm lý lo sợ giáo dục giới tính sớm cho con sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”, nên dạy cho con sơ sài. Chính sách truyền thông và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện nay chỉ tập trung chủ yếu vào người đã kết hôn, vẫn còn bỏ trống đối với VTN, thanh niên. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ khó tiếp cận với các biện pháp bảo vệ an toàn khi quan hệ tình dục.
 
 Trẻ VTN quan hệ tình dục sớm, mang thai, làm mẹ để lại nhiều hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng cần tránh. Đối với trẻ em gái ở độ tuổi này, cơ thể chưa phát triển đầy đủ để nuôi dưỡng thai nhi, dễ xảy ra các tai biến sản khoa như: tiền sản giật, tai biến thai nghén… Trường hợp phá thai sẽ làm niêm mạc tử cung bị mỏng hóa, buồng trứng không phát triển ảnh hưởng trực tiếp tới việc sinh con sau này.
 
Trường hợp phải sinh con do thai quá tuổi không thể xử lý sẽ phải đối diện với nguy cơ đẻ non, tử vong cho mẹ cao. Đối với trẻ em nam, quan hệ tình dục sớm, thủ dâm nhiều lần sẽ tăng nguy cơ gây vô sinh nam giới sau này, mắc chứng rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, dễ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS.
 
Rõ ràng, chúng ta cần có những giải pháp trước sự báo động về tình trạng trẻ VTN mang thai, quan hệ tình dục sớm. Giải pháp này cần có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường, xã hội, và những chính sách cụ thể. 
 
Về phía gia đình không thể phó mặc cho nhà trường việc giáo dục giới tính cho con mà phải trở thành nơi đầu tiên làm việc đó. Gia đình không chỉ trang bị cho con kiến thức giới tính, mà phải dạy con đạo đức xã hội trong vấn đề này. Gia đình phải dạy cho trẻ hiểu việc phá thai và quan hệ tình dục bừa bãi trước hôn nhân sẽ ảnh hưởng đến đạo đức con người, để lại hậu quả cho hạnh phúc hôn nhân sau này… Bố mẹ cần học hỏi, cập nhật kiến thức về giới tính, tình dục an toàn để có kỹ năng giáo dục cho con, thay vì né tránh hoặc ỷ lại cho nhà trường. 
 
Về phía nhà trường cần đẩy mạnh chất lượng việc giảng dạy giáo dục giới tính cho học sinh. Những kiến thức ở trường phải trở thành “cẩm nang” hướng dẫn thật sự cho trẻ. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình cần phải thực hiện thường xuyên để việc giáo dục giới tính cho trẻ hiệu quả hơn. Cùng với đó, những chính sách xã hội cần lấp đầy khoảng trống trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ VTN, thanh niên. 
 
Tình trạng “ăn trái cấm” sẽ sớm chấm dứt khi việc giáo dục giới tính, tình dục cho trẻ trong gia đình, nhà trường xã hội được xem trọng, thực hiện đồng bộ, khoa học. Và việc giáo dục quản lý con em trong gia đình, học sinh trong nhà trường và quản lý xã hội đối với VTN được quan tâm thực hiện có trách nhiệm, trẻ VTN sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu đúng đắn về tình dục an toàn, đúng thời điểm. Có như vậy “ăn trái cấm” luôn là câu chuyện cảnh báo đối với trẻ VTN.
 
 
Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.