Ươm mầm tài năng nghệ thuật trong nếp nhà truyền thống

Bài và ảnh: AN NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Ngọc Anh (Nguyễn Ngọc Anh), sinh năm 1982 hiện đang công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. Không chỉ được biết đến với những âm điệu mượt mà, sâu lắng của cây sáo trúc đã đưa ông đến với nhiều giải thưởng quốc gia mà NSƯT Ngọc Anh còn tự hào vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều đời cùng theo đuổi âm nhạc truyền thống.

Quê của NSƯT Ngọc Anh tại làng Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội - nơi nổi danh với “đất Tuồng” xứ Đoài nói riêng và của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến nói chung. Cũng tại mảnh đất này, tình yêu nghệ thuật luôn bỏng cháy, được nuôi dưỡng trong gia đình dòng họ Nguyễn Ngọc. Ông nội của Ngọc Anh, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh, sinh năm 1930 là nhạc công, đã góp nhiều công sức cho đội tuồng của làng với vai trò nhạc trưởng; tiếp nối bước chân người cha, NSƯT Ngọc Khánh, bố của NSƯT Ngọc Anh cũng điêu luyện và được giới trong nghề kính phục với cây kèn sona chơi trong dàn nhạc của Nhà hát Tuồng Việt Nam. NSƯT Ngọc Anh bên cạnh thành công trong cây sáo trúc, anh đã tiếp nhận  “chân truyền” từ người cha, viết tiếp những ước mơ của ông, giữ gìn tiếng kèn sona thuần Việt, để đưa nó ngày càng vang xa hơn.

Ươm mầm tài năng nghệ thuật trong nếp nhà truyền thống - ảnh 1
NSƯT Ngọc Anh.

Khi được hỏi về những người thân yêu trong gia đình, NSƯT Ngọc Anh cảm thấy rất tự hào, chia sẻ: “Ông nội và bố tôi không chỉ là những người cả đời say mê cống hiến cho âm nhạc truyền thống của dân tộc mà còn được nhiều người kính trọng vì có tư cách, lối sống gần gũi, hòa đồng với mọi người. Vì thế, đối với tôi ông và bố vừa là những “người thầy” dạy tôi về âm nhạc mà còn là thầy trong cả cuộc sống. Sự hết lòng cho nhạc cụ dân tộc của họ không chỉ khích lệ, mà còn nuôi dưỡng niềm đam mê để tôi theo đuổi nghệ thuật”.

Dưới nếp nhà của ông cha, Ngọc Anh đã dành được nhiều giải thưởng với nhạc cụ sáo trúc. Với mà biểu diễn trong 3 tác phẩm: Luyện năm cung (nhạc chèo), Mùa xuân biên phòng (NSƯT Ngọc Phan), Tiếng gọi mùa xuân (NSND Đinh Thìn), anh đã đoạt giải Nhất cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2008. Tiếp đó, anh đã giành Huy chương Vàng tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc với hai tác phẩm của NSƯT Huỳnh Tú là Mặt trời đỏ và Rừng gọi.

Các thành viên đều là nghệ sĩ theo đuổi âm nhạc truyền thống nên nếp sinh hoạt của gia đình cũng “sôi động” hơn. Những thanh âm của nhạc cụ dân tộc luôn hiện hữu dưới mái nhà, nhất là vào dịp cuối tuần, các thành viên đều trở về ngôi nhà ấm cúng của ông, cha tại làng Dương Cốc để cùng tấu lên những giai điệu trầm, bổng.

Ươm mầm tài năng nghệ thuật trong nếp nhà truyền thống - ảnh 2
  NSƯT Ngọc Anh (người ngoài bên trái) và các đồng nghiệp.

Không chỉ truyền cho nhau tình yêu âm nhạc, họ còn giữ gìn nếp nhà truyền thống, có lề lối, thứ bậc. Trong gia đình, ông bà, bố mẹ luôn mang đến cho NSƯT Ngọc Anh những nguồn động viên, khích lệ thông qua việc dạy dỗ, thăm hỏi con cháu, cổ vũ các con trên con đường sự nghiệp. Đồng thời, các con luôn có ý thức quan tâm, chăm sóc những người thân yêu. “Bố mẹ tôi có bốn người con, tôi là con trai duy nhất. Mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều cho gia đình, bà phải bỏ lại phía sau những sở thích, tìm mọi cách mưu sinh, tự nguyện làm hậu phương vững chãi để bố tôi theo đuổi nghệ thuật. Bố tôi giờ đã bước qua tuổi 70, nhưng vẫn rất yêu âm nhạc, lúc nào rảnh rỗi ông lại mang kèn ra tập luyện. Cứ vào dịp cuối tuần các con cháu trong nhà đều cố gắng trở về, để được gần gũi với ông bà, bố mẹ”- NSƯT Ngọc Anh tâm sự.

Nếp gia đình của NSƯT Ngọc Anh còn được duy trì trong nhiều năm. Đó là vào dịp Xuân về, các thành viên lại quây quần, tụ tập chuẩn bị cùng nhau đón Tết. Ông bà, bố mẹ chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng, con cháu trở về  dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và cùng nhau “túm tụm” gói bánh. Những người khéo tay thì gói bánh chưng lớn để dâng lên tổ tiên, các cháu nhỏ cũng được tập tành với những chiếc bánh chưng nhỏ. Còn các nghệ sĩ trong nhà lại cùng nhau đối thoại về âm nhạc, những giai điệu vui vẻ về mùa xuân, về Tết lại được vang lên. 

Nói về hương vị ngày Tết, nghệ sĩ Ngọc Anh hào hứng: Vui nhất là lúc luộc bánh, bên cạnh nồi bánh chưng sôi lục bục với mùi hương nóng hổi, trẻ con thì chạy loanh quanh, vui đùa, còn người lớn vừa trông bánh vừa hàn huyên đủ mọi chuyện trong cuộc sống và nhâm nhi trà, rượu. Gia đình tôi vẫn luôn duy trì nếp sinh hoạt này, đó là dịp để được gần gũi nhiều hơn với bố mẹ, đồng thời cho các con trẻ hiểu được về tập tục, truyền thống của cha ông. Đây là khoảng thời gian tôi thấy thích nhất, tất cả mọi lo toan đều được buông bỏ, một lòng hưởng thụ không khí đầm ấm của gia đình, rất vui và hạnh phúc.

Ươm mầm tài năng nghệ thuật trong nếp nhà truyền thống - ảnh 3
  Vợ chồng NSƯT Ngọc Anh.

Niềm hạnh phúc của NSƯT Ngọc Anh còn có “người bạn đồng hành” cũng là nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc. Chị là nghệ sĩ đàn tam thập lục Bích Ngọc, cùng làm việc tại Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. Đồng thời, con trai lớn của NSƯT Ngọc Anh cũng đã sớm bộc lộ năng khiếu với âm nhạc truyền thống và sang năm sẽ thi vào ngôi trường âm nhạc chuyên nghiệp - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. NSƯT Ngọc Anh cho rằng, âm nhạc làm cho tâm hồn anh trong sáng hơn, vì thế vẫn biết theo đuổi âm nhạc dân tộc là con đường rất nhiều khó khăn, nhưng hai vợ chồng anh vẫn động viên, khích lệ, để con trai bước tiếp con đường truyền thống của gia đình, cũng như bảo tồn những giá trị đặc sắc của dân tộc. 

Tính đến nay trong đại gia đình của anh đã 4 thế hệ với 5 thành viên, trong đó có hai người là NSƯT đang tiếp nối nhau nuôi dưỡng đam mê và cống hiến cho âm nhạc truyền thống của dân tộc. 

 

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.