Về nhà ngày bão

Ngô Nữ Thuỳ Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thương đậu chiếc xe Honda trước cửa, khẽ khàng bước lên thềm nhà. Trời vẫn mưa như trút nước. Cô cởi tấm áo mưa, ngó nghiêng vào bên trong. Cả ngôi nhà ngói ba gian cũ kĩ, sộc lên mùi ẩm mốc.

 Thương gọi khẽ:

- Ba ơi, ba à, ba đang làm gì đấy?

Đáp lại tiếng cô là bước chân cuống quýt của con Lu. Nó chạy xồng xộc ra phía cửa, mũi hẵng còn dính đất, liếm vào chân cô tỏ vẻ mừng rỡ. Cô hỏi như hỏi người thân:

- Ba đâu rồi Lu?

Nó giơ hai chân trước lên, cào cào vào chiếc quần ngắn của cô, mắt hướng ra ngoài vườn. Theo bước chân nó, cô bước ra sau, tấm lưng còng của ba đang lúi húi dưới mấy bụi mía rậm rạp. Đôi bàn tay thô ráp, đã chậm chạp theo thời gian, đang cố níu giữ những cây mía bị cơn gió mạnh thổi rạp chiều hôm qua. Hết kéo bên này lại giật bên kia, nhưng dường như sức nặng của những cây mía đã làm cho ông già thấm mệt. Thương lên tiếng:

- Mưa gió thế này, ba cứ trầm mình ngoài vườn làm gì vậy ba ơi, mấy cây mía đó, mai mốt nó lớn thêm, cũng bán được bao nhiêu đâu. Rồi ba bịnh ra, không có con ở nhà, ai chăm ba được. Ba vào nhà đi cho con nhờ.

Thương gay gắt, chỉ mong ba bỏ dở việc, chủ động bước vào nhà nghỉ ngơi. Đã ba ngày nay, cơn bão vần vũ trên những mái nhà, gió rít từng cơn. Mấy đêm liền nằm ôm con trong mùng, cô lại khấp khởi lo cho ba. Sợ ba một mình chống chọi với những vất vả. Bảy mươi mấy tuổi rồi, ba đã không còn là chàng lính ngự lâm trẻ, xông xáo và mạnh mẽ như những năm tháng ở chiến trường. Cộng thêm nỗi buồn đau từ ngày má mất, ba yếu đi rất nhiều.

Nhà có ba anh em, hai đứa út học trên thành phố, lấy vợ rồi sinh sống trên đó luôn. Chỉ mỗi mình Thương nhận tấm bằng Đại học Sư phạm loại giỏi, nên may mắn xin đi dạy ở quê. Cũng theo chồng về dinh sau ba năm giảng dạy ở trường, bây giờ đã hai con nheo nhẻo, đứa lên bốn, đứa lên ba, suốt ngày quấn lấy chân mẹ. Cô cũng chẳng có thời gian thường xuyên về thăm ba.

Về nhà ngày bão - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Nhà chồng cách nhà cũ của cô tận ba mươi cây số, mỗi lần về, cô đều phải tay xách nách mang hai đứa nhỏ theo cùng. Hôm nay trời mưa bão, một mình trên chiếc xe cô còn sợ gió sẽ cuốn mình xuống bờ ruộng lúc nào không hay. Nhưng ruột cứ cồn cào lên mỗi khi thời tiết bất ổn. Lo ba ở nhà không có người dọn dẹp, che chắn cho ngôi nhà dột trước, xiêu sau. Đã bao lần, cô bàn với hai em, xây cho ba ngôi nhà mới. Nhưng cứ hễ nói ra, ba lại lắc đầu:

- Ngôi nhà này ba má xây từ thời tụi bây chưa sinh, năm tháng bào mòn tuổi xuân và đã đưa má về với ông bà. Không lẽ chút kỷ niệm của má bây, ba không giữ được.

***

Má mất vào mùa bão, cũng những ngày nước xâm xấp mặt sông. Ba chèo thuyền đi lượm củi, vài thứ lặt vặt trôi nổi trên sông. Má kéo lũ con nhỏ đi bắt cá, kiếm bữa ăn cho cả nhà. Thương bầy con nhỏ quanh năm với dưa cà, rau củ trong vườn, nên má cứ trầm mình mãi dưới con nước. Đợt đó về má bị thương hàn. Rồi má đi. Cũng chẳng kịp lên bệnh viện thăm khám.

Phần vì nhà không có tiền, phần vì má sợ mùi bệnh viện. Má bảo hồi đó ông ngoại kêu đau đầu, cả nhà đưa ông ngoại lên bệnh viện. Nhưng chỉ nửa ngày sau thì ông mất. Người ta bảo, do những năm tháng chiến tranh, ông bị trúng đạn ở đầu, may cứu kịp nên còn sống tới bây giờ. Nhưng tuổi tác bào mòn sức khỏe, chẳng ai có thể chống chọi được với thời gian.

Hồi đó, nhìn sự đau đớn, vật vã của ông ngoại trong mấy tiếng đồng hồ, má đã không chịu được. Kíp trực hôm đó rất nhiều bác sĩ, tiếng chạy huỳnh huỵch dưới hành lang, tiếng y tá gọi nhau dồn dập, nhưng cuối cùng ông ngoại cũng đã nhắm mắt xuôi tay. Nỗi ám ảnh ấy đã khiến má sợ bệnh viện, sợ mãi cho đến ngày má cũng nối gót theo ông.

Đồng lương thương binh của ba đã không đủ để trang trải cho ba đứa con nheo nhóc. Thương lên phố, ở với người cô họ hàng xa, ngoài giờ học, cô phụ buôn bán quán ăn và chăm các em nhỏ. Lâu lâu, dịp nghỉ hè cô cho Thương về nhà mấy hôm, thăm ba và các em, rồi lại trở lên phố làm việc.

Những năm tháng nơi phố thị, nỗi nhớ da diết của Thương là ba, là hai em nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn ở nhà. Nhiều hôm, sau những giờ phục vụ khách ngoài cửa hàng, Thương lại ngồi bậu cửa, nhìn xa xăm ra quốc lộ. Mường tượng về khung cảnh ở nhà.

Rồi Thương đỗ đại học, giấc mơ đứng trên bục giảng và hơn nữa là giảm chi phí cho việc học, Thương đã chọn sư phạm. Thương nghĩ một ngày nào đó, sẽ được về gần ba, chăm lo cho ba nhiều hơn, bù đắp những năm tháng ba gồng mình nuôi ba chị em khôn lớn.

***

- Hai đứa nhỏ đâu, sao không chở nó về chơi với ba cho vui, nay vẫn còn nghỉ hè mà.

- Tụi nó đã đi học cấp một đâu ba, vẫn đi nhà trẻ hằng ngày ạ. Nghỉ hè thì con gửi trường tư. Hôm nay mưa bão, chở cháu về sợ nó bịnh nên con không chở. Con về xem tình hình ba thế nào, mua cho ba mấy lốc sữa, đồ ăn thức uống cho ba bồi bổ nè.

- Ba ngừng không buộc mía nữa, thất thểu bước vào thềm. Nụ cười nhân hậu nở trên đôi môi, khóe mắt nhăn nheo, đôi mắt đã đục mờ. Ba dịu giọng:

- Ba có tiền lương mà con, một tháng nhiêu đó, ba ăn đâu có hết.

- Nhưng con không thấy ba mua gì hết trơn. Lúc nào về nhà, con cũng thấy nồi cá kho ráo nước, bốc mùi thơm của nhiều ngày kho đi kho lại. Con không thấy ba mua sữa uống, cũng chẳng thấy trong tủ lạnh có thêm đồ ăn gì. Ba ăn uống như vậy, tuổi già sức yếu, chịu sao nổi.

Vừa nói, Thương vừa ấm ức lấy tay quệt nước mắt. Bao năm vẫn vậy, trừ những ngày cố cứng cỏi ở phố, dấu nỗi nhớ ba và các em vào trong, thì Thương vẫn luôn là cô gái mau nước mắt. Sợ ba sẽ không chịu nổi những ngày giông bão dập dìu ghé qua căn nhà, sự cô đơn bủa vây lấy người cựu binh ấy. Nhiều lần cô cũng ngỏ ý muốn ba tìm thêm một người để bầu bạn tuổi xế chiều, nhưng mà ba một mực không chịu.

Về nhà ngày bão - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

***

Cánh cổng kẽo kẹt, có tiếng con Lu sủa. Tiếng nhẹ nhàng của chân trần. Cô Hòa hàng xóm gọi vọng vào:

- Ông Tư đâu, trời mưa bão không xuống chợ được, nhà có mấy con gà bị lũ cuốn, dồn một đống, sáng nay ông nhà làm thịt sạch sẽ, kho sả ớt, tôi mang sang cho ông một cặp lồng, cất dần trong tủ lạnh, thèm thì lại mang ra kho ăn nè.

Thương vội vàng bước ra ngoài, lau giọt nước mắt chưa kịp khô trên má. Rối rít cảm ơn cô Hòa. Cũng nhờ cô qua lại thăm nom, mà mấy nay ở nhà chồng xa xôi, Thương cũng bớt lo hơn về ba.

- Rồi ba cũng theo má tụi bây, mấy đứa cứ lo ổn định công việc, lo cho gia đình, đừng lo cho ba nhiều quá. Ba đã nói như thế khi thấy Thương lại tất bật chuẩn bị áo mưa, nón để về. Thương cười động viên:

- Ba cứ đùa con, má mất vì bịnh, giờ ba là người thân duy nhất của tụi con, dù như thế nào, tụi con vẫn lo cho ba, để ba sống vui, sống khỏe bên con cháu chứ!

***

Thương có ý định xin dạy ở trường cấp ba gần nhà mình. Tiện đường tiện xá có thể chăm ba nhiều hơn. Công việc của chồng cô là kĩ sư xây dựng, rày đây mai đó, ở nhà cũng không nhiều. Cô sẽ hỏi ý kiến anh, về việc xây dựng nhà mới trên nền đất của ông ngoại, chuyển về ở hẳn với ông. Ở bên nội, các anh, các chị cũng ở vòng vòng gần đó, chạy qua chạy lại chăm ông bà nội thuận tiện hơn nhiều.

Cô chưa nói ra vì bây giờ công việc chạy một chân giáo viên ở quê cũng khó hơn. Nhất là chưa tìm hiểu về trường, chưa biết giáo viên trong trường thiếu đủ thế nào. Những năm trước, người ta vẫn ưu tiên những giáo viên tốt nghiệp loại giỏi và đã từng học cấp ba ở trường. Nhưng Thương thì không, cô không học cấp ba ở quê vì những năm tháng phụ việc trên thành phố, kiếm tiền lo cho các em. Điều duy nhất cô được ưu tiên đó chính là một suất của con gái thương binh.

Khi đang phân vân giữa đi và ở, giữa chọn về nhà chăm ba và việc ở bên nội thì chồng Thương chủ động gợi ý.

- Hay anh xin cho em về trường cấp ba gần nhà ngoại, vợ chồng chúng mình cất một căn nhà bên ngoại cũng được.

Thương ngạc nhiên, nhìn chồng đầy ngờ vực. Cô không biết anh đã hiểu ý định này của cô từ bao giờ. Ánh mắt cô rưng rưng:

- Sao anh biết em muốn như vậy?

Anh cười:

- Sao anh không biết được. Em là vợ của anh mà. Những ngày thăm ba trở về, thấy nét mặt u sầu của em là anh đoán ra rồi. Anh cũng thương ba, những năm tháng tuổi già vật lộn với vết thương chiến tranh, hai cậu ở xa, lâu mới về được. Vợ chồng mình, còn có cơ hội gần ba nhiều hơn, thì mình làm thôi.

Thương khóc như mưa. Cô ôm chồng, cảm ơn anh rối rít.

***

Ngày Thương dọn về nhà mới, trời lại đổ cơn mưa. Lần này cũng là cơn mưa lớn, ràn rạt trên mái nhà. Ba ngồi trước thềm, chơi với hai đứa cháu. Cô tất bật dọn dẹp trong nhà để cúng kiếng lên nhà mới. Ngôi nhà ngói ba gian cũ kĩ theo ý ba, vẫn để lại để lưu giữ kỉ niệm những năm tháng khốn khó, có ba, có má và gia đình của cô.

Mưa xối xả, dâng nước gần ngập cả khoảng vườn rộng lớn. Mấy cây bắp mới nhú cố vẫy chiếc lá để vươn mình xanh tốt. Cô biết giờ này “bão đã dừng sau cánh cửa” nhà mình...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chia nhà cho con, bố mẹ trở thành “kẻ ở nhờ”

Chia nhà cho con, bố mẹ trở thành “kẻ ở nhờ”

(PNTĐ) - Từ ngày ông bà chuyển quyền sở hữu ngôi nhà của mình cho con trai út thì câu cửa miệng của nó với ông bà mỗi lúc bực tức hay cần quyết định vấn đề gì liên quan đến ngôi nhà là “bố mẹ đang ở nhờ trong nhà tôi nên chẳng có quyền gì ở đây”. Mấy đứa con khác sống bên ngoài cũng không còn lối về nhà bố mẹ như xưa.
Hai mặt của tìm bạn đời trên mạng

Hai mặt của tìm bạn đời trên mạng

(PNTĐ) - CV (viết tắt của Curriculum Vitae) là bản tóm tắt những thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng liên quan tới công việc mà ứng viên muốn ứng tuyển vào công ty, tổ chức nào đó. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bạn trẻ đã dùng CV không chỉ phục vụ mục đích tìm việc mà còn để… tìm người yêu. Từ tháng 8/2024, trào lưu “CV tìm người yêu” trên nhiều trang mạng xã hội như Threads đang “hot” rần rần trong giới trẻ.
Cả nhà đi rừng

Cả nhà đi rừng

(PNTĐ) - Hai vợ chồng chị Trịnh Ngọc Trâm (làm việc trong lĩnh vực nội thất, sống tại TP Hồ Chí Minh) cùng có sở thích du lịch trải nghiệm, đến những nơi hoang sơ để hòa mình vào thiên nhiên trong lành. Khi các con đủ lớn, anh chị đã truyền cảm hứng và hướng hai con hòa chung sở thích này với bố mẹ.
Nhiều vụ việc bế tắc vì vướng “quyền nhân thân“?

Nhiều vụ việc bế tắc vì vướng “quyền nhân thân“?

(PNTĐ) - Tháng 3/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô có bài viết “Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú” phản ánh vụ việc bà N.Nh ở Hải Dương được sự ủy quyền của con gái gửi đơn kêu cứu giúp cháu ngoại tìm cha. Đến nay, sau 4 tháng, dù gia đình bà Nh đã gửi đơn ra tòa nhưng vụ việc vẫn chưa có tiến triển do bị đơn không hợp tác làm giám định ADN theo yêu cầu của Tòa án để xác định quan hệ huyết thống cha con.