Vợ chồng gần 20 năm phát tâm từ thiện tới bệnh nhân ung thư

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Alo… Alo… xin mời bà con có phiếu đến quán cà phê Bảy Trần để nhận chút tấm lòng của các nhà hảo tâm” - đó là âm thanh quen thuộc của vợ chồng ông bà Bảy từ nhiều năm nay thắp lên chút hơi ấm tình người, xua tan đi sự lạnh lẽo, cô đơn cho những bệnh nhân và người nhà đang lưu trú tại Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp (Bệnh viện K2).

Vợ chồng gần 20 năm phát tâm từ thiện tới bệnh nhân ung thư - ảnh 1
Bà Bảy trong một lần phát phiếu tặng quà tới bệnh nhân nằm tại Bệnh viện K2.

“Của cho không bằng cách cho”

Hình ảnh từng đoàn người ngay ngắn xếp hàng trước cổng Bệnh viện K2, trên tay cầm tờ phiếu có ghi dòng chữ “Từ thiện Nhuận Tâm” chờ đến lượt mình tới quán cà phê Bảy Trần nhận những phần quà từ thiện, khi là tấm bánh, lúc là hộp quà, cũng có những lúc là chút ít tiền mặt hỗ trợ kinh phí đi lại cho bệnh viện đang điều trị trong viện đã trở thành quen thuộc đối với người dân sinh sống tại thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Hầu như mỗi ngày, vợ chồng ông Bảy lại đứng ra tổ chức tặng quà từ thiện cho các bệnh nhân nơi đây, thậm chí có những ngày cận Tết Nguyên đán, số lần tặng quà có thể lên tới 2 - 3 lần/ngày. 

Vợ chồng ông Bảy vốn quê Sầm Sơn, Thanh Hoá. Người chồng không may bị khuyết tật bẩm sinh khiến chân phải phát triển không bình thường. Số phận se duyên đưa ông gặp được bà ở đất Quảng Xương, cách quê ông chừng 20km. Hai người lấy nhau, bươn trải khắp nơi mãi đến đầu những năm 2000 mới tìm đến khu vực Bệnh viện K2 lập nghiệp. Kể về nhân duyên phát tâm từ thiện của hai vợ chồng, ông Bảy nhớ lại những ngày đầu tiên đặt chân tới mảnh đất này: “Lúc ấy chúng tôi còn khó lắm, cũng chẳng có nghề gì trong tay. Đến đây thấy mở quán cơm là hợp lý nhất. Quán mở ra cũng có khách, phần nhiều là bệnh nhân và người nhà ra ăn. Bệnh nhân ở đây thì cậu nhìn thấy cũng biết rồi, toàn những người ở “cửa tử”, có bao nhiêu tiền của cũng đều dốc hết chữa bệnh, đến ăn cũng phải tiết kiệm, chẳng dám gọi nhiều. Thấy nhiều hoàn cảnh như thế quá, vợ chồng tôi cũng lựa, một là lấy ít tiền đi, trường hợp nào khó quá thì miễn phí cho họ”.

Mấy năm trước, một đôi vợ chồng đều bị ung thư đến Bệnh viện K2 chữa trị. Ban đầu là người vợ mắc bệnh, chồng lên chăm, hàng ngày ra quán vợ chồng ông Bảy ăn cơm. Được mấy ngày, người chồng cũng phát hiện ra mình bị ung thư giai đoạn cuối. Có bao nhiêu tài sản ở quê, hai vợ chồng bán hết mong trụ lại được lúc nào hay lúc ấy. Cuối cùng, người chồng lại “ra đi” trước, để người vợ một mình trên viện. Rồi như trường hợp của một người phụ nữ ở Hà Tĩnh mắc ung thư vú ác tính. Từ ngày biết vợ mắc bệnh nan y, không còn khả năng giữ mạng sống, gia đình bên chồng tuyên bố thẳng thừng “bỏ mặc” để mình chị hàng ngày chống chọi với bệnh tật, đi tìm hạnh phúc mới… 

Hàng ngày chứng kiến bao cảnh đời khốn khó xung quanh mình, vợ chồng ông Bảy lại nhất tâm hướng Phật nên đã thôi thúc ông bà phát tâm từ thiện như một lẽ nhân duyên để hai người không phải vướng bận bởi sự dằn vặt tâm can. Gần 20 năm nay, cứ đều đặn tuần 2 lần, ông bà Bảy lại tổ chức nấu cơm chay, phát phiếu cho bệnh nhân trong Bệnh viện K2 để họ tới quán của ông bà ăn miễn phí. Hay có những nhà hảo tâm muốn làm từ thiện tại Bệnh viện K2 nhưng chưa biết làm thế nào, ông bà Bảy lại là địa chỉ quen thuộc để mọi người tìm đến nhờ hai người đứng ra kết nối.

Vợ chồng gần 20 năm phát tâm từ thiện tới bệnh nhân ung thư - ảnh 2
Ông Bảy hàng ngày giúp vợ mình thông báo, tổ chức sắp xếp người nhận quà từ thiện trước cổng Bệnh viện K2.

Giai đoạn 2020 - 2022, khi cả nước bước vào giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, mọi thứ đều rất khó khăn. Cả bác sĩ và bệnh nhân trong Bệnh viện K2 đều không được ra ngoài, lương thực thực phẩm khan hiếm, hoàn cảnh ấy mong có đủ cơm ngày 3 bữa để duy trì đã khó chứ chưa nói đến việc điều trị bệnh. Lúc đó, vợ chồng ông Bảy ở ngoài lăn lộn, liên lạc khắp nơi tìm kiếm những nhà hảo tâm cứu giúp, đưa cơm miễn phí vào trong viện để hỗ trợ mọi người. Nhiều bác sĩ, bệnh nhân ở Bệnh viện K2 cũng phải thốt lên: “Không có vợ chồng chú Bảy, không biết mọi người lúc ấy sống sao!”.

Ông Bảy tâm sự: “Những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, khi các gia đình đang sum vầy, hân hoan đón chào năm mới thì nhiều bệnh nhân ung thư phải lên đường, rời xa quê hương tìm đến Bệnh viện K2 điều trị với hy vọng mong manh, giành giật sự sống từng ngày trên cuộc đời này. Nói Bệnh viện K2 là nơi đặc thù hơn những cơ sở khác bởi những bệnh nhân ung thư được chuyển về đây thường chưa tìm ra được phương pháp điều trị, sự sống đối với họ trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Chỉ mong sao chút hành động nhỏ bé sẽ thắp lên sự hy vọng cho những người bệnh, hoặc ít ra họ cũng sẽ có những kỷ niệm tốt đẹp ở nơi lạnh lẽo, cô đơn này… 
Mơ ước có được trung tâm từ thiện giúp người
Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, bà Bảy giải thích: “Lấy tên “Từ thiện Nhuận Tâm” là theo tên người con nuôi hiện nay đang đi tu ở chùa. “Nhuận Tâm” - tức là tấm lòng tròn đầy, mang tâm đầy đặn giúp người và cả gia đình một lòng phát tâm từ thiện để nhận lại sự thanh thản, niềm vui trong cuộc sống chứ không vì lợi danh, lợi bạc”. Ngoài việc hàng ngày tổ chức từ thiện ở Bệnh viện K2, ông bà Bảy có thể kết nối được các nhà hảo tâm làm từ thiện ở những nơi khác thì luôn sẵn sàng đứng ra và đồng hành cùng họ. Hai vợ chồng năm nào cũng dành dụm một khoản tiền nhỏ, cuối năm mua 2 - 3 tấn gạo về tặng cho những người già neo đơn, người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà Thanh Hoá.

Sự chân thành, hướng thiện của ông bà Bảy nhiều năm qua đã lan toả không chỉ khắp khu vực Bệnh viện K2 mà nhiều nhà hảo tâm cả nước cũng biết đến, tìm về nhờ ông bà tổ chức các đợt phát quà từ thiện cho bệnh nhân. Thấy ông bà làm không xuể, nhiều người dân xung quanh cũng chủ động đến hỗ trợ, cùng hai vợ chồng thực hiện các công việc sao cho từng phần quà đến đúng người được nhận. 

Bà Bảy tâm sự: “Để làm được những việc ấy thì cả hai vợ chồng luôn đồng lòng, sát cánh cùng nhau. Có thuận vợ thuận chồng thì mới làm được từng ấy năm cho tới bây giờ. Những lần làm từ thiện, ông ấy đều sát cánh cùng tôi, hỗ trợ tôi rất nhiều cả về tinh thần lẫn các công việc như thông báo, hướng dẫn mọi người xếp hàng ngay ngắn, giữ gìn an ninh trật tự, môi trường… Mình làm việc thiện nhưng nếu để ảnh hưởng tới cộng đồng thì việc làm đó vô tình lại mang hình ảnh xấu, người đời cười chê”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.