Xây chắc nếp nhà

Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nếp nhà là chuyện thiên niên vạn đại. Và thời chúng ta đang sống, chuyện nếp nhà đang “bung nở” muôn màu muôn vẻ cùng sự mở mang và thách thức của xã hội đang đổi thay.

Xây chắc nếp nhà - ảnh 1
 Ảnh minh họa. Nguồn Int

 Từ chuyện nhà, chuyện người 
Mỗi dịp Tết đến trong sự bận rộn lo toan bộn bề, nhà tôi lại canh cánh nỗi lo, có lẽ cũng giống nhiều gia đình Việt. Lo đón Tết, sum vầy người thân, tạo không gian gia đình ấm áp, để chậm lại hơn, để tĩnh lại chút, cùng nhau chúc một năm mới an lành, hạnh phúc.

Giữ nếp đón Tết truyền thống, một cách để xây và giữ nếp nhà; một cách để răn, dạy, để dưỡng con, dưỡng cháu trưởng thành trong không gian hội nhập toàn cầu hiện nay. Không lo sao được, những hiện tượng nhãn tiền đã có, văn hóa gia đình bị suy giảm do tác động mặt trái hội nhập của thời đại.

Ngay Hà Nội thôi, cũng có biết bao gia đình có nếp nhà, có truyền thống đã sản sinh ra những thế hệ tiếp nối nhau làm đẹp tươi, rạng ngời dòng tộc. Tại sao có những gia đình trí thức, đại gia đình và dòng họ có tay nghề cao, có công nhân nhiều đời? Có bà có cháu, có con nghệ sĩ?

Tại sao có được  bao nhiêu quán phở gia truyền, thuốc gia truyền, nhà trồng hoa, làm hoa lụa nghệ thuật… truyền đời? Tại sao làng nghề, phố nghề đủ loại đã thành thương hiệu, thắp sáng niềm tự hào Hà Nội?… 

Vượt lên định mệnh
“Cha nào con nấy”, “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, “Giỏ nhà nào quai nhà nấy”… Muôn đời vẫn có vậy. Và cũng muôn đời vẫn có những nhà “Con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Phải chăng đó là định mệnh, là số phận không thể thay đổi? Việt Nam ta có câu ngạn ngữ: “Con hơn cha là nhà có phúc”.

Cái phúc ấy có ngay ở một số thôn làng nhỏ bé, xa xôi, nhưng vẫn luôn ấp ủ, nuôi dưỡng những giấc mơ đổi đời. Chàng Gióng - Phù Đổng Thiên Vương đâu phải là con nhà dòng dõi. Truyền thuyết, thần thoại là thế, còn thực tế sử sách ghi Đức vua Lý Công Uẩn là con bà Phạm Thị, một nông dân nghèo. Nguyên phi Ỷ Lan hai lần thay chồng nhiếp chính cũng xuất thân từ con nhà nông thuần túy… 

 
Nếp nhà chính là cứ điểm bảo vệ vững chắc, là nơi góp gió thành cơn bão tươi lành cuốn đi những làn gió độc. XÂY CHẮC NẾP NHÀ - giản dị là vậy và cần thiết là vậy.

Thời hiện đại, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi liền với cách mạng giải phóng con người. Mục tiêu “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như lời dạy của Bác đã từng bước được hiện thực hóa ngay từ trong khói lửa kháng chiến. Số đông cán bộ chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ trong 30 năm dài chống giặc Pháp, Nhật và giặc Mỹ xâm lược là con em nông dân, nhà nghèo. Đội ngũ nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, giám đốc, chuyên gia… ngày càng dồi dào đa phần đều từ những gia đình không nhiều học vấn, ít có điều kiện vật chất. Ít điều kiện, nhưng nếp nhà lớp lang ngăn nắp, tử tế, biết yêu thương truyền dạy, bảo ban đã nuôi dưỡng những thế hệ như những mầm cây khỏe mạnh để khi hòa vào cộng đồng xã hội thì vụt lớn, trưởng thành. 

Nhà gắn với nước, nước gắn với nhà trong thời đại chúng ta là thế. Khi hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, khi các thiết chế xã hội ngày càng nâng cao thì mọi công dân đều có thể học hành, vươn lên trong cuộc sống. Cơ sở xã hội ấy tác động tích cực vun đắp cho văn hóa nếp nhà. 

Nếp nhà hữu hình và vô hình
Chỉ quanh nơi chúng ta đang sống đã có dường như đủ loại người. Thậm chí chỉ trong một gia đình mà cha mẹ con cái mỗi người mỗi tính, mỗi phận. Nhiều nhà cùng có điểm xuất phát như nhau, đều có một căn hộ, đều có công ăn việc làm, thu nhập đủ sống. Thế mà nhà ấy, bà chị vừa ham làm giàu bằng buôn bán bất động sản vừa chao chát lô đề cờ bạc, phải bán nhà đã đành mà bỏ bẵng việc chăm lo nuôi dạy cậu con trai khỏe mạnh tinh anh để nó sa vào ma túy. Bà em cơ chỉ, hiền lành, tốt bụng nhưng lại chiều con trai quá mức nên cậu cũng hỏng theo anh họ. May mà nhà này còn có cô con gái xinh đẹp lại chăm chỉ giống mẹ. Cô lấy được anh chồng sống đàng hoàng, nghiêm cách với chính mình và nghiêm khắc với hai con từ khi chúng còn nhỏ. Hàng xóm tinh lắm, nhìn bọn trẻ là biết. 

Và “lộc đời” đã đến với gia đình nhỏ và cả gia đình lớn của ông bà. Nhà khấm khá hẳn lên và cháu gái, cháu trai đều ngoan, học giỏi. Tham lam, đua tranh giàu xổi, bỏ bê hay nhu mì, quá chiều chuộng con cái đều là nguyên nhân để nếp nhà gia giáo các cụ để lại bị thất truyền. Ngược lại, nếu có chí học hành, làm ăn, gạt đi những ham hố, biết chọn theo điều hay lẽ phải thì những sự tốt lành sẽ dần đến, nếp nhà đứt đoạn ở các thành viên khác trong gia đình sẽ được chính mình gây dựng lại. 

Chuyện hay, chuyện dở nói bao nhiêu cho hết. Cả chuyện cái duyên đon đả, chào mời, cái sự cẩn thận, chu đáo của những gia đình buôn bán nhỏ mà ta hay gọi là cái duyên bán hàng. Cái duyên ấy tự nhiên có hay từ ông bà cha mẹ truyền lại? Không thể cắt nghĩa cho rành rõ ngọn ngành. Nếp nhà, nếp nghề nó xoắn vào nhau, nhiều điều hữu hình và cũng như thể vô hình là thế.

Nếp nhà bền vững
Đã có một thời gian dài thời chiến tranh và hậu chiến, báo chí truyền thông và chương trình văn học nghệ thuật Việt Nam nói nhiều đến chuyện chiến đấu, ít nói về gia đình. Thời vận nước nhà nguy - cuộc sống mỗi gia đình, cá nhân trước hết và trên hết là dâng hiến vì Tổ quốc. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, phát triển, những quan hệ gia đình - xã hội và ngay trong mỗi gia đình cũng đa dạng dần.

Là tế bào của xã hội nên mọi sự đổi thay, biến động của xã hội tất yếu và tự nhiên đều tác động đến mọi gia đình. Sự tác động đó đến từ nhiều hướng nhưng trọng tâm là vị thế cá nhân trong xã hội và gia đình ngày một nâng cao. Không còn tình thế cha mẹ bảo con cái phải nghe theo. Không còn cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Đức ông chồng không còn là gia trưởng độc đoán, quyết định mọi chuyện lớn bé trong nhà. Người vợ cũng không phải nhất nhất tuân theo ý chồng, vì họ đã có vị thế, điều kiện để góp ý, tham gia nhiều việc cũng như lựa chọn ứng xử và quyết định của riêng mình. Đám trẻ trong nhà cũng đã có quyền được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, quyền được tôn trọng…

Tất cả những quyền của cá nhân đã và đều được pháp luật điều chỉnh để tôn trọng và bảo vệ. Sự tiến bộ xã hội đó là tất yếu và là bước tiến lớn. Và điều này đặt quan hệ gia đình -  xã hội, Nhà và Nước lên một nấc thang hài hòa mới. 

Vậy thì gia đình có còn là nơi trú ẩn cho các thành viên trước tác động, biến thiên của xã hội? Có hoặc không nếu nếp nhà vẫn được giữ, được vun vén? Vấn đề là nếp nhà phải được xây dựng, giữ gìn, gia cố theo những giá trị bất biến và đổi thay, nâng cấp theo những giá trị khả biến.

Cùng tôn trọng, cảm thông, chia sẻ phải được thay thế cho sự độc đoán. Cùng hướng đến, rèn giũa cho những phẩm chất trung thực, dũng cảm, cầu thị, cầu tiến, hiếu thảo, hiếu nghĩa, hiếu học, hiếu khách, cùng gắn bó bên nhau để vượt khó. Những chữ CÙNG, chữ HIẾU đó càng nhiều thì những giá trị bất biến và khả biến sẽ luôn là nền móng vững chắc cho nếp nhà. 

Song quá trình xây dựng và hoàn thiện nếp nhà vẫn đang đứng trước nhiều thách thức phức tạp. Nếu như ở nhiều vùng nông thôn và miền núi vẫn còn tồn tại lối nghĩ “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” thì tại nhiều vùng đô thị hiện tượng sinh ít con lại đang lây lan. Nếu như tuyệt đại đa số nữ giới, nam giới đều muốn có gia đình thì hiện tượng sống độc thân, làm người mẹ, người cha đơn thân đã xuất hiện.

Nếu như cả xã hội luôn thấm đẫm tấm lòng thương người như thể thương thân thì vẫn còn đó những kẻ thờ ơ, chỉ lo cho thân mình… Căn bệnh vị kỷ, thực dụng đã và đang lây nhiễm, cái tôi cá nhân nổi lên nhiều trường hợp đến cực đoan, thực sự là luồng gió độc rập rình đe dọa mỗi gia đình và cả cộng đồng xã hội.  

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.