“Yêu cho roi cho vọt” và những hệ lụy!
(PNTĐ) - Giáo dục trẻ là một quá trình mà cha mẹ cần phải “mềm dẻo” thực hiện các phương pháp để đạt được hiệu quả tích cực nhất.
Lấy lý do là dạy dỗ con, nhiều ông bố, bà mẹ đã có những hành vi đánh đập trẻ. Chúng ta vẫn chưa quên vụ việc đau lòng xảy ra tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội - một ông bố trong lúc dạy con học đã dùng roi, đũa cả đánh con gái 6 tuổi, gián tiếp khiến cháu bé tử vong. Người cha đã bị truy tố và kết án về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Những giọt nước mắt ân hận muộn màng của người cha không thể lấy lại được sự sống cho con gái… Hay mới đây, vụ một thiếu niên 15 tuổi đã xuống tay sát hại mẹ đẻ của mình chỉ vì uất ức khi người mẹ dùng “đòn roi” để dạy dỗ…
Thực tế, hiện nay, không khó để bắt gặp những gia đình duy trì việc giáo dục, uốn nắn con cái theo hình thức quát mắng và áp dụng các hình phạt thể chất với suy nghĩ “yêu cho roi cho vọt”. Theo thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm ước tính cả nước có từ 3.000-4.000 vụ bạo lực trẻ em được các ngành, chức năng phát hiện, xử lý. Trung bình mỗi tháng, các chuyên gia tư vấn của Tổng đài 111 đã tham gia tư vấn, can thiệp khoảng 200-300 cuộc gọi liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em. Trong đó, số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 54,88%; đa số đối tượng bạo lực đều viện lý do là đánh để… dạy con.
Các chuyên gia tâm lý cho hay, một đứa trẻ phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc theo kiểu “thương cho roi cho vọt” kèm theo lời giáo huấn hà khắc thường bị định hướng rằng mình có lỗi thì phải bị đòn. Từ đó, trẻ chấp nhận bị người khác bạo hành với lý do tương tự. Thậm chí, việc đánh đập vô tình gieo vào đầu con suy nghĩ có thể giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Mâu thuẫn với người nào, nếu lượng đủ sức, trẻ sẽ có phản xạ đánh người đó. Điều này chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường. Ngay cả đứa trẻ chưa từng bị người thân đánh mắng nhưng thường xuyên chứng kiến cảnh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” cũng ngộ nhận chỉ bạo lực mới giải quyết được mâu thuẫn trong các mối quan hệ.
Giáo dục không bạo lực không phải là không phạt và không thưởng. Giáo dục trẻ là một quá trình mà cha mẹ cần phải “mềm dẻo” thực hiện các phương pháp để đạt được hiệu quả tích cực nhất.
Chuyên gia tâm lý Lê Văn Hảo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, bạo lực sẽ để lại rất nhiều tổn thương cho trẻ, đôi khi một lời mắng cũng gây cú sốc tâm lý đối với trẻ ngang với bỏng cấp độ 2-3. Cha mẹ dạy con nghiêm khắc không có nghĩa là phải khắc nghiệt, đòn roi. Nghiêm khắc là cùng nhau thiết lập và tuân theo những nguyên tắc, giới hạn. Khi đó, trong gia đình sẽ không có ai phải đóng vai ác để yêu cầu trẻ phải làm theo bất cứ điều gì. Khi đứa trẻ còn nhỏ, người lớn sẽ phải can thiệp nhiều hơn để đảm bảo đứa trẻ an toàn. Nhưng khi trẻ lớn lên, quyền lực của bố mẹ nên nhỏ lại, dần dần trao cho con quyền quyết định. Trẻ cũng có nhu cầu, có quyền quyết định và chúng ta nên bàn giao quyền cho con bằng cách dạy cho con những kĩ năng tự chủ, tự lập.
“Quá khắc nghiệt hoặc quá tán thưởng trẻ trong nuôi dạy con đều sẽ không tốt trong việc xây dựng thế giới quan của trẻ. Về lâu dài, việc thiết lập nề nếp là rất cần thiết. Tuy nhiên, thiết lập thì dễ, thực hiện và duy trì mới khó. Cha mẹ hãy thật sự dành thời gian và tâm huyết để cùng con xây dựng nguyên tắc, nề nếp và thực hiện mỗi ngày một cách kiên trì. Thay vì lúc nào cũng chỉ mong chờ và đốc thúc con thay đổi, nếu thấy các phương thức của mình chưa hiệu quả, cha mẹ hãy tự thay đổi chính bản thân mình với các phương pháp kỷ luật tích cực, tôi tin rằng cha mẹ sẽ nhìn thấy con mình thay đổi theo” - chuyên gia tâm lý Lê Văn Hảo nói.
Ths. Lê Thị Khánh Vân - chuyên gia bảo vệ trẻ em, giảng viên quốc gia của Chương trình PDEP - “Làm cha mẹ tích cực trong cuộc sống hàng ngày” nói: “Cha mẹ cần phải cho con biết con sai ở đâu, thất bại ở đâu, tại sao con thất bại chứ không phải đưa cho con hình phạt để dạy con rằng con đã sai. Chúng ta phải giúp con hiểu được cái gì nên làm, cái gì không nên và chính chúng ta cũng phải hành xử một cách tương xứng, nhất quán, để trẻ không bị nhầm lẫn về mục tiêu cuối cùng mà chúng ta muốn dạy trẻ”.
TS giáo dục Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: “Nhiều bậc cha mẹ không giáo dục con từ những nền nếp rất nhỏ như cử chỉ, lời ăn tiếng nói, hay giao việc nhà... mà chỉ chiều con, làm “hộ” cho con mọi việc. Nhiều gia đình có điều kiện thì giao giúp việc chăm sóc trẻ, thuê gia sư dạy trẻ… Khi con gặp vấn đề, họ lại bức xúc và đánh con. Việc quá nuông chiều, hoặc không hiểu về giáo dục tích cực khiến cho hình phạt của cha mẹ có bóng dáng của bạo hành trẻ”.
“Thực tế, hình phạt chính là sự trả giá cho hành vi sai lầm của một người nào đó. Hình phạt sử dụng bạo lực luôn bị lên án dù dành cho trẻ em hay người lớn. Nhưng những hình phạt không gây áp lực tinh thần và sức khoẻ lại giúp trẻ nhận ra chính xác ranh giới được phép hay không được phép. Với trẻ em, hình phạt đôi khi chỉ là không được chơi món đồ chơi mà con thích, ăn thứ con thèm hoặc phải làm điều mà con ghét” - TS Vũ Thu Hương nhận xét.
Theo đó, hình phạt với trẻ thường sẽ không gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khoẻ của trẻ như trẻ lớn có thể bị chép phạt, trẻ bé có thể phải ngồi yên một chỗ… Dần dần, trẻ sẽ hình thành ý thức về những hành vi được làm và không được làm, đảm bảo sự an toàn cho trẻ vừa giúp thiết lập trật tự trong gia đình…