"Yêu râu xanh" là người thân quen với nạn nhân

Chia sẻ

Chỉ mấy tháng đầu năm 2021, cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội và dấy lên hồi chuông báo động về tội phạm xâm hại tình dục đang ngày càng gia tăng, manh động. Báo Phụ nữ Thủ đô đã trò chuyện với Trung tá, ThS, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Một nữ sinh lớp 8 (ngồi quay lưng) bị XHTD phải sinh con ở tuổi vị thành niênMột nữ sinh lớp 8 (ngồi quay lưng) bị XHTD phải sinh con ở tuổi vị thành niên (Ảnh: Int)

Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và phòng chống tội phạm, ông đánh giá như thế nào về tình hình tội phạm xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em thời gian gần đây?

Có thể thấy rằng, tội phạm XHTD trẻ em đang ngày một lộ liễu và phức tạp. Nguy cơ trẻ em bị XHTD ngày càng nhiều, được thể hiện cụ thể bởi những thống kê quốc gia và địa phương thời gian gần đây.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020, cả nước phát hiện 1.945 vụ xâm hại trẻ em. Khoảng 80% số vụ được phát hiện mà “yêu râu xanh” có quen biết với nạn nhân, trong đó, 10% là cha dượng hoặc chính bố đẻ. Đáng ngại hơn, vấn nạn XHTD trẻ em đã len lỏi và xuất hiện trong các cơ sở giáo dục – một môi trường vốn được coi là an toàn, lành mạnh để các em rèn luyện và hoàn thiện nhân cách và “yêu râu xanh” lại chính là thầy giáo, người được quyền dạy dỗ nhân cách cho các em.

Các đối tượng thường lợi dụng sự sơ hở của gia đình, sự non nớt của trẻ em, lợi dụng trẻ ở nhà một mình, chơi một mình nơi công cộng hoặc nơi vắng vẻ, trẻ em thiếu hiểu biết về giới tính và không có kỹ năng tự bảo vệ để dụ dỗ, đe dọa và thực hiện hành vi xâm hại. Thậm chí, nhiều trường hợp lợi dụng hoàn cảnh trẻ em đang gặp khó khăn, thiếu thốn về tình cảm (cha mẹ ly thân, ly hôn, cha mẹ đi làm ăn xa, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật...), thiếu sự quan tâm, quản lý, giám sát của người lớn hoặc trẻ em thiếu thốn về vật chất, rồi tiếp cận gây dựng niềm tin hoặc dùng vật chất, tiền bạc để dụ dỗ, ép buộc và xâm hại trẻ em…

Mặc dù chế tài xử lý loại tội phạm này trong pháp luật hiện hành đã rất nghiêm khắc, nhưng tại sao các vụ việc vẫn tăng và tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn?

Có thể nói, trong pháp luật hiện hành, chế tài xử lý tội phạm XHTD trẻ em được quy định rất cụ thể với khung hình phạt rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, việc điều tra, xử lý các vụ án XHTD trẻ em vẫn thường chậm trễ. Nguyên nhân là án XHTD chỉ có thủ phạm và nạn nhân, khi gây án không có người thứ ba. Khi không có nhân chứng, việc điều tra trở nên khó khăn.

Lấy ví dụ như án hiếp dâm, cưỡng dâm còn có tổn thương sản khoa, chứng cứ còn lại (như lông, tóc, tinh dịch) dính trên người nạn nhân và thủ phạm. Nhưng nếu án chỉ dừng lại ở sàm sỡ, dâm ô… lại thiếu chứng cứ. Ngoài ra, nhiều vụ án bị phát hiện muộn (do trẻ em không kể vì xấu hổ hay bị đe doạ, hoặc không biết là mình bị xâm hại...). Vì thế khi phát hiện, dấu vết giúp truy nguyên thủ phạm không còn nữa. Thêm vào đó là khó khăn trong việc lấy lời khai. Bị hại lại non nớt, khả năng tri giác hạn chế... nên khai báo không chính xác và thống nhất, mỗi lúc khai một kiểu. Thậm chí, có những bé gái dưới 6 tuổi, trẻ khuyết tật về trí tuệ… còn không thể mô tả được chi tiết sự việc mình bị xâm hại ra sao với cơ quan Công an. Trong khi đó, nghi phạm đủ khôn để cãi bay mọi cáo buộc...

Trong điều tra án, vấn đề quan trọng hàng đầu là chứng cứ, nếu không đủ chứng cứ, thì phải theo nguyên tắc suy đoán vô tội... Cơ quan pháp luật dẫu muốn, cũng không thể kết tội một người chỉ vì nghi thực hiện tội phạm mà không có chứng cứ rõ ràng.

Một vấn đề nữa là nhiều gia đình nạn nhân không am hiểu pháp luật nên không kịp thời trình báo sự việc với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi phát hiện con em mình bị xâm hại. Tôi biết, một số địa phương vùng cao vẫn còn hình thức “phạt vạ”. Tức là, nếu đối tượng xâm hại là người nhà của nạn nhân, dòng họ đó thường chọn cách “giải quyết trong nhà” bằng hình thức cống nộp tiền mặt, sản vật rồi sẵn sàng “cho qua” chuyện này. Những yếu tố này khiến tội phạm XHTD trẻ em bị “ẩn”. Khi hành vi phạm tội không bị trừng trị kịp thời, sẽ mất tác dụng răn đe giáo dục và tội phạm lại có điều kiện phát sinh.

Ngoài ra, việc phòng ngừa đối với tội phạm XHTD trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, còn hình thức, chưa tiếp cận đời sống người dân đủ để tạo ra những chuyển biến, thay đổi nhận thức về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hệ thống chính trị ở cơ sở tại một số địa phương chưa phát huy đầy đủ vai trò và làm hết trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động người dân thực hiện tốt pháp luật. Tại các nhà trường, việc giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em lứa tuổi học đường còn bị xem nhẹ, hoặc chưa được triển khai, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Trong một số vụ việc XHTD trẻ em, nạn nhân lại quen biết đối tượng xâm hại qua mạng xã hội, từ đó làm quen, kết bạn rồi lừa gạt đưa đi chơi và thực hiện hành vi xâm hại. Theo ông, cha mẹ cần làm gì để can thiệp và phòng tránh nguy cơ XHTD trẻ em?

Bên cạnh những yếu tố tích cực, mạng xã hội cũng tác động tiêu cực đến người dùng, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Văn hóa ngoại lai, bạo lực, đồi trụy… gây ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của trẻ. Đã có rất nhiều vụ án XHTD trẻ em xảy ra sau khi đối tượng xem phim khiêu dâm.

Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để kết bạn, làm quen với trẻ em gái mới lớn, rồi dụ dỗ các em bỏ nhà đi chơi và thực hiện hành vi xâm hại.

Do đó, cha mẹ cần giám sát chặt chẽ các trang mạng xã hội mà con tham gia, từ đó, định hướng về kỹ năng và lối sống tích cực, giúp con bảo vệ mình trước những “nanh vuốt” của yêu râu xanh.

Đối với các nhà trường, cần thực hiện lồng ghép giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ vào các buổi học chính khóa hoặc ngoại khóa. Việc nâng cao nhận thức cho chính các thầy cô để truyền dạy cho các em học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình cũng hết sức cần thiết. Bên cạnh đó là vai trò giám sát và bảo vệ con cái của cha mẹ. Cha mẹ cần quan sát các biểu hiện bất thường về tâm sinh lý của trẻ để có hướng xử lý phù hợp; dạy cho con ngay từ nhỏ biết ai là người được phép tiếp cận và có thể chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Để quá trình điều tra đạt hiệu quả, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên cơ thể của trẻ, cha mẹ không được cho đi tắm, giặt, mà phải giữ nguyên bộ quần áo trẻ đang mặc, khẩn trương đưa trẻ đi khám thương, giám định tổn thương sản khoa, ghi nhận dấu vết thương tích trên cơ thể; đồng thời trình báo ngay với chính quyền, cơ quan công an gần nhất.

Xin cảm ơn ông!

QUỲNH AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.